Mùa hè năm 2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ở Singapore. Đó là cuộc gặp lịch sử trong bối cảnh Washington và Bình Nhưỡng suốt hàng thập kỷ qua đã bất đồng về vũ khí hạt nhân. Hai lãnh đạo cùng ký một tuyên bố chung, đặt ra tầm nhìn đầy tham vọng về tương lai hòa bình cho bán đảo Triều Tiên.
"Không còn mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên nữa", Tổng thống Trump tweet chưa đầy 24 giờ sau cuộc gặp ngày 12/6 với lãnh đạo Triều Tiên.
Một năm rưỡi sau, bầu không khí lạc quan biến mất. Triều Tiên hồi tháng 5 nối lại các vụ thử tên lửa tầm ngắn và hôm 10/12 tuyên bố đã tiến hành một cuộc thử nghiệm "rất quan trọng" tại bãi phóng tên lửa Sohae. Bình Nhưỡng ra hạn chót vào cuối năm nay cho các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Washington, đe dọa về một "món quà Giáng sinh" không mong muốn gửi tới Mỹ, đồng thời tiếp tục dùng những lời lẽ nặng nề ám chỉ Tổng thống Mỹ.
Trump, người đang vướng vào cuộc chiến luận tội với phe Dân chủ ở Hạ viện, gần như phớt lờ "hạn chót" của Bình Nhưỡng và không còn đề cập nhiều đến vấn đề Triều Tiên. Nhưng cuối tuần qua, ông quay trở lại tâm bão, đề cao "thỏa thuận phi hạt nhân hóa mạnh mẽ" ở Singapore nhưng cảnh báo Triều Tiên có thể "mất mọi thứ" nếu hành động theo cách thù địch.
Vậy điều gì đã xảy ra với "thỏa thuận phi hạt nhân hóa mạnh mẽ" được Trump và Kim Jong-un cùng đặt bút ký tại Singapore?
Trong năm đầu nhiệm kỳ của Trump, căng thẳng giữa Mỹ và Triều liên tục leo thang, Bình Nhưỡng thực hiện ít nhất 20 vụ thử tên lửa, bao gồm cả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, và thử cả vũ khí hạt nhân mới. Tháng 8/2017, Trump tuyên bố sẽ "trút lửa giận chưa từng thấy" lên Triều Tiên nếu họ tiếp tục đe dọa Mỹ.
Nhưng đến 2018, căng thẳng dần lắng dịu, Triều Tiên thông báo sẽ dừng thử nghiệm vũ khí. Khi Trump và Kim gặp mặt vào tháng 6, họ ký một văn bản đề ra các mục tiêu: Hòa bình, thịnh vượng và phi hạt nhân hóa.
Cuộc gặp Trump - Kim lần đầu tiên là một sự kiện gây chấn động toàn cầu, thu hút truyền thông từ khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, rất khó để đánh giá tác động thực tế của hội nghị ở Singapore. Về mặt công khai, hai bên chỉ đưa ra một tuyên bố với vỏn vẹn 400 từ, đề cập 4 vấn đề mơ hồ: Cam kết thiết lập một mối quan hệ Mỹ - Triều Tiên mới phù hợp với mong muốn của người dân hai nước về hòa bình và thịnh vượng; Cùng nỗ lực xây dựng một bán đảo Triều Tiên hòa bình và ổn định lâu dài; Cam kết hợp tác hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên; Cam kết tìm kiếm tù binh và hài cốt những người mất tích trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953.
Không có bất kỳ lời hứa nào về việc dừng thử nghiệm vũ khí trong tuyên bố chung, dù vào tháng 4/2018, Kim Jong-un tuyên bố sẽ không tiếp tục tiến hành các cuộc thử nghiệm hạt nhân nữa vì Triều Tiên đã "hoàn thành" quá trình này.
Trong khi hai lãnh đạo hướng tới những mục tiêu lớn, các cuộc gặp cấp làm việc được kỳ vọng sẽ giúp làm rõ thêm mọi chi tiết liên quan. Nhưng trải qua thời gian, chúng lần lượt bị hủy hoặc kết thúc chóng vánh, chẳng hạn như cuộc gặp ở Stockholm, Thụy Điển, mà Bộ Ngoại giao Triều Tiên gọi là "cuộc đàm phán khủng khiếp" bởi "Mỹ không chịu từ bỏ thái độ cũ".
Những lời lẽ tâng bốc của Trump dành cho Kim Jong-un cũng không thể giúp hai nước rút ngắn khoảng cách. Hồi tháng 2, hai lãnh đạo lại họp thượng đỉnh ở Hà Nội, nhưng cuộc gặp bị cắt ngắn đột ngột khi đôi bên không thể thống nhất về các điều khoản gỡ bỏ lệnh trừng phạt. Trong cuộc họp báo sau hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui nói Mỹ đã bỏ phí cơ hội "chỉ có một lần trong đời".
Tới tháng 6, lãnh đạo hai nước tiếp tục gặp mặt lần ba, khi Trump trở thành Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên bước chân sang lãnh thổ Triều Tiên ở Khu Phi quân sự liên Triều. Dù bước chân của ông chủ Nhà Trắng mang ý nghĩa biểu tượng to lớn, nó vẫn không đủ sức phá vỡ thế trì trệ trong tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa. Triều Tiên tháng trước khước từ đề xuất của Trump về hội nghị thượng đỉnh tiếp theo.
"Vì chúng tôi không nhận được gì đáp lại từ Mỹ, chúng tôi sẽ không tiếp tục trao cho Tổng thống Mỹ món quà để ông ấy khoe khoang", Kim Kye-gwan, nhà ngoại giao kỳ cựu Triều Tiên, cho biết trong một thông báo được truyền thông nhà nước Triều Tiên đăng tải.
Về các mục tiêu mà Trump và Kim đặt ra trong tuyên bố chung Singapore, giới chuyên gia nhận định tác động chúng mang đến là vô cùng hạn chế. Triều Tiên thực tế đã ngừng thử nghiệm vũ khí và phá hủy một phần cơ sở thử nghiệm hạt nhân, nhưng họ đã làm điều này thậm chí trước cả khi hội nghị thượng đỉnh diễn ra. Bên cạnh đó, việc phá hủy bãi thử của Triều Tiên không được kiểm chứng quốc tế và về sau, nước này vẫn tiếp tục thử nghiệm tên lửa tầm ngắn.
Mỹ đã hoãn các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc nhưng từ chối gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt mà Triều Tiên cho là chìa khóa giúp mở cánh cửa đàm phán.
Cuối tháng 7/2018, Mỹ nhận 55 hộp được cho là chứa 55 hài cốt binh sĩ nước này thiệt mạng trong Chiến tranh Triều Tiên. Nhưng từ đó đến nay, nỗ lực hồi hương hài cốt lính Mỹ bị đình trệ. Hồi tháng 5, Lầu Năm Góc thông báo sẽ đình chỉ hoạt động tìm kiếm hài cốt binh sĩ mất tích trong chiến tranh bởi giới chức Mỹ không thể liên lạc với các đối tác Triều Tiên.
Thỏa thuận hạt nhân Trump - Kim có nguy cơ đổ vỡ còn xuất phát từ việc hai bên có quan điểm khác nhau về lệnh trừng phạt và vũ khí hạt nhân. Quan điểm của Mỹ là sẽ không gỡ bỏ lệnh trừng phạt nếu Triều Tiên chưa từ bỏ vũ khí hạt nhân, trong khi Bình Nhưỡng chỉ đồng ý hủy bỏ chương trình hạt nhân nếu nhìn thấy Washington có thiện chí gỡ bỏ lệnh trừng phạt. Mọi chuyện thực sự không đơn giản.
Chẳng hạn, Mỹ dường như sẵn sàng gỡ bỏ trong phạm vi hạn chế một số biện pháp trừng phạt với Triều Tiên, nhưng họ do dự trong việc xóa bỏ hoàn toàn các lệnh cấm vận của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bởi không thể dễ dàng áp đặt chúng trở lại. Triều Tiên đề xuất phá dỡ cơ sở hạt nhân quan trọng Yongbyon nhưng các quan chức Mỹ cho rằng như vậy là chưa đủ.
Suốt nhiều tháng, hai bên không thể giải quyết bất đồng và "buông xuôi" vấn đề khúc mắc. Nhưng truyền thông Triều Tiên mới đây nhắc lại rằng họ cho Mỹ hạn chót vào cuối năm nay và nếu không nhìn thấy sự thay đổi từ phía Washington, Bình Nhưỡng sẽ tặng họ một "món quà Giáng sinh", dường như ám chỉ một vụ thử tên lửa tầm xa hay vũ khí hạt nhân.
Sự thay đổi lập trường của Triều Tiên có thể bắt nguồn từ việc họ đang phải vật lộn chống đỡ những áp lực kinh tế không nhỏ từ các biện pháp trừng phạt quốc tế, giới quan sát đánh giá. Nhưng cũng có thể Bình Nhưỡng đang chú ý tới "lịch trình chính trị" ở Mỹ, khi Trump chỉ còn cách cuộc bầu cử tổng thống chưa đầy một năm nữa và ông chưa có thành công nổi bật nào về chính sách đối ngoại trong nhiệm kỳ đầu tiên.
Vũ Hoàng (Theo Washington Post)