Chim
Vào đầu năm 2020, nhà điểu học Noah Strycker từ Đại học Brook của Mỹ phát hiện ra mình đang đi dạo giữa hàng nghìn con chim cánh cụt quai mũ trên Đảo Voi, một vùng đất xa xôi phủ đầy băng tuyết ở ngoài khơi Nam Cực. Anh ấy ở đó để thực hiện một cuộc điều tra về thuộc địa của chim cánh cụt, nơi đã không được khảo sát chính xác kể từ năm 1970.
Cuộc khảo sát cuối cùng của Strycker cùng các đồng nghiệp cho thấy chim cánh cụt quai mũ thực sự tạo thành một trong những đàn chim lớn nhất thế giới, tập trung khoảng 2 triệu con ở một số địa điểm như quần đảo South Sandwich. Khám phá này đã thúc đẩy Strycker đi tìm đáp án cho một câu hỏi thậm chí còn tham vọng hơn: đâu là nhóm động vật lớn nhất từng được ghi nhận trên Trái Đất?
Strycker bắt tay vào nhiệm vụ của mình và nhận thấy đàn chim cánh cụt ở South Sandwich dễ dàng bị "vượt mặt" bởi một loài chim khác có tên là Quelea mỏ đỏ, sống trên các thảo nguyên ở châu Phi cận Sahara.
"Chúng tụ tập thành những đàn rất lớn với hàng triệu, hàng chục triệu và có thể lên đến hàng trăm triệu con", Strycker cho biết. "Tôi nghĩ rằng chúng là loài chim phong phú nhất trên thế giới".
Quelea mỏ đỏ nhiều đến nỗi các nhà quan sát nói rằng phải mất 5 giờ để một đàn bay qua trên đầu. Tuy nhiên, chúng vẫn chưa phải là đàn chim đông nhất.
"Có những câu chuyện về các đàn chim bồ câu viễn khách bay qua đầu người quan sát trong hàng giờ hoặc hàng ngày. Thật điên rồ!" Strycker nói thêm. Một cuộc tụ họp vào năm 1866 được ghi nhận là trải rộng 1,6 km và dài 482 km, ước tính chứa khoảng 3,5 tỷ con chim bồ câu, dựa trên số lượng đếm được trong mỗi dặm vuông và ngoại suy theo kích thước của đàn. Ngày nay, bồ câu viễn khách đã bị săn bắn đến mức tuyệt chủng.
Cá
Di chuyển từ bầu trời cao xuống độ sâu của đại dương, có những ghi chép về một loài cá - cụ thể là cá trích Đại Tây Dương - tập hợp theo từng đàn hơn 4 tỷ con, bỏ xa "ứng viên" sáng giá nhất trước đó là chim bồ câu viễn khách.
Động vật có vú
Các loài động vật có vú không đạt đến số lượng bầy đàn lớn như cá trích Đại Tây Dương, nhưng cũng đáng kể để đề cập. Chúng bao gồm linh dương nhảy và linh dương đầu bò ở miền nam châu Phi. Trong quá khứ, chúng đã tụ tập thành đàn hơn 1 triệu con, diễu hành khắp trảng cỏ trong nhiều tuần.
Nhưng ấn tượng hơn cả là loài dơi thò đuôi Mexico (Tadarida brasiliensis). Ở Texas, có một hang động duy nhất là nơi sinh sống của hơn 20 triệu con dơi này. Khi đồng loạt rời hang kiếm ăn, chúng tạo thành một đám mây gợn sóng khổng lồ trên bầu trời.
Châu chấu
Kỷ lục bầy đàn đông nhất trong thế giới động vật thuộc về châu chấu. Ở Đông Phi vào đầu năm 2020, có một đám mây châu chấu sa mạc quét qua bầu trời, trải rộng hàng nghìn km2.
"Nó giống như một tấm chăn đen che phủ bầu trời, dày đặc đến mức rất khó để nhìn thấy những đám mây", nhà nghiên cứu Emily Kimathi tại Trung tâm Sinh lý học và Sinh thái học Côn trùng ở Kenya, mô tả.
Sự kiện đặc biệt đó là bầy đàn lớn nhất được quan sát thấy ở vùng Sừng châu Phi trong 25 năm. Các chuyên gia ước tính rằng chúng tụ tập với mật độ khoảng 50 triệu con trên 1 km2, có nghĩa là đàn châu chấu duy nhất sẽ chứa khoảng 200 tỷ con. Châu chấu sa mạc được biết đến với khả năng sinh sản rất nhanh, có thể tăng gấp 20 lần số lượng trong khoảng thời gian ba tháng.
200 tỷ là con số đáng kinh ngạc, nhưng dữ liệu từ quá khứ cho thấy các đàn châu chấu có thể phát triển đông hơn nhiều trong điều kiện môi trường lý tưởng. Vào năm 1875, một nhà khí tượng học tên là Albert Child đã sững sờ khi thấy những con châu chấu bay vùn vụt trên bầu trời trong một bầy đàn khổng lồ che phủ phần lớn miền tây nước Mỹ. Loài này là châu chấu núi Rocky và Albert ước tính chúng bao phủ một vùng trời rộng 512.800 km2.
Sự kiện lịch sử này ngày nay còn được gọi là "đàn châu chấu của Albert". Dựa trên ước tính của nhà khí tượng học, số lượng của chúng có thể lên tới 3,5 nghìn tỷ con. Đây được cho là số lượng động vật lớn nhất trong một đàn mà con người từng ghi nhận được.
Giống như bồ câu viễn khách, châu chấu núi Rocky hiện đã tuyệt chủng, với mẫu vật sống cuối cùng được quan sát thấy vào năm 1902 ở miền nam Canada, nhưng chuyến bay lịch sử của chúng vẫn là một kỷ lục rất khó bị phá vỡ.
Đoàn Dương (Theo Lives Science)