Vân tay học là một nhánh cực kì quan trọng trong pháp y học. Thuật ngữ vân tay học chỉ các kiến thức và phương pháp nghiên cứu đặc trưng sinh lí, cấu tạo hoa văn của các đường vân trên da bàn tay và nguyên lí, phương pháp thu thập, làm hiện, lưu trữ, phân loại và phân biệt các đường vân này.
Francis Galton (1822-1911) là người tiên phong nghiên cứu vân tay học, cũng là người đặt nền móng cho nền vân tay học. Galton có cha là chủ ngân hàng, mẹ là anh em cùng cha khác mẹ với cha của nhà sinh vật học Chales Darwin.
Từ nhỏ Galton thích đọc sách, rất hứng thú với khoa học tự nhiên. Khi đang theo học ngành y tại đại học Cambridge, do cha qua đời vì bệnh tật, ông rời ghế nhà trường.
Theo Toutiao, trong tám năm "đi ra bên ngoài", ông tiêu gần hết số tài sản khổng lồ do cha để lại, du lịch từ lưu vực sông Nile đến Palestine. Trong hành trình châu Phi gian khổ khiến Galton xuất hiện vấn đề về sức khỏe, mắc bệnh trầm cảm. Từ đó, ông không còn đi xa mà cùng vợ định cư ở London.
Năm 1883, ông xuất bản cuốn "Nghiên cứu về tài năng và sự phát triển của loài người", trở thành tác phẩm tiêu biểu và đặt nền móng cho sự ra đời của ngành "Ưu sinh học" (eugenics).
Từ năm 1884, sau triển lãm y tế quốc tế tại London, Galton thành lập và điều hành một phòng thí nghiệm, giúp mọi người đo đạc các chỉ số sinh lí của chính mình như chiều cao, cân nặng, sức nắm. Trong sáu năm, ông thu thập được số liệu của hơn 9.000 người. Đây là những dữ liệu quan trọng để ông nghiên cứu về sự khác biệt giữa các cá thể người.
Galton bắt đầu quan tâm tới vân tay vào năm 1888 khi Hiệp hội phổ cập kiến thức khoa học thuộc Hội khoa học hoàng gia Anh mở một cuộc thảo đặc biệt để trao đổi về phương pháp đo đạc cơ thể người do nhà tội phạm học Bertillon người Pháp phát minh.
Bertillon là cảnh sát thuộc cục cảnh sát Paris, phụ trách đăng ký thông tin phạm nhân trong tù, bao gồm những miêu tả về đặc trưng hình dạng của phạm nhân. Công việc đơn điệu và buồn tẻ này khiến Bertillon rất bất mãn.
Bertillon bắt đầu nghiên cứu các số đo và số liệu của cơ thể người, hi vọng có thể xây dựng kho dữ liệu khổng lồ hỗ trợ cho việc đăng kí. Năm 1882, ông làm một thí nghiệm nổi tiếng, thông qua đối chiếu một lượng lớn số liệu tìm được hai phạm nhân có số liệu giống hệt nhau. Sau khi kiểm chứng, ông phát hiện hai người này thực ra chính là cùng một người, nhưng dùng tên giả khác nhau trong hai vụ án khác nhau. Sau đó, phương pháp đo đạc cơ thể người của Bertillon nổi tiếng toàn thế giới, được chính quyền mạnh mẽ nhân rộng. Paris thành lập trung tâm đo đạc cơ thể người, Bertillon làm chủ nhiệm.
Bertillon còn cải tiến phương pháp chụp ảnh nhận diện, bổ sung thêm một bức ảnh chụp nghiêng (phương pháp này được sử dụng đến nay). Ông tách biệt từng khí quan trên mặt người, phân loại theo hình dạng, sau đó lại ghép thành hình phạm nhân để truy nã (phương pháp này cũng được sử dụng đến nay)...
Trong buổi thảo luận về phương pháp của Bertillon, Galton được nghe nhiều tham luận đến từ các chuyên gia, bao gồm tham luận về việc sử dụng vân tay. Từ đó, Galton sinh ra hứng thú rất lớn với vân tay.
Trên thực tế, từ thế kỉ 17, một số bác sĩ và nhà nhân chủng học phương Tây đã tiến hành nghiên cứu về vân tay. Năm 1880, bác sĩ Faulds là người đầu tiên đưa ra nhận định về vân tay "mỗi người đều khác nhau, cả đời không thay đổi". Nhưng nghiên cứu của Galton đi sâu hơn Faulds nhiều.
Ông đưa ra vấn đề mà Faulds chưa bao giờ đề cập: Phân loại và mã hóa vân tay. Thông qua phân loại và mã hóa vân tay, ông có thể sắp xếp rất nhiều vân tay theo kiểu vân và thứ tự mười ngón, có quy luật, thuận tiện đối chiếu. Ông tiếp thu cách thức phân loại số đo cơ thể người của Bertillon, chia vân tay thành ba dạng móc, xoáy và sóng.
Năm 1892, ông hệ thống lại các nghiên cứu của mình, xuất bản cuốn "Vân tay học", đưa ra ba luận điểm khoa học có ảnh hưởng rất lớn: vân tay cả đời không thay đổi, vân tay có thể phân biệt, vân tay có thể phân loại.
Cuốn "Vân tay học" được xuất bản khiến vân tay học dần trở thành ngành học độc lập.