![]() |
Tù binh ở Guantanamo. |
Đã có một tiền lệ về việc này. Trong thời gian chiến tranh Triều Tiên, mặc dù về mặt ngoại giao, Mỹ không công nhận chính chế độ Trung Quốc, Washington vẫn đối xử với những người Trung Quốc bị bắt như là tù binh chiến tranh.
Với quy định về dấu hiệu đặc biệt, trong cuộc chiến ở Việt Nam trước đây, Washington đã đối xử với những người Cộng sản bị bắt theo quy chế tù binh, mặc dù khi bị bắt họ chỉ mặc bà ba đen như thường dân, không hề mang thêm phù hiệu nào.
Mặt khác, có thể chính lính Mỹ sẽ phải chịu hậu quả nếu Nhà Trắng tỏ ra quá khe khắt đối với việc áp dụng điều khoản trên. Không phải lúc nào đặc nhiệm của nước này cũng có thể đóng quân phục gắn phù hiệu.
Cụm từ "chiến binh bất hợp pháp"
Theo điều 43 của Nghị định thư I bổ sung Công ước Geneva, "bất kỳ chiến binh... bị rơi vào tay quân đối lập đều trở thành POW".
Washington gọi những phần tử Al-Qaeda và Taliban mà họ đang giam giữ ở Guantanamo là "chiến binh bất hợp pháp", với ý định rõ ràng không cho họ hưởng quy chế tù binh.
Điều 44 nói rõ hơn về thuật ngữ "chiến binh" (combatant). Đoạn 2 quy định, mặc dù tất cả các chiến binh buộc phải tuân thủ luật chiến tranh, việc vi phạm những luật đó sẽ không khiến một người mất đi quyền là chiến binh hay... là một tù binh chiến tranh". Những ngoại lệ đối với điều khoản này có liên quan tới việc sử dụng quần áo và các dấu hiệu nhận biết các chiến binh.
Tuy nhiên, đoạn 3 xác nhận không phải lúc nào các chiến binh cũng có thể mặc đồ hay tạo dấu hiệu gì đó để tự phân biệt với thường dân, theo như quy ước trong luật quốc tế. "Một chiến binh sẽ giữ được địa vị chiến binh, với điều kiện, anh ta công khai mang vũ khí trong mỗi một cuộc giao chiến và để đối phương có thể thấy. Nếu không làm như vậy, đoạn 4 quy định, anh ta bị tước địa vị tù binh chiến tranh, nhưng sẽ vẫn có những quyền lợi quan trọng nhất trong số những gì mà tù binh chiến tranh được hưởng".
Về khía cạnh này, các chuyên gia luật pháp chỉ ra rằng trong Thế chiến II, một số phi đội ném bom của Hitle đã vi phạm luật chiến tranh bằng cách bắn phá các mục tiêu dân sự. Tuy nhiên, sĩ quan và binh lính thuộc không lực Đức bị bắt vẫn được trao quy chế POW.
Về các công ước Geneva
Các công ước Geneva bao gồm một loạt thoả thuận quy định chuẩn mực về nhân quyền quốc tế đã 150 năm nay. Công ước này đưa ra cơ sở pháp lý cho sự hình thành và hoạt động của Uỷ ban Chữ Thập Đỏ Quốc tế (ICRC). Cơ quan này có nhiệm vụ bảo hộ không thiên vị nạn nhân của các cuộc xung đột trên thế giới.
Sự ra đời của các công ước bắt đầu năm 1859 khi Henry Durant, một thương nhân người Thuỵ Sĩ, chứng kiến trận chiến Solferino ở Italy, trong đó 40.000 người bị giết hoặc làm bị thương trong một ngày.
Năm 1864, nỗ lực của Durant ngăn chặn những thảm kịch tương tự trong tương lai đã có kết quả. Công ước Geneva I ra đời, quy định một loạt nguyên tắc ứng xử trong chiến tranh.
Công ước thứ hai, hoàn thành năm 1899, mở rộng đối với giao tranh trên biển. Công ước thứ 3 và 4, được phê chuẩn vài năm sau đó, lần lượt xác định sự bảo hộ đối với tù nhân chiến tranh và thường dân trong thời kỳ xung đột.
Năm 1949, toàn bộ 4 công ước được xem xét lại và ký kết để hình thành bộ công ước Geneva. Hai nghị định thư sau đó đã được thảo thêm, đưa ra những điều cấm kỵ trong giao chiến quốc tế và nội chiến. Tổng cộng, gần 200 nước đã ký kết Geneva. Nếu một nước vi phạm công ước, người ta có thể kiện ra Tòa án quốc tế ở La Haye.
Phụ lục
Điều 4 Công ước Geneva III quy định tù binh chiến tranh là những người bị rơi vào tay đối phương, đáp ứng các tiêu chuẩn sau:
1. Thành viên của lực lượng vũ trang của một bên trong cuộc xung đột hay các địa phương quân hoặc tình nguyện quân thuộc lực lượng vũ trang như vậy.
2. Thành viên của các nhóm địa phương quân hay đơn vị tình nguyện khác, bao gồm những người trong một phong trào kháng chiến có tổ chức với điều kiện họ:
(a) được chỉ huy bởi một người có trách nhiệm đối với cấp dưới.
(b) có những dấu hiệu đặc biệt có thể nhận ra từ xa.
(c) công khai mang vũ khí
(d) tổ chức tấn công và phòng ngự theo đúng luật và tập quán chiến tranh.
3. Thành viên của lực lượng vũ trang chính quy trung thành với một chính phủ hay chính quyền không được công nhận bởi bên bắt giữ.
Khoản 6 của điều 4 cũng gộp vào hàng tù binh chiến tranh những người sống trên vùng lãnh thổ không bị chiếm đóng đã tự giác cầm súng đánh đuổi xâm lược, với điều kiện họ công khai mang vũ khí và tôn trọng tập quán và luật chiến tranh.
Điều 5 của công ước quy định, "nếu có điều gì chưa rõ ràng" như là liệu những người bị giam giữ có thể được xếp vào loại nào trong số trên, họ sẽ "được hưởng sự bảo hộ của Công ước" cho tới khi địa vị của họ được xác định chính thức bởi một toà án thích hợp.
H.F. (theo BBC, ABC)