Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Đình Hữu Hạnh, Trung tâm chăm sóc Hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cho biết khi thời tiết thay đổi chuyển từ mùa nắng sang mùa mưa tạo điều kiện cho vi trùng, virus sinh trưởng mạnh, dễ tấn công vào hệ hô hấp của con người.
Với kiểu thời tiết này, người khỏe mạnh cũng dễ bị cảm sốt, nhức mỏi, ho đàm... Đặc biệt ai đang bị bệnh mãn tính về hô hấp sẽ dễ bị các bệnh như nhiễm trùng hô hấp trên, viêm họng, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi.
Bác sĩ Hạnh khuyến cáo những người dễ mắc các bệnh về hô hấp gồm:
- Trẻ nhỏ hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh dễ bị virus, vi khuẩn tấn công gây ra các bệnh về hô hấp.
- Người lớn tuổi với hệ miễn dịch đã suy yếu, khi chuyển mùa cơ thể vừa phải thích ứng với thay đổi của thời tiết, vừa phải chống đỡ các virus và vi khuẩn nên dễ dẫn đến nhiễm bệnh.
- Phụ nữ có thai cũng có hệ miễn dịch suy yếu, dễ mắc bệnh khi thời tiết thay đổi.
- Người dân sống ở vùng ô nhiễm, khu công nghiệp, vùng núi cao, vùng ở trên cao không khí lạnh cũng là đối tượng nguy cơ cao bị các bệnh trên.
Để phòng tránh các bệnh trên, bác sĩ khuyên ngay từ giai đoạn giao mùa, mọi người cần có những biện pháp tăng cường hệ miễn dịch. Cụ thể:
- Tiêm ngừa cảm cúm một năm 2 lần. Lần thứ nhất vào tháng 3 đến 4 để phòng ngừa cảm cúm mùa mưa. Lần thứ hai từ tháng 9 đến 10 để ngừa cảm mùa lạnh.
- Tiêm ngừa viêm phổi.
- Khẩu phần ăn giàu vitamin, trái cây, các loại rau xanh, hải sản…
- Lưu ý giữ ấm để cơ thể không bị cảm lạnh. Những bệnh nhân bị viêm nặng như viêm phế quản hay phổi, cần phải đến bác sĩ khám để được chẩn đoán đúng và uống thuốc phù hợp với từng trường hợp.
>> Xem thêm
Bà bầu có nên tiêm phòng cúm?
Cách đơn giản phân biệt cảm lạnh và cúm