Trong một vụ án, hiện trường, hung khí, hoặc thậm chí một vài giọt máu, cũng có thể là chứng cứ. Việc sử dụng bằng chứng pháp y đầu tiên trên thế giới được ghi nhận trong cuốn Tẩy oan tập lục của nhà pháp y Tống Từ, cẩm nang phá án của Trung Quốc được xuất bản vào đời nhà Tống, năm 1247.
Theo đó, khi khám nghiệm một vụ án mạng, Tống Từ thử nghiệm một loạt hung khí trên miếng thịt bò để đối chiếu với hình dáng vết thương của nạn nhân.
Tống Từ sau đó kết luận, hung khi gây án là chiếc liềm. Tài sản của nạn nhân còn nguyên vẹn nên loại trừ hành vi cướp giật. Theo lời người vợ góa của nạn nhân, ông không có kẻ thù, chỉ có một khoản nợ lâu chưa trả hết.
Tống Từ buộc tội kẻ cho vay tiền, song người này phủ nhận cáo buộc. Nhà pháp y ra lệnh cho tất cả 70 người lớn trong khu phố đứng thành hàng, tay cầm liềm. Không có dấu vết máu trên bất kỳ chiếc liềm nào. Nhưng chỉ trong vài giây, một con ruồi đã đáp xuống trên lưỡi kiếm của kẻ cho vay tiền. Con ruồi bị thu hút bởi mùi máu, dù lưỡi liềm đã được rửa sạch.
Một con ruồi thứ hai theo sau, rồi một đàn côn trùng vo ve bu quanh lưỡi liềm và bàn tay của anh ta. Kẻ cho vay tiền sau đó phải nhận tội. Hắn khai đã cố gắng làm sạch lưỡi liềm nhưng không hiểu sao đám ruồi vẫn "phát hiện ra"
Sau khi Tẩy oan tập lục hoàn thành, hoàng đế Tống Lý Tông rất tán thưởng, hạ lệnh ban hành toàn quốc, yêu cầu các quan xử án hình sự đều phải lấy sách này làm tiêu chuẩn.
Ở ba triều Nguyên, Minh, Thanh, Tẩy oan tập lục là cuốn sách phải đọc của các quan lại hình sự, tư pháp. Sau này, tác phẩm của Tống Từ được dịch thành nhiều thứ tiếng như Nhật, Anh, Pháp, Đức, phát hành tại nhiều quốc gia.
Các thủ thuật trong Tẩy oan tập lục vẫn được người Trung Quốc áp dụng trong nhiều vụ án tận ngày nay.
Phương Tây mất nhiều thời gian hơn để công nhận những lợi ích pháp y của côn trùng học. Năm 1935, các nhà khoa học cuối cùng cũng dựa vào côn trùng để giải quyết một trong những vụ giết người khét tiếng nhất trong lịch sử khu vực này.
Ngày 29/9/1935, hai người phụ nữ đang đi bộ qua cầu bắc qua một khe núi, trên đường từ Carlisle đến Edinburgh (Scotland) bỗng kinh hoàng phát hiện cánh tay người nhô lên từ bờ suối bên dưới.
Khi cảnh sát đến hiện trường, họ tìm thấy 30 gói chứa các bộ phận cơ thể trong giấy báo. 70 bộ phận cuối cùng đã được phục hồi, xác định từ hai thi thể. Cảnh sát nhận định thủ phạm làm điều này nhằm ngăn chặn việc nhận dạng.
Một số sinh vật trên thi thể được gửi đến Đại học Edinburgh. Tại đó, các nhà côn trùng học xác định chúng là loại đom đóm đặc biệt. Qua nghiên cứu đặc tính của loài này, họ xác định thời gian gây án khoảng 10-12 ngày trước. Đây là quãng thời gian bà Isabella, vợ của Buck Ruxton, bác sĩ nổi tiếng ở địa phương mất tích cùng người giúp việc 19 tuổi của gia đình.
Bác sĩ Ruxton khẳng định Isabella đã bỏ trốn với người tình và liên tục buộc tội vợ không chung thủy.
Song cảnh sát nhận ra, một số bộ phận cơ thể đã được gói trong một mục đặc biệt của tờ báo Sunday Graphic. Loại báo này chỉ được phân phối ở khu vực Lancaster /Morecambe, nơi ở của nhà Ruxton. Một số khác được bọc trong quần áo của con của họ.
Một người đi xe đạp cũng làm chứng 10 ngày trước, bị ôtô va quệt lúc sáng sớm gần khu vực hiện trường thấy xác. Biển số xe anh ta nhớ được, trùng với biển số xe của bác sĩ Ruxton.
Bằng chứng về côn trùng chỉ là một viên gạch trong bức tranh ghép lại tội lỗi của Ruxton. Ông ta bị kết tội giết người và bị treo cổ tại nhà tù Strangeways ở Manchester.
Sự thành công khi kết hợp nhiều phương pháp trong vụ án này đã khiến công chúng và giới chuyên môn ngày càng tin tưởng vào khả năng của khoa học pháp y.
Hải Thư (Theo The Guardian)