Trên bàn xăm, chị Nguyễn Kim Ngân, 34 tuổi, hơi nhíu mày khi kim xăm bắt đầu chạm vào da thịt. Đây là lần xăm thứ hai của bà mẹ hai con. "Mình thích hình xăm từ hồi trẻ nhưng trước đây cứ ngại ngần. Nhìn bạn bè xung quanh có hình xăm, thấy phản ứng của mọi người cũng bình thường nên năm ngoái mình mới đủ can đảm đi xăm lần đầu tiên", Ngân nói.
Bà chủ tiệm xăm góp thêm vào câu chuyện cho biết, khoảng hai năm trở lại đây có sự chuyển biến rõ rệt trong nhóm khách hàng của chị. Trước kia, người đi xăm đa phần là các bạn trẻ, nhưng hiện nay khách lại chủ yếu là nhân viên văn phòng đã kết hôn và con số này ngày càng tăng. Ví dụ như hôm nay, sau chị Ngân, tiệm sẽ tiếp thêm bốn vị khách nữa, đều đã chồng con và khoảng gần 40 tuổi.
Phan Phương Anh, nhân viên một cửa tiệm trên đường Xuân Diệu (quận Tây Hồ), cũng ghi nhận điều tương tự. "Một năm trở lại đây, số khách nữ đã lập gia đình đến chỗ em tăng gấp rưỡi, nhiều chị trở thành khách ruột", nữ thợ xăm 22 tuổi tiết lộ.
Phương Anh cho biết thêm, các khách hàng trẻ thường chọn những hình xăm nhỏ, đơn giản ở những vị trí lộ trên cơ thể như cánh tay, cổ chân, gáy, bả vai... chủ yếu để trang trí và kết hợp cùng với trang phục. Những "bà vợ đi xăm" lại có sự khác biệt đáng kể. Ban đầu, nhiều người chọn xăm để che vết sẹo khi sinh mổ nhưng sau khi có hình xăm đầu tiên, họ bắt đầu "nghiện" và nhanh chóng có những hình tiếp theo. Tuy nhiên, các bà vợ thường chọn xăm ở những chỗ kín đáo, khó phát hiện và hình cũng lớn, phức tạp hơn. Một động lực đi xăm phổ biến khác là "vì lý do tâm lý" - họ muốn đánh dấu một biến cố đặc biệt nào đó bằng hình xăm trên cơ thể.
Năm ngoái, Kim Ngân đi xăm hình đầu tiên với mục đích "làm gì đó khác đi để mừng sinh nhật". Chị chọn hình lá bồ đề ở sau lưng để thể hiện lòng hướng Phật và tự dặn bản thân làm điều thiện. "Tôi cũng chuẩn bị tâm lý mấy đêm vì sợ đau", người phụ nữ kể. Nhưng khi làm, cảm giác nhẹ nhàng hơn Ngân nghĩ vì "không hề đau mà như kiến đốt". Quá trình cũng chỉ kéo dài 20 phút. Về nhà, chồng khen đẹp nên nữ nhân viên văn phòng này càng yên tâm.
Năm nay, hình xăm của chị Ngân đặc biệt hơn. Ngoài mục đích mừng sinh nhật, nó để tưởng nhớ đứa con chị vừa mất. Tháng trước, chị phát hiện mình có bầu, nhưng chửa ngoài tử cung. Bông hoa cúc đang xăm trên eo phải do chính chị Ngân vẽ. "Hoa cúc liên quan đến tháng 4 mà mình sinh tháng 4. Nó cũng thể hiện sự thức tỉnh nữa", chị giãi bày.
Với Trần Anh Tú, nữ giáo viên tiếng Anh 25 tuổi, xăm giống như một phương pháp trị liệu tâm lý. "Em xăm hình này sau khi ly dị", Tú vừa nói vừa chỉ vào hình xăm bộ xương cá trên tay. Năm 2020, cô chia tay chồng, một đồng nghiệp cùng trung tâm sau chín tháng kết hôn vì "không thể tiếp tục cố gắng nữ công gia chánh cho vừa ý anh ấy".
Tú kể, trước khi lấy chồng, cô đã có một hình xăm hình con thỏ ở sau vai. "Ngày đó, bạn em mở tiệm xăm, tình cờ hỏi em có muốn xăm không. Em đồng ý ngay mà chẳng nghĩ gì nhiều", Tú kể. Là người mê mỹ thuật, Tú dần dần muốn có thêm hình xăm trên cơ thể để lưu giữ những bức vẽ cô yêu thích nhưng bị chồng phản đối gay gắt. Anh thậm chí quay mặt đi, không nhìn vợ mỗi khi cô mặc áo hở vai.
Hôm hai vợ chồng từ tòa án bước ra, Tú đi thẳng đến tiệm xăm như một cách phản kháng sự kìm kẹp suốt bấy lâu. Từ đó, cứ vài tháng một lần, cô lại bổ sung hình xăm mới. Hiện cô gái đã sở hữu 10 hình xăm đủ cỡ, trải dài trên hai cánh tay. "Các hình xăm xếp đối xứng nhằm thể hiện sự cân bằng và nhắc em đừng sống để làm hài lòng người khác mà đánh mất bản thân", Tú giải thích.
"Cũng có người bay từ TP HCM ra Hà Nội trong một ngày để xăm vì muốn tạm quên đi nỗi buồn gia đình", Lương Việt Nga kể thêm. "Với họ, xăm là một cách để vượt lên chính mình".
Theo ghi nhận của những thợ xăm như Nga hay Phương Anh, hiện nay xã hội đã cởi mở hơn về hình xăm, đặc biệt là với phụ nữ đã có gia đình. "Có bà vợ đi xăm mà chồng con đi theo cổ vũ", Phương Anh kể.
Tuy nhiên, vẫn còn những trường hợp đối mặt với sự kỳ thị, nhiều khi đến từ chính bạn đời như chị Nguyễn Diệu Thùy, 41 tuổi, nữ trưởng phòng một công ty truyền thông ở quận Cầu Giấy. Mê xăm từ lâu nhưng biết chồng không thích nên chị đành "lãng quên" nó. Năm ngoái, nhân dịp tròn 40 tuổi, chị quyết tâm làm điều mình muốn bởi "nếu không thì chờ đến bao giờ mới được sống thật với bản thân". Lần đầu tiên nên người phụ nữ này chỉ dám xăm một hình cỏ bốn lá nhỏ xíu trên cổ tay với mong muốn mọi thứ đều suôn sẻ, đúng thời điểm thay đổi công việc.
Hôm đó về nhà, chị Thùy bị chồng dựng dậy lúc nửa đêm, tra hỏi xem còn hình xăm nào không. Dù cố gắng để ngoài tai lời chê bai của anh, chị vẫn cảm thấy bức xúc. Chồng chị còn tiêm nhiễm vào đầu hai con trai suy nghĩ xăm mình là xấu, khiến lũ trẻ trêu mẹ. "Tại sao mọi người lại ủng hộ xăm lông mày, xăm môi nhưng lại kỳ thị xăm cơ thể", người phụ nữ đặt câu hỏi.
Năm nay, chị Thùy lén chồng đi xăm lần hai. Để đỡ bị nhìn thấy, chị chọn hình ong chúa ở cổ chân phải. "Tôi vẫn sẽ 'tậu' thêm hình xăm, nhưng phải từ từ, xem xét tình hình", nữ trưởng phòng bày tỏ.
Dù không bị chồng phản đối, chị Kim Ngân vẫn tỏ ra thận trọng. Trước mỗi lần xăm, chị đều hỏi trước chồng và giải thích ý nghĩa của hình, đồng thời chọn những vị trí áo quần che được. Chị cũng nói với các con rằng mẹ đã đủ trưởng thành và suy nghĩ kỹ mới đi xăm để lũ trẻ không hiểu nhầm chị "ăn chơi, đua đòi".
Với Anh Tú, trải nghiệm buồn với chồng cũ khiến cô không còn muốn thay đổi vì người khác. Cô mặc quần áo dài khi đi làm để tránh ánh mắt của phụ huynh và học sinh, song khi rời lớp học, cô tự hào khoe hình xăm với đồng nghiệp, bạn bè và người thân mà không bị ai đánh giá. Cô cũng tìm được người yêu mới, một chàng trai mê xăm giống mình với những hình vẽ trải đầy cánh tay.
Minh Trang