Thứ sáu, 19/4/2024
Thứ ba, 7/12/2021, 14:13 (GMT+7)

Những báu vật lưu dấu ấn các vương triều Trung Quốc

Cốc vàng nạm ngọc nhà Thanh hay tranh dệt thời Nam Tống là những báu vật của các vương triều đang được trưng bày ở bảo tàng Cố Cung, Bắc Kinh.

Bảo tàng Cố Cung ở Bắc Kinh trưng bày hơn 1,8 triệu cổ vật, bao trùm gần như toàn bộ lịch sử phát triển văn minh cổ đại Trung Quốc.

Trong ảnh là cốc Kim Âu Vĩnh Cố được chế tác đời Càn Long, cổ vật tiêu biểu trong bảo tàng Cố Cung. Cốc cao 12,5 cm, đường kính 8 cm, chân cao 5 cm, quanh miệng được khắc chữ hồi, hoa văn biểu thị phú quý.

Vua Càn Long đã ra lệnh cho thợ thủ công sử dụng những vật liệu quý giá nhất để chế tác cốc vàng này. Nó được các hoàng đế nhà Thanh sau này coi là pháp bảo quý giá của tổ tiên và thường sử dụng vào lễ khai bút đầu năm mới.

Vân Văn Bàn (Đĩa vân mây) được xem là báu vật đại diện cho các tác phẩm chạm khắc sơn mài của Cố Cung, do Trương Thành, bậc thầy chạm khắc sơn mài đời nhà Nguyên chế tác.

Đĩa cao 3,3 cm, đường kính 19,2 cm, phôi đĩa gỗ sơn mài đen, mặt trong và mặt ngoài đều được chạm khắc vân mây, lớp sơn dày dặn, phát sáng lấp lánh.

Thanh ngọc vân long văn lư ( Lư hoa văn rồng mây ngọc bích) là tác phẩm đại diện cho các dòng cổ vật làm từ ngọc trong bảo tàng Cố Cung. Lư được chế tác vào đời nhà Tống (960-1279), cao 7,9 cm, đường kính 12,8 cm, chất liệu ngọc tự nhiên.

Thân lư được khắc hoa văn rồng bay, mây vũ và nước biển, dưới đáy lư còn khắc một bài thơ 7 chữ của vua Càn Long.

Lư tai voi vân hoa sen tráng men pháp lam được chế tác vào thời nhà Nguyên (1271-1368), cao 13,9 cm, đường kính miệng 16 cm, đường kính chân 13,5 cm.

Lư làm từ phôi đồng, hình tròn, bụng phình, hai bên tai lư hình đầu voi. Phần cổ lư được tráng men lam nhạt, trang trí 12 bông hoa cúc nhiều màu, còn phần bụng tráng men pháp lam, trang trí 6 bông sen.

Bảo tàng Cố Cung còn trưng bày bức tranh Thanh minh thượng hà đồ (Cảnh bên sông ngày lễ Thanh minh), một trong 10 bức vẽ tiêu biểu nhất của hội họa Trung Quốc.

Tranh do Trương Trạch Đoan (1085-1145) vẽ trên cuộn giấy dài 5,29 m, khổ rộng 24,8 cm, mô tả khung cảnh bên trong và bên ngoài kinh đô Biện Kinh (tức Khai Phong, tỉnh Hà Nam ngày nay) dưới triều đại nhà Tống, trong suốt dịp tiết Thanh minh.

Bình phục Thiếp (Thiếp chúc bình phục) là tác phẩm của Lục Cơ thời Tây Tấn viết hỏi thăm sức khỏe bạn bè, viết cách đây hơn 1.700 năm. Đây là một trong những bút tích viết bằng mực sớm nhất trong lịch sử thư pháp Trung Quốc.

Thiếp dài 23,7 cm, rộng 20,6 cm, nằm trong kho tàng cổ vật của nhà Thanh và được hoàng đế Gia Khánh ban thưởng cho Cung Thân Vương Dịch Hân.

Năm 1937, con cháu Dịch Hân đem bán tác phẩm lấy tiền chữa bệnh. Bức thiếp lưu lạc sang Anh và được một người Trung Quốc là Trương Bác Câu mua lại.

Đồng hồ hoàng cung chúc thọ dạng lầu gác sơn son thếp vàng là tác phẩm tiêu biểu cho dòng cổ vật đồng hồ trong bảo tàng Cố Cung. Đồng hồ cao 185 cm, có 7 hệ thống cơ học riêng biệt điều chỉnh thời gian, báo giờ...

Trước thế kỷ 17, các triều đại Trung Quốc xem giờ bằng đồng hồ cát. Năm Càn Long thứ 8, vua ra lệnh thiết kế đồng hồ cơ và mất 14 năm mới hoàn thành. Đây được xem đồng hồ cơ hiện đại nhất thời bấy giờ.

Mai khước đồ (Tranh chim khách trên cành mai) là bức tranh đại diện cho dòng tranh thêu và dệt trong bảo tàng Cố Cung. Tranh dài 104 cm, rộng 36 cm, là một trong số ít tác phẩm còn sót lại của Thẩm Tử Phồn, nghệ nhân tranh thêu nổi tiếng thời Nam Tống (1127-1279).

Bình đựng rượu Á Phương cao 45,5 cm, rộng 38 cm, nặng 21,5 kg, miệng vuông bành, bốn góc trang trí hình đầu voi cùng 8 đường gờ ở giữa.

Bên trong miệng bình có khắc dòng chữ: Á Giả Dĩ Đại Tử Tôn Di (Bảo vật của các tiểu á tộc tặng Hoàng hậu, Thái tử). Đây là dụng cụ đựng rượu phổ biến từ đầu thời nhà Thương đến thời Xuân Thu Chiến Quốc.

Bình gốm đỏ lò Lang, lò nung thuộc triều đình thời Khang Hy nhà Thanh ở Giang Tây thời xưa, ngày nay là Cảnh Đức Trấn, nơi được gọi là thủ phủ gốm sứ Trung Quốc.

Lang lấy theo họ của Tuần đốc Giang Tây Lang Đình Cực (1663-1715), người phụ trách chế tác đồ gốm sứ của triều đình. Lò Lang nổi tiếng với các dòng gốm sứ men đỏ, men xanh lam và xanh lục.

Bình gốm đỏ trưng bày trong bảo tàng Cố Cung cao 20,8 cm, cổ dài, bụng thõng, chân tròn vẩy ra ngoài có đường kính 9,1 cm. Hai bên chân bình có lỗ hình chữ nhật để xâu dây đeo giữ ở thắt lưng.

Thân bình tráng men đỏ, miệng bình màu trắng do lớp men chảy ra trong quá trình nung ở nhiệt độ cao. Đáy bình tráng men trắng, khắc thơ của Càn Long, biểu lộ sự yêu mến, ngưỡng mộ của hoàng đế Càn Long với bình gốm sứ đỏ chế tác tại Cảnh Đức Trấn.

Hồng Hạnh (Ảnh: Bảo tàng Cố Cung)