Báo cáo quý IV/2022 của Navigos - nhà cung cấp về các dịch vụ tuyển dụng nhân sự cấp cao tại Việt Nam - vừa công bố cho biết nhu cầu tuyển lao động tháng 12 vừa qua giảm đến 42% so với thời điểm trước khi có Covid-19. Tính chung cả quý IV, nhu cầu tuyển dụng giảm 25% so với trước dịch.
Trong đó, những ngành liên quan đến sản xuất, dệt may, hàng hải nhu cầu giảm rõ rệt nhất do nhu cầu tiêu dùng của các thị trường nước ngoài yếu; chênh lệch tỷ giá; giá nguyên, nhiên vật liệu tăng cao; lãi suất tăng; bất ổn địa chính trị.
Tuyển dụng một số ngành đã giảm liên tục trong tháng 10, 11 và càng nhiều hơn trong tháng 12 như: hành chính văn phòng, tiếp thị, bán hàng (giảm 50%); xây dựng (giảm 55%); thu mua, vật tư cung ứng - vận tải (giảm 53%); dệt may, da giày (giảm 58%); lao động thời vụ (giảm 50%)...
Vài ngành khác đối mặt với sự sụt giảm lớn trong tháng qua, bất kể đã tăng trưởng tốt vào 2 tháng liền trước như: ngân hàng, hàng tiêu dùng, bảo hiểm, chứng khoán, với mức giảm dao động 13% đến 45%.
Nhu cầu tuyển dụng chậm lại là kết quả tất yếu khi nền kinh tế có tín hiệu thách thức ở các tháng cuối năm. Trong báo cáo tuần này, Tổng cục Thống kê cho hay sản xuất công nghiệp quý IV/2022 có xu hướng tăng chậm lại.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý rồi tăng 3%, mức tăng thấp nhất so với các quý của năm 2022 do đơn hàng sụt giảm, chi phí đầu vào cao và thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu. Cũng trong tháng qua, lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm so với tháng 11 lẫn cùng kỳ 2021.
Navigos cho hay, trong bối cảnh cắt giảm nhân sự đang diễn ra ở các doanh nghiệp và vì là thời điểm cận Tết, nhiều lao động cũng không còn nhu cầu chuyển việc, cố làm hết năm để nhận thưởng.
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam trung tuần tháng 12, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh dự báo thị trường lao động sẽ có rủi ro và thách thức trong năm 2023.
Dỹ Tùng