Thứ bảy, 18/1/2025
Chủ nhật, 29/9/2019, 09:41 (GMT+7)

Những 'bác sĩ' của hầm Thủ Thiêm

TP HCMCả ngày lẫn đêm, những công nhân, kỹ sư thay phiên nhau bảo dưỡng và vận hành đường hầm vượt sông dài nhất Đông Nam Á.

Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn (quận 2) có gần 70 công nhân, kỹ sư người Việt thuộc Đội vận hành hầm - Điều khiển giao thông, được xem như những "bác sĩ" chuyên theo dõi "sức khoẻ" của hầm vượt sông hiện đại nhất nước.

23h đêm hàng ngày, khi làn đường dành cho xe máy qua hầm được đóng lại, cũng là lúc các tổ, đội vệ sinh, bảo dưỡng thiết bị khẩn trương bắt đầu công việc.

Nhóm công nhân vệ sinh gần 20 người tất bật quét dọn, phun nước để rửa những tấm ốp tăng ánh sáng cho đường hầm.

"Ai cũng thấy xe cộ hàng ngày ùn ùn qua đây nhưng có lẽ ít ai biết có những người vệ sinh hầm từ đêm tới 4h sáng. Nếu không quét dọn, ở đây dơ lắm vì đất cát, bụi bẩn từ các xe tải rơi vung vãi khắp nơi", anh Nguyễn Thái Uy, công nhân cầm vòi phun nước trong hầm, nói.

0h30, trên xe thang chuyên dụng, kỹ sư Nguyễn Tuyên Hưng và Đặng Ngọc Hòa diện đồ bảo hộ gọn gàng, chuẩn bị vệ sinh và bảo trì những chiếc quạt phản lực trên thành hầm.

Trong hầm có 12 quạt phản lực với chức năng thông gió, đảm bảo dưỡng khí cho người tham gia giao thông. Những cánh quạt khổng lồ được kiểm tra theo định kỳ 6 tháng một lần, mỗi lần thực hiện trong hai đêm.

"Công tác vệ sinh, bảo dưỡng thiết bị được thực hiện theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Vệ sinh giúp thiết bị sạch hơn, tránh bụi và tạp chất. Còn bảo dưỡng sẽ giúp trung tâm có thể kịp thời cân chỉnh, thay thế hoặc sửa chữa những khiếm khuyết trên thiết bị để đảm bảo độ bền, hoạt động ổn định và an toàn", kỹ sư Hưng nói.

Đứng trong quạt phản lực, anh Đặng Ngọc Hoà (30 tuổi) đeo mặt nạ bán cách ly, đội mũ gắn đèn pin và mang giày bảo hộ để lau bụi. "Tôi làm công việc bảo trì thiết bị trong hầm 2 năm nay rồi. Công việc này tôi thấy bình thường nhưng nó hơi bụi và làm ở trên cao nên phải trang bị đầy đủ bảo hộ lao động để đảm bảo an toàn", anh Hoà nói.

Bên trong đường hầm, kỹ sư Nguyễn Tuyên Hưng và Đoàn Văn Tài kiểm tra lối thoát hiểm. Có 40 cửa thoát hiểm được bố trí trong hầm để đảm bảo an toàn khi xảy ra sự cố.

Trong bóng tối, ba công nhân, kỹ sư của Đội vận hành hầm vượt sông Sài Gòn bật đèn pin, vừa kiểm tra và vệ sinh các lá thép của hệ thống lọc bụi tĩnh điện, thiết bị được coi là "lá phổi" của đường hầm.
Theo các kỹ sư, hệ thống này được vệ sinh theo định kỳ một tháng một lần.

"Với tôi, công việc này vui, phù hợp với mình. Ngặt nỗi là bụi kinh khủng. Mỗi lần làm xong là đầu tóc, mặt mũi lấm lem như thợ mỏ", anh Nguyễn Thanh Tân, làm việc gần 10 năm tại hầm, tếu táo nói sau khi hoàn thành việc vệ sinh hệ thống lọc bụi tĩnh điện vào sáng 27/8.

Đêm 20/9, trong khuôn viên Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn, kỹ sư kết cấu Nguyễn Hoàng Long ngồi tinh chỉnh thiết bị thu thập dữ liệu trên xe chuyên dụng trước khi tiến hành quan trắc hầm.

"Cứ 3 tháng một lần, anh em ở trung tâm thay phiên nhau đi kiểm tra bằng máy quét laser và hệ thống camera cảm biến nhiệt để tìm vết thấm, nứt trong hầm. Công việc này đòi hỏi sự chính xác từng milimet, vì vậy, ngày đi kiểm tra cũng phải chọn ngày đẹp trời, tránh mưa gió để không làm ảnh hưởng tới việc thu thập dữ liệu", anh Long giải thích.

Chiếc ôtô lắp thiết bị điện tử quét laser vòm và thành hầm từ từ lăn bánh trên làn đường xe máy hướng về quận 1. Trong xe, kỹ sư Long cùng tài xế chăm chú theo dõi những thông số dữ liệu hiển thị qua chiếc máy tính cầm trên tay.

"Xe phải đi dưới tốc độ 20 km/h và phải đi đều trong hơn một tiếng. Mỗi làn đường đi ba lần nên công việc thường kéo dài tới 4h sáng. Sau mỗi chuyến, chúng tôi thu thập tới 60 GB dữ liệu, sau đó mới đem về xử lý, đối chiếu với dữ liệu gốc để đánh giá chính xác mức độ thấm, nứt của hầm", anh Long nói thêm.

2h, đội công nhân vệ sinh tranh thủ ngồi nghỉ ngơi ven hầm trước khi tiếp tục công việc. "Làm ở đây, cực nhất là ngày mưa gió vì đất cát sẽ rơi vãi nhiều, mọi người sẽ làm việc vất vả hơn, lau chùi nhiều hơn", chị Nguyễn Thị Bích Hạnh, một trong 4 nữ công nhân quét dọn hầm, cho biết.

Đúng 4h, việc vệ sinh, bảo dưỡng hoàn tất, làn đường dành cho xe máy được mở để các phương tiện qua hầm.

Cách đường hầm khoảng 100 m, tại Phòng điều hành, các cán bộ, nhân viên của Trung tâm Quản lý hầm sông Sài Gòn chăm chú theo dõi toàn bộ hình ảnh truyền từ 50 camera lắp đặt trong hầm. Tại đây, các nhân viên thay phiên nhau làm việc 24/24 để phát hiện và xử lý kịp thời khi có sự cố.

Hầm vượt sông Sài Gòn (còn gọi là hầm Thủ Thiêm) dài 1.490 m, rộng hơn 33 m và cao gần 9 m với hai chiều xe, mỗi chiều có 3 làn xe gồm hai làn ôtô và một làn xe máy. Công trình được thiết kế có tuổi thọ vận hành 100 năm và chịu được động đất cấp 7. Tháng 11/2011, đường hầm được đưa vào hoạt động sau hơn 3.000 ngày thi công, giúp thời gian từ bờ Đông sang Tây sông Sài Gòn chỉ còn hơn một phút. Hiện mỗi ngày có 52.000 lượt ôtô và 300.000 lượt xe máy qua hầm.

Thành Nguyễn