"Gần đây, con gái tôi như bị 'khủng hoảng tuổi mầm non', lúc nào cũng muốn thi thố và đòi làm người chiến thắng", ông bố của cô bé Trang Linh (ở nhà gọi là Cáo), ở quận Ba Đình, giải thích vì sao mình quyết định "soạn giáo án" dạy con.
Nguyên tắc của ông bố trẻ đang làm quan hệ công chúng cho một tổ chức giáo dục là phải tích cực bày trò và chơi cùng con, sẵn sàng để con khóc, không nhường con để con tự nhận ra những bài học khác nhau.
Từ một cô bé hiếu thắng và thiếu kiên nhẫn, giờ bé Cáo đã có thể tự nhặt rau, cắm cơm, thậm chí còn nấu được những món đơn giản với sự giúp đỡ của người lớn. Đặc biệt, dù mới 4 tuổi nhưng khi gặp những việc mới, Cáo không hề rụt rè mà sẵn sàng chấp nhận thử thách. "Bố để con làm" là câu cửa miệng của cô bé.
"Con bé rất thích nhân vật Thỏ trong chuyện Rùa và Thỏ và thường cãi lý với bố "Thỏ nhanh vậy sao lại thua?", sau đó yêu cầu bố đóng vai Rùa, mình là Thỏ để tổ chức chạy thi. Có điều mỗi khi thua lại khóc, giãy đành đạch", anh Dũng kể về tính hiếu thắng của cô bé. Để "điều trị" căn bệnh này của con, anh quyết định dùng cách "không nhường nhịn".
Mỗi khi chạy thi, ông bố thường nhường con vài lượt nhưng lượt cuối lại về đích với tốc độ nhanh nhất có thể. Bé Cáo rất ngỡ ngàng và tức tối mỗi khi bố giành chiến thắng nên có lần yêu cầu bố phải chạy bằng hai tay hai chân, lần khác đang thi nửa chừng thì bất ngờ đổi đích gần mình hơn, mục đích là giành chiến thắng bằng được. "Tuy nhiên khi rùa bố đã quyết tâm thì thỏ con cũng phải khóc nhè", anh Dũng nói vui. "Tôi nghĩ con cũng gần 4 tuổi rồi, thi thoảng bố cần đối xử công bằng như hai người 30 tuổi cho con biết núi cao còn có núi cao hơn", ông bố lý giải cho hành động của mình.
Dũng chưa bao giờ khuất phục con, dù cô bé ăn vạ nằm khóc cả tiếng đồng hồ. Anh cũng thường xuyên trao đổi với cô giáo, cập nhật những vấn đề mới phát sinh từ Cáo. Nhiều lần khi đón con, thấy cô bé thường cắt ngang hàng lối đứng lên vị trí đầu. Từ đó, anh đề nghị giáo viên luôn cho con đứng giữa hàng nhằm kiềm chế tính hiếu thắng, ngay cả khi bố không có mặt.
Trẻ nhỏ thường ham chơi, làm gì cũng qua loa đại khái do thiếu tính kiên nhẫn, Cáo cũng không ngoại lệ. Để rèn đức tính này cho Cáo, anh Dũng rủ bé đi câu cá bởi "nhận được thành quả sau sự kiên nhẫn của mình là cách tốt nhất".
Dũng và con sắm bộ cần, cuối tuần lại ra hồ gần nhà thả câu. Buổi đầu tiên, Cáo ngồi được 10 phút thấy chán đòi về, bố chiều theo ý con. Đến buổi thứ hai, câu được 15 phút thì cô bé ngủ gật. Buổi thứ ba, sự tập trung và kiên nhẫn của Cáo tăng lên khi nghiêm chỉnh ngồi nhìn phao được 30 phút. Sang buổi thứ tư, thấy những người xung quanh câu được cá, cô bé trở nên háo hức, ngồi cả tiếng chờ cá cắn câu. Kết quả Cáo lần đầu câu được con cá quả 8 lạng, sung sướng hét toáng lên.
Theo anh Dũng, bố mẹ không nên so sánh con mình với con người khác, mà nên tự so sánh con với những ngày trước đó để thấy được sự phát triển. Chỉ sau một tháng câu cá, Cáo trở nên kiên nhẫn hơn, không còn cáu bẳn hay vứt đồ đạc lung tung khi không vừa ý. Giờ cô bé có thể ngồi hàng giờ vẽ tranh, chơi sách vải và cắt xén những thứ mình yêu thích.
Để tạo tính trách nhiệm cho con, Cáo được bố ủng hộ làm việc cùng người lớn. Mỗi lần đi siêu thị, cô bé 4 tuổi được đẩy một chiếc xe riêng, tự chọn đồ cho mình và mang ra quầy thanh toán khi nhận được sự đồng ý từ người lớn. Quần áo đi học, đi chơi vợ chồng anh Dũng cũng để con tự chọn lựa. Những ngày đầu cô bé chỉ thích mặc váy với quần bò, lâu dần biết cách phối đồ phù hợp hơn nhờ sự tư vấn của bố mẹ.
Trước đây, Dũng mua bộ leo trèo cho con chơi tại nhà nhưng do Cáo chán nên anh quyết định "cải tạo" thành món đồ khác. Hai bố con ngồi cặm cụi thiết kế, sau đó chia đống que làm đôi. Cáo que bé, bố que to, vác từ tầng hai lên tầng ba để dựng "lều công chúa" như mơ ước.
Đống que của bố vác ba lần là hết, của Cáo 12 lần mới hoàn thành nhưng cô bé vẫn hào hứng, không nhờ người lớn giúp sức bởi biết "đó là phần trách nhiệm của con" như lời bố giao kèo trước đó. Đến khi dựng lều, cô bé được giao nhiệm vụ đứng giữ khung để bố vặn ốc vít.
"Được đóng góp công sức, con cũng tự tin với thành quả mà bố mẹ cũng biết quý trọng sức lao động của con hơn", ông bố bày tỏ. Tương tự như lều, khi dựng giàn trồng rau trên sân thượng, bố siết ốc vít thì Cáo đứng giữ thanh sắt thăng bằng. Cô bé còn được giao nhiệm vụ tưới cây hàng ngày.
Ở với ông bố "ghê gớm" này nên bé Cáo cũng không mắc chứng nghiện YouTube. "Con nghiện YouTube không phải lỗi của con mà đó là do lỗi của bố mẹ", anh Dũng nêu quan điểm. Anh đưa ra quy tắc, con chỉ được xem 10-15 phút sau bữa ăn. Sau thời điểm đó, hệ thống Internet trong nhà sẽ bị vô hiệu hóa.
Để đánh lạc hướng đứa trẻ khỏi tivi, anh và vợ thay phiên nhau chơi với con. Bố bận thì mẹ chơi và ngược lại. Hàng tối, ông bố này thường rủ con gái cùng tập thể dục, đi đổ rác, chơi đánh trận giả hoặc đọc truyện, tự cắt dán những món đồ bằng giấy hoặc chơi đồ hàng...
"Cả nhà cùng chơi, con vừa vui lại không chú tâm vào YouTube", anh nói.
Ông bố này còn tự học cách dàn trang báo chí để thiết kế, in những quyển sách ảnh liên quan tới Cáo theo chủ đề: Các chuyến du lịch, kỷ niệm trưởng thành trong một năm... của con. Nội dung sách là hình ảnh, cảm nhận của bố mẹ và những câu chuyện liên quan tới Cáo. Quyển mỏng là 30 trang, dày nhất lên tới 130 trang. Cáo gần 4 tuổi, anh Dũng đã làm được bốn quyển sách ảnh như vậy.
Hàng ngày ông bố trẻ đều mang sách ảnh đọc cho con nghe, thêm 30-60 phút đọc những quyển truyện khác. Cáo rất thích thú với quyển sách có mình làm nhân vật chính và dần đam mê với sách.
Anh Dũng nói rằng những thứ mình làm cho con không nghĩ quá sâu xa về tương lai, cơ bản là con cảm thấy vui vẻ và thú vị. "Con thường kể những chiến công đạt được và có nhiều góc nhìn mới về thế giới xung quanh. Đây đã là thành công với một cô bé 4 tuổi rồi", ông bố hạnh phúc nói.
Hải Hiền