Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, Khoa Y học cổ truyền, Đại học Y Dược TP HCM, hướng dẫn một số bài thuốc dân gian trị ho hiệu quả, như sau:
Quýt
Quả quýt là vị thuốc quý. Vỏ quả trong Đông y gọi là trần bì, thường làm thuốc ở dạng khô cũ, càng để lâu càng tốt. Trần bì tính ấm, có tác dụng kiện vị (khỏe dạ dày), long đờm, trị ho. Y học hiện đại cũng chứng minh trong vỏ quýt có tinh dầu thơm gluccoxit orange, aldehit lemon, axit béo, là vị thuốc tốt điều trị cao huyết áp, ho nhiều đờm, khó chịu trong lồng ngực.
Xơ quýt vị đắng, tính bình, chứa vitamin P, tác dụng điều hòa khí, tan đờm, thông kinh lạc, thường dùng trị các chứng ho tức ngực, ho ra máu.
Bài thuốc chữa ho từ quýt:
- Vỏ rễ quýt 20 g, vỏ rễ dâu 10 g, rễ hoặc lá cam thảo nam 10 g (hoặc cam thảo bắc 5 g), tất cả thái mỏng, phơi khô, sắc với 400 ml nước còn 100 ml, thêm đường, chia thành 2-3 phần uống trong ngày.
- Quýt xanh 8-16 quả, trộn với một thìa nhỏ đường kính hoặc mật ong, một chút muối ăn và 5 g bồ hóng (đốt bằng củi), đem hấp cơm trong 15-20 phút, lấy ra nghiền nát, trộn đều, chia thành 2-3 phần uống trong ngày.
- Cát hồng (một loại vỏ quýt chế) 10 g, bột xuyên bối 3 g, lá tỳ bà chế 15 g, sắc uống.
Gừng
Củ gừng là loại gia vị rất phổ biến trong ẩm thực, được dùng dưới dạng tươi, khô, bột hoặc nước ép. Gừng vị cay tính ấm, tác dụng kháng viêm, trị cảm lạnh, làm ấm cơ thể từ bên trong, phòng các bệnh về đường hô hấp, làm dịu cơn ho.
Để chữa ho, dùng gừng sống giã lấy khoảng một thìa nước cốt trộn với một thìa mật ong đun nóng, chia ra uống dần từng ngụm nhỏ.
Sả
Sả có mùi thơm, được trồng rộng rãi ở vườn gia đình để lấy thân rễ làm gia vị. Sả vị cay, tính ấm, tác dụng làm ra mồ hôi, ấm bụng, thông khí, sát trùng, tiêu đờm, trị ho. Thành phần chính trong tinh dầu sả là citral, hỗ trợ trị một số triệu chứng như đau đầu, đau bụng, tiêu chảy.
Bài thuốc trị ho từ sả:
- 40 g sả, 40 g gừng tươi, rửa sạch, giã nát, nấu với 650 ml nước, sôi khoảng 10 phút, bỏ bã, thêm đường nấu cô lại thành cao, ngậm nuốt dần trong ngày, trị ho do cảm lạnh, cúm.
- Lá sả, chanh, bưởi, hương nhu, húng chanh, bạc hà, ngải cứu, kinh giới, một lần dùng 4-6 g mỗi loại, nấu nước xông cho ra mồ hôi, trị ho, cảm sốt do phong hàn, nhức đầu.
Hỗn hợp chanh, mật ong
Chanh, mật ong là những thứ dễ tìm, nhiều tác dụng trị bệnh, trong đó trị ho hiệu quả. Bài thuốc từ các gia vị này có thể dùng để cải thiện sức khỏe, tăng đề kháng, đặc biệt khi thời tiết giao mùa, dễ ho, cảm mạo.
Chanh vị chua ngọt, tính bình, lá có vị đắng the, mùi thơm, quả vị chua, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, khỏi nôn, hỗ trợ chữa khỏi ho, long đờm. Mật ong có thành phần hóa học gồm đường, các vitamin, acid hữu cơ, chất khoáng và nguyên tố vi lượng, công dụng trị ho mạn tính, ho ra máu, bồi bổ cơ thể.
Hỗn hợp chanh tươi - mật ong pha uống buổi sáng rất tốt cho sức khỏe, có tính kháng khuẩn rất tốt, thường dùng để điều trị đau họng, trị ho khi trời trở lạnh. Nên pha mật ong với nước ấm, bởi nước lạnh ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa trong dạ dày. Không nên uống quá nhiều một lúc mà nhấp từng ngụm nhỏ.
Cách pha: Vắt nửa quả chanh tươi lấy nước, thêm 1-2 thìa cà phê mật ong, pha với một cốc nước ấm. Bạn có thể rửa sạch chanh, ngâm với nước muối khoảng 30 phút, để khô sau đó thái lát mỏng, xếp vào lọ. Cứ một lớp chanh pha một lớp mật ong, thêm chút muối. Mỗi sáng múc 3-4 thìa ra cốc, pha với nước ấm để uống. Nên pha cả vỏ chanh để đạt hiệu quả tốt nhất.
Ngoài ra, có thể dùng một quả chanh tươi khía kiểu múi khế ở lớp vỏ ngoài, rưới một vài thìa cà phê mật ong cho ngấm, đặt trong chén, để khoảng 1-2 giờ, sau đó cắt ra ngậm, trị ho hiệu quả.
Hoa bèo tây
Bèo tây còn có tên gọi là bèo Nhật Bản, bèo Lộc Bình, tên khoa học Eichhornia crassipes. Chiết xuất bèo tây có khả năng chống lại vi khuẩn gram dương và gram âm, tác dụng kháng khuẩn, giải độc, trừ phong nhiệt.
Khi ho hen ho đàm hoặc ho gió, chưng một nắm hoa với đường phèn uống, kết hợp hoa hòe hoa khế càng tốt.
Bác sĩ Vũ hướng dẫn thêm một số bài thuốc trị ho đơn giản từ thảo dược, như sau:
- Quả la hán pha thành trà để uống.
- Chưng quả lê hoặc hoa hồng bạch với đường phèn, hấp mật ong và trái tắc (quả quất) để ngậm.
- Lá cúc tần rửa sạch, giã nát cùng với một chút muối rồi lọc lấy nước để ngậm.
- Pha mật ong với nước ấm để uống từng ngụm nhỏ vào buổi sáng và tối.
Bạn cũng có thể áp dụng một số biện pháp để giảm ho, như khi ngủ nên gối cao đầu hơn tránh tình trạng dịch nhầy dồn về phía cổ họng gây kích ứng cơn ho hoặc giảm axit trong dạ dày trào ngược lên vùng phổi, họng gây ho. Súc miệng bằng nước muối sinh lý 0,9% 2-3 lần/ngày.
Nếu cơn ho chỉ xuất hiện về đêm và sáng sớm, có thể là do phong hàn, người bệnh nên chú ý giữ ấm vùng ngực, cổ như dùng khăn cuốn cổ khi ngủ, tránh để điều hòa lạnh. Trường hợp ho nhiều khiến người bệnh mệt, ăn không ngon, mất ngủ, cần hỗ trợ điều trị bằng các thuốc trị ho có nguồn gốc thảo dược hoặc thuốc tây y, tùy vào từng kiểu ho để có cách xử lý phù hợp.
Thúy Quỳnh