Han Soo Hee, một diễn viên trẻ Hàn Quốc khá nổi tiếng thời gian gần đây sau bộ phim "Thế giới hôn nhân" đã phải đối mặt với nhiều câu hỏi về đời tư, sau khi những tấm ảnh cô với hai cánh tay đầy hình xăm được đăng trên mạng xã hội. Nhiều người cho rằng cô gái có một quá khứ không tốt đẹp nên tay cô mới nhiều hình xăm như vậy.
Phản ứng của công chúng Hàn Quốc về bức ảnh đã bộc lộ một mâu thuẫn trong xã hội Hàn Quốc: mặc dù giới trẻ ngày càng yêu thích nghệ thuật xăm mình, quan niệm xã hội về những hình xăm vẫn coi đó là điều cấm kỵ.
"Điều này thật sốc", "Sao cô ta có thể sống vậy", "Cô ấy đẹp đấy, nhưng nếu là vợ tôi, tôi không chấp nhận nổi", là vài trong số nhiều bình luận liên quan đến bức ảnh của Han Soo Hee, được cho là chụp từ 4 năm trước, cùng với loạt hình cô hút thuốc. Dù diễn viên có họp báo nói rằng mình không làm gì sai, quan điểm của công chúng không thay đổi.
Han nói rằng quan điểm của cô về hình xăm không thay đổi, có một thực tế là: cánh tay cô bây giờ không còn vết mực. Cô được cho là đã xóa các hình xăm trước khi bắt đầu sự nghiệp diễn xuất của mình. Đây được cho là một sự thừa nhận ngầm về việc những hình xăm có thể gây ảnh hưởng lớn trong cảm nhận trong công chúng.
Các chương trình truyền hình Hàn Quốc luôn bị hạn chế việc để những hình xăm xuất hiện, vì thế phần lớn các nghệ sĩ, nếu yêu thích nghệ thuật xăm mình, thường chọn xăm ở nơi mà bằng mắt thường ít người thấy được. Ngược lại, nếu những hình xăm xuất hiện trước ống kính, các đài truyền hình chính thống sẽ che chúng bằng một miếng băng dán trên cổ, trên tay, hoặc làm mờ chúng.
Thực tế, luôn tồn tại một ranh giới không rõ ràng giữa luật lệ và phạm pháp trong việc xăm mình, tại Hàn Quốc. Tòa án tối cao năm 1992 đã đưa ra phán quyết rằng các hình xăm là "một thủ tục y tế", thậm chí xử lý hình sự một cách triệt để nhiều cửa hàng xăm mình hoạt động không có giấy phép y khoa, bất chấp sự yêu thích ngày một gia tăng loại hình nghệ thuật này trong giới trẻ.
Hàng năm, hàng loạt vụ xử lý các tiệm xăm được thực hiện, nhưng vẫn có khoảng 20.000 thợ xăm "làm chui" thay vì có chứng chỉ hành nghề. Họ quảng cáo tay nghề của mình trên các phương tiện xã hội. Hiệp hội Xăm Hàn Quốc (Korea Tattoo Association) ước tính rằng khoảng 1 triệu trong số 51 triệu người Hàn Quốc có hình xăm, theo cách hợp pháp, hoặc không. Thị trường hình xăm ở nước này được cho là có trị giá khoảng 200 tỷ won, tương đương 164 triệu USD mỗi năm.
Cũng giống như Yakuza ở Nhật Bản, tại Hàn Quốc, những hình xăm trên cơ thể, trong quá khứ, có liên hệ chặt chẽ với các nhóm băng đảng. "Nếu bạn chỉ xem phim Hàn, bạn có thể thấy chỉ những trùm xã hội đen hay tội phạm mới có những hình xăm trên người", Song Kang Seob - giám đốc Hiệp hội Xăm Hàn Quốc cho biết. "Tuy nhiên, những quan niệm đó giờ đây đang dần thay đổi, thông qua việc người ta dùng từ "tatoo" thay vì "moonshin" mang nhiều điều cấm kỵ như trước.
Song đã theo dõi sự thay đổi thái độ của công chúng từ năm 2002, khi nước này đăng cai World Cup. Trong suốt một mùa hè, hình ảnh của các ngôi sao bóng đá nổi tiếng, những người có làn da đặc kín hình xăm như David Beckham đã xuất hiện trên tivi của hàng triệu gia đình Hàn Quốc. Một năm sau đó, ngôi sao bóng đá Hàn Quốc Ahn Jung Hwan đã khiến người hâm mộ ngạc nhiên với một hình xăm của chính mình trên vai, trong suốt một sự kiện.
Ngay sau đó, các tiệm xăm bắt đầu xuất hiện ở khắp mọi nơi, công nghệ của thợ xăm cũng được cải tiến đáng kể.
Không chỉ những người nổi tiếng (nghệ sĩ, cầu thủ... ) mới bị những chỉ trích tiêu cực khi đeo đuổi đam mê xăm mình. Nhiều người trẻ, là công chức văn phòng cũng nói rằng họ bị phân biệt đối xử vì có hình xăm trên người, và buộc phải che chúng đi để không bị phát hiện.
"Tôi bắt đầu mặc áo dài tay để che những hình xăm trên cơ thể của mình, sau khi bị đánh giá", Lee Eun Bi, 28 tuổi làm một việc tại một trung tâm cao tuổi ở Suwon, một thành phố phía nam Seoul cho biết. Cô giải thích rằng mình làm việc với những người lớn tuổi hơn mình, và khi nhìn thấy hình xăm của cô, họ đã tò mò chạm vào, thậm chí còn mắng cô vì để dính mực.
Eun Bi cho biết cảm thấy không thoải mái khi bị chú ý, cuối cùng đã quyết định chỉ xăm ở nơi người khác không thấy. Cô ý thức được rằng những người thuê cô làm có thể sẽ cảm thấy phản cảm với những hình xăm đó. "Tôi nghĩ điều này phụ thuộc phần lớn vào nhóm tuổi của những người tôi làm việc cùng. Công ty trước đây tôi từng làm không phản đối những hình xăm của tôi, nhưng tôi đã phải che chúng đi khi đến làm việc tại một tiệm cafe có chính sách rất rõ ràng từ ban đầu: không thuê người có hình xăm".
Ryu Jin Ah, 29 tuổi, một giáo viên tại một trường trung học cơ sở ở Paju - một thành phố phía bắc Seoul. Cô cho biết chưa bao giờ thấy giáo viên đồng nghiệp nào có hình xăm. "Tôi nghĩ việc có hình xăm sẽ ảnh hưởng đến cơ hội được thuê dạy ở đây. Là một công chức, bạn không thể nào làm bất cứ điều gì có thể gây ảnh hưởng đến phẩm giá của giáo viên", cô nói.
Các tân binh khi vào lực lượng cảnh sát sẽ gặp bất lợi lớn trong sự nghiệp nếu có hình xăm. Đàn ông Hàn Quốc có nhiều hình xăm trên cơ thể thậm chí sẽ "được" miễn nghĩa vụ quân sự bắt buộc, tùy thuộc mức độ xăm trên cơ thể.
Ngày nay, những người nổi tiếng trong giới Kpop có hình xăm đã giúp tăng sức hấp dẫn của môn nghệ thuật này trong giới trẻ. Dễ dàng nhận thấy sự phổ biến của nghệ thuật này tại các khu Hongdae và Itaewon, nhất là với tầng lớp thanh niên độ tuổi 20-30. Thậm chí, với những người lao động trẻ trong môi trường thời trang, nghệ thuật hay làm đẹp, hình xăm là một điểm cộng chứ không còn là một trở ngại.
Một thợ cắt tóc ở Seoul cho biết anh được khách hàng đề nghị giới thiệu cho một thợ xăm tốt, trong khi một số khách hàng lớn tuổi không thoải mái lắm với hình xăm trên tay anh, và anh phải che nó đi khi phục vụ họ.
Bên cạnh đó, các công ty quốc tế cũng cởi mở hơn với những nhân sự có hình xăm. Kim Yu Kyong, 30 tuổi làm việc cho một công ty nước ngoài trụ sở Seoul nói rằng đồng nghiệp của anh đã quen với việc anh tẩy tóc và xăm mình.
Thùy Linh (Theo SCMP)