Mặc dù đã quay lại Việt Nam nhiều lần sau khi đại gia đình tôi tị nạn tại Mỹ trong chiến tranh, tôi chưa bao giờ gặp trải nghiệm nào với nhiều câu hỏi như vậy.
Một buổi sáng trong chuyến đi, tôi ngồi trên chiếc SUV màu đen với hai người khác đến thăm một nhà máy ngoài Hà Nội. Sợ bị say xe, tôi ngồi phía trước.
"Chị là người Việt Nam à?", tài xế hỏi. Anh trông khoảng tuổi tôi, chừng bốn mươi.
Để lịch sự, tôi gọi anh ấy là "anh" và xưng "em". Tôi thích nói tiếng Việt vì tôi có thể xưng hô với mọi người như thể họ là thành viên trong gia đình, bằng cách sử dụng những đại từ quen thuộc "anh", "chị", "cô", "chú", "bà" và "ông". Trong tiếng Việt, tôi hiếm khi dùng "tôi" như tiếng Anh.
"Vâng, em sinh ra ở Hà Nội", tôi trả lời. "Em rời Việt Nam khi nào?", anh ấy hỏi khi vẫn nhìn thẳng phía trước. Bất cứ khi nào tôi ở Việt Nam, mọi người thường hỏi câu hỏi này. "1978", tôi nói.
Ngoài cửa sổ, hàng trăm chiếc xe máy đang cố gắng nhích lên giữa ôtô và taxi. Từ ghế sau, Michael và David đang trò chuyện về việc kinh doanh ở Việt Nam. Trong chuyến đi này, Michael thuê tôi điều phối nhiều cuộc họp để anh ấy khám phá các cơ hội kinh doanh tại đây.
"Em có thường xuyên quay lại đây không?" tài xế hỏi. "Cứ hai hoặc ba năm một lần," tôi nói, nhận thấy tài xế đang tăng âm lượng trên đầu đĩa CD.
Tôi nghiêng người về phía trước để lắng nghe giai điệu du dương và ngay lập tức nhận ra giai điệu đó từ một bài hát thân thuộc. Nữ ca sĩ bắt đầu nhẹ nhàng hát. Tôi nổi da gà dưới tay áo. Nhịp điệu da diết của bản nhạc thấm vào tâm hồn tôi. Nhìn chằm chằm vào các nút bấm của máy nghe đĩa CD, tôi hít một hơi thật sâu, ngẩng cằm lên và véo mũi.
"Tại sao mình lại khóc?", tôi tự hỏi, hít một hơi thật sâu nữa và hy vọng người lái xe không chú ý.
Đây là bài hát yêu thích của tôi, nói về một thị trấn nông thôn phía bắc nơi ông bà và mẹ tôi sinh ra. Lời bài hát đầy lòng yêu nước nhắc nhở mọi người hãy trở về quê hương Hà Tĩnh của họ bất cứ khi nào có thể, bất chấp đạn bom. Từ năm đến mười tuổi, tôi thường hát bài này gần như hàng ngày.
Đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tịnh. Nhớ núi Hồng Lĩnh, nhớ dòng sông La, nhớ biển rộng mà quê ta, ơ ơ....
Sau khi bài hát đó kết thúc, một bài quen thuộc khác lại vang lên. Tôi đã không nghe bài này trong hơn ba thập kỷ, nhưng tôi vẫn nhớ giọng hát đầy phấn chấn của người ca sĩ mặc bộ đồ trắng, một tay đưa về phía khán giả của rất nhiều năm trước.
Nếu là chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng. Nếu là hoa, tôi sẽ là hoa hướng dương... Nếu là người, tôi sẽ chết cho quê hương...
Khi còn là một cô bé ở phố Khâm Thiên, Hà Nội, mỗi khi nghe bài hát này, tôi lại háo hức muốn lớn lên, ra chiến trường chiến đấu vì đất nước. Tôi thấy có động lực để hy sinh vì đất nước.
"Em còn nhớ những bài hát này không?", người lái xe hỏi. Tôi mất vài giây để lấy lại bình tĩnh và hắng giọng trước khi có thể nói "Vâng, còn".
Một lần, từ New York đến thăm tôi, mẹ đưa cho tôi một cuộn băng cassette khi chúng tôi đang trên đường đến một cửa hàng tạp hóa trên đại lộ Wisconsin ở Washington D.C.
"Chú con về Việt Nam và có được những bài hát cũ con từng hát khi còn nhỏ. Chú làm cho mẹ một bản sao", mẹ nói khi biết tôi là người duy nhất đánh giá cao những ca khúc này. Là đứa con lớn nhất trong nhà và là đứa cháu lớn nhất trong đại gia đình, tôi thỉnh thoảng vẫn hát to những bài này. "Bài hát yêu thích của con có trong đó không?", tôi hỏi trong khi lái xe xuống đại lộ Connecticut trước khi rẽ vào đường Reno.
Tôi rẽ trái gần đồn cứu hỏa và đi qua nhà thờ Công giáo ở phía bên phải. Trên đường Reno, những ngôi nhà lớn với bãi cỏ được chăm sóc cẩn thận nằm hai bên. Giai điệu quen thuộc vang lên ngay sau đó. Ngay khi ca sĩ hát ba từ đầu tiên, tôi đã siết chặt tay lái. Những chiếc lá mùa thu rung rinh giữa không trung trước khi đáp xuống kính chắn gió. Chiếc xe dường như tự động giảm tốc độ. Tôi cảm thấy đau nhói trong tim khi đạp phanh để vòng qua con đường gió lớn. Âm nhạc đã kích hoạt phần não mà tôi không biết là tồn tại.
Trong một giây, tôi quên mất mình đang ở đâu. Hình ảnh con đường đất gập ghềnh, bụi tre, cây ổi, ngôi nhà đất lợp mái tranh và bà ngoại nuôi của tôi hiện lên trong tâm trí. Một cô bé chân trần đang trèo lên cây ổi tìm quả chín.
Tiếng khịt mũi nhẹ nhàng làm tôi giật mình. Mẹ quay đầu cố giấu nước mắt. Tôi hiếm khi thấy mẹ khóc vì mất nhà và mất người thân. Bao nhiêu năm qua, mẹ bận rộn mưu sinh. Mẹ không có thời gian để đau buồn. Hoặc có lẽ có quá nhiều điều để đau buồn nên mẹ tôi muốn tránh xa. Tôi nghiêng người về phía vô-lăng cố gắng giữ đôi mắt mờ nhòe của mình nhìn đường. Tôi không có khăn giấy cho mẹ.
Tôi vẫn tự hỏi về phản ứng của mình. Làm sao tôi có thể giải thích nỗi đau mất đi âm thanh tuổi thơ? Làm sao một số loại nhạc nhất định lại kết nối với quá khứ của tôi? Đôi khi, tôi tự hỏi làm sao những đứa cháu trai, cháu gái sinh ra ở Mỹ của tôi lại không bao giờ hiểu được rằng, thực sự, đó là một đặc ân khi có thể nghe những bài hát thời thơ ấu của chúng bất cứ khi nào chúng muốn. Đối với tôi, đặc ân đó đã bị tước mất.
Thỉnh thoảng, tôi thấy mình đang ở một sự kiện xã hội của người Việt với dàn máy karaoke. Khi các vị khách phấn khích tìm bài hát yêu thích của họ trong một tập bìa dày, tôi sẽ tránh xa. Tôi cảm thấy ngượng ngùng và xấu hổ khi không biết phải giải thích với mọi người như thế nào. Tôi ước mình có thể chia sẻ với họ những bài hát thời thơ ấu. Nhưng tôi biết những bài hát của tôi là những bài hát của phía bên kia. Đôi khi, tôi sẽ bịa ra những lý do rằng tôi rời Việt Nam khi còn quá nhỏ để có thể nhớ bất kỳ bài hát nào. Dù tôi chọn nói gì, tôi biết mình không bao giờ có thể nói những gì tôi đang nghĩ.
Những bài hát này có phải là một phần lịch sử, bản thể, ký ức của tôi không? Tôi ghen tị với những thanh thiếu niên có thể hát to những bài hát kết nối quá khứ với hiện tại của họ. Tôi không có đặc quyền như vậy. Không ai muốn hát những bài hát thời thơ ấu cùng tôi, thậm chí cả cha mẹ hay các em tôi.
Vì một số lý do kỳ lạ, ngay cả sau hơn ba thập kỷ rưỡi, tôi vẫn nhớ chúng, không cần phải nỗ lực, cứ như là khả năng được ban tặng. Có lẽ, những bài hát này đại diện cho câu chuyện về mười năm đầu tiên của cuộc đời tôi ở miền Bắc. Có lẽ vì không thể hát những bài hát này thành tiếng, nên tôi có một đài phát thanh vô thức phát những bài hát này.
Tôi ước gì âm nhạc và những bài hát thời thơ ấu của mình không liên quan đến chiến tranh. Nhưng tôi không thể thay đổi thời gian và địa điểm nơi tôi sinh ra. Tôi không thể thay đổi âm nhạc mà tôi đã nghe trong thời thơ ấu.
Tôi phải chấp nhận rằng nỗi buồn của tôi sẽ luôn ở đó bất cứ khi nào tôi nghe những bài hát này ở nơi công cộng - như lần tôi ở trong chiếc SUV trên đường ra ngoại thành Hà Nội.
Cũng như, vào ngày mùa thu đó, mẹ tôi và tôi ngồi trong xe và cho phép mình khóc trong khi nghe những bài hát cũ, về một quê hương vẫn nằm sâu trong đáy tim chúng tôi sau hơn 40 năm ở Mỹ.
Sandy Hoa Đặng