Nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) hôm qua tung ra đoạn video cho thấy chúng cắt đầu nhà báo Steven Sotloff, hai tuần sau khi chúng thực hiện hành động tàn bạo tương tự với phóng viên James Foley.
Steven Sotloff, 31 tuổi, là một nhà báo tự do xuất thân từ nam Florida. Với hiểu biết sâu sắc về lịch sử và văn hóa Trung Đông, Sotloff tự nhận là "triết gia tích cực từ Miami", từng viết bài cho các tạp chí như Time, Christian Science Monitor, Foreign Policy và World Affairs Journal.
"Những người dân Aleppo đang bị mắc kẹt trong bế tắc bạo lực. Họ phải chịu đựng một cuộc chiến với sự đau đớn và khó khăn gia tăng mỗi ngày. Người dân Aleppo lo sợ rằng họ là những quân tốt trong một cuộc chiến tranh không bao giờ kết thúc".
Đó là những câu mở đầu trong bài phóng sự Steven Sotloff gửi tạp chí Foreign Policy từ thành phố Aleppo, Syria vào ngày 24/12/2012. Gần hai năm sau, cuộc chiến tàn khốc tại Syria vẫn chưa có dấu hiệu đến hồi kết. Nhưng giờ đây, một trong số ít các nhà báo đưa thông tin về nó đến với thế giới đã bị sát hại.
Trước khi bị bắt cóc ở miền bắc Syria vào năm 2013, Sotloff đã dành hai năm đưa tin về làn sóng các cuộc nổi dậy và biểu tình tại các quốc gia ở Arab cùng hẹ quả của nó. Anh đã mạo hiểm mạng sống của mình để đưa tin từ Bahrain, Ai Cập, Libya, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Phóng sự của anh ghi lại một cách rõ ràng và xác thực những biến động ở Trung Đông trong những năm gần đây, từ đỉnh điểm của Mùa xuân Arab, những đường lối chuyển đổi chính trị quanh co, và nỗi thống khổ của người dân trong các cuộc nội chiến.
Tại Libya, Sotloff từng đi chung tàu với phiến quân, trà trộn vào nhóm những tù nhân trung thành với nhà lãnh đạo bị lật đổ Muammar al-Qaddafi. Cũng tại đây, anh từng viết về những thách thức ghê gớm nước này sẽ phải đối mặt trong thời kỳ hậu Gadhafi, như một lời tiên tri cho tình hình hỗn loạn ở Libya hiện nay.
Dưới đây là một bài báo Sotloff gửi cho tạp chí Time vào tháng 8/2011:
"Hiến pháp là gì?", Zubaida Taher Ben hỏi một nhóm người Libya tò mò tụ tập tại một giảng đường của Đại học Garyounis, Benghazi vào đầu tháng 4. Mặc dù bài phát biểu của nhà văn có vẻ là về quá trình bầu cử, ông phải giải thích những điều cơ bản nhất khi diễn thuyết trước những người hầu như không có khái niệm về dân chủ. Một bài thuyết trình hồi đầu tháng 6 về cùng một chủ đề được bắt đầu bằng một cuộc thảo luận về các hệ thống chính trị khác nhau như nền dân chủ, chế độ cộng sản và chế độ độc tài ở thế giới thứ ba.
Do chưa từng được bầu cử, người dân Libya bắt buộc phải khởi đầu quá trình chuyển đổi sang chế độ dân chủ bằng việc nắm bắt những nguyên tắc cơ bản về nó".
Khi cuộc đảo chính chống lại Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi diễn ra vào tháng 7/2013, trong một bài viết cho World Affairs Journal, Sotloff đã đặt câu hỏi về những câu chuyện đã làm chia rẽ xã hội Ai Cập.
"Khi tôi nói với người bạn Ai Cập của tôi, Ahmad Kamal, rằng tôi muốn đi đến trại biểu tình của Anh em Hồi giáo trong thành phố Nasser, mặt anh hiện lên nỗi lo lắng. "Đừng đi đến đó!", anh ta nài nỉ. "Họ là những kẻ cuồng tín ghét người nước ngoài. Người Mỹ như anh sẽ gặp nguy hiểm tại đó". Sau một giờ trò chuyện bên những chén trà ngọt ngào mà không đi đến kết quả, tôi đứng dậy, bắt tay Ahmad, và đi thẳng vào hang ổ của phong trào Hồi giáo, nơi anh tin rằng tôi sẽ không thể thoát thân.
Nhưng khi tôi đến Nasser, hình ảnh Ahmad vẽ ra về những phần tử cực đoan với bộ râu dài, luôn lăm lăm cây gậy và đầy đọa những người dân thường Ai Cập chỉ là một trong số những sự thật bị bóp méo, được lan truyền trong khắp đất nước bị chia rẽ này. Cuộc đảo chính được mô tả như những cuộc cách mạng, những người biểu tình hòa bình bị bôi vẽ như những kẻ cuồng tín, người dân bất bình được ca ngợi là những nhà cách mạng. Điều này đã biến Ai Cập trở thành một rạp xiếc với điểm thu hút chính là sự mập mờ trong các câu chuyện về nó".
Sotloff bắt đầu nhiều tác phẩm của mình bằng những câu chuyện cá nhân, hay rải rác những các chi tiết đời thường vào phóng sự của mình, ví dụ như giá tiền chính xác của một chiếc bánh mì. Anh làm vậy để nhắc nhở độc giả rằng chính các thế lực vô hình như cuộc nội chiến Syria và cuộc đảo chính quân sự của Ai Cập đã cơ bản thay đổi đời sống người dân, bằng nhiều cách khác nhau nhưng không kém phần nghiêm trọng. Đây là một đoạn khác trong bài viết của anh từ Aleppo:
"Muhammad Jadu ước gì có thể quay ngược thời gian. Người thợ điện không hiểu phiến quân đang chiến đấu vì điều gì, và ông cũng không quan tâm. Ông chỉ biết chiến tranh đã giáng một đòn chí mạng vào công việc của mình. Thành phố đã không có điện trong vài tuần. Hôm nay, Jadu giết thời gian tại một cửa hàng vành bánh xe của người bạn, uống trà và liên tục hút thuốc. "Cuộc chiến này đã làm cho mọi thứ tồi tệ đi và không có gì tốt lên", Jadu than vãn. "Tại sao chúng ta cần nó? Chúng ta đã có đủ rắc rối ở Syria rồi".
Trong khu phố nghèo Sukari, nơi những tòa nhà nối tiếp nhau san sát, Bakari Kajaji đang thực hiện lễ cầu nguyện hàng đêm của mình. Ánh sáng yếu ớt từ ngọn đèn dầu chỉ đủ để chiếu sáng chiếc thảm đỏ anh dùng để làm lễ. Bên cạnh giường, dọc theo phía bên kia của bức tường, những thỏi than hồng trong một vỉ nướng nhỏ là nguồn nhiệt duy nhất giúp Kajaji và vợ ông chống lại giá rét.
Khi không có điện và nguồn nhiệt nào khác, người đàn ông 58 tuổi dành phần lớn thời gian trong ngày trong bóng tối, lầm bầm với vợ mình về các chủ đề khác nhau, từ việc chiếc cầu thang bị ướt cho đến mong muốn mua một chiếc đài bán dẫn mới.
Ông đã không còn làm việc ở tiệm giặt trong vòng hai tháng, do một trong những người chủ của ông đã thiệt mạng sau một vụ nã pháo, và những người khác đã trốn sang Ai Cập. Khoản tiền tiết kiệm của ông đã cạn kiệt, tuy nhiên, Kajaji không hề phàn nàn. "Sống một nghìn ngày trong cảnh đói khát, không có điện và củi lửa cũng còn hơn phải chịu đựng thêm một ngày dưới chính quyền của ông Assad. Chúng tôi có tất cả mọi thứ chúng tôi cần".
Tin tức về vụ hành quyết Sotloff đến chỉ chưa đầy một tuần sau khi mẹ anh, Shirley Sotloff, đăng một đoạn video cầu xin những kẻ bắt cóc. "Steven là một nhà báo, đến Trung Đông để đưa tin về nổi đau khổ của người Hồi giáo dưới bàn tay của bạo chúa", bà nói. "Tôi muốn điều mà mọi người mẹ đều muốn, đó là sống đến lúc được nhìn thấy cháu của mình. Tôi khẩn cầu các ông ban cho tôi điều này".
Vũ Thảo