Còn chưa đầy một tháng nữa là tới Tết Nguyên đán Nhâm Dần, nhưng nhiều người đã có kế hoạch chuẩn bị mua sắm từ sớm, thậm chí từ tháng 11/2021. Dịp Tết cổ truyền năm nay diễn ra trong hoàn cảnh có phần đặc biệt - dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Theo đó, người dân sẽ hạn chế tập trung nơi đông người, thay vào đó, các hình thức giải trí tại nhà được dự đoán sẽ tăng cao. Cuối năm cũng là thời điểm mọi người có xu hướng mua sắm các thiết bị, đồ đạc mới để tân trang nhà cửa cũng như đáp ứng các nhu cầu trong bối cảnh hiện tại. Nắm bắt tâm lý này, nhiều thương hiệu tung ưu đãi lớn.
Nhằm giúp độc giả nắm bắt xu hướng giải trí tại nhà, giúp nhà bán hàng hiểu được tâm lý và hành vi mua sắm của khách hàng trong giai đoạn mới, VnExpress tổ chức tọa đàm "Bắt nhịp xu hướng giải trí số tại nhà 2022". Chương trình phát sóng lúc 10h, ngày 6/1 trên VnExpress.
Tọa đàm gồm ba phần. Phần một các diễn giả chia sẻ xu hướng giải trí số tại nhà trong năm 2021 - Đại dịch covid 19 đã tác động như thế nào đến hành vi tiêu dùng. Phần hai gồm những thông tin xoay quanh TV - một trong những thiết bị giải trí không thể thiếu của người dân tại nhà. Cuối cùng, các khách mời sẽ đưa ra những nhận định về xu hướng giải trí số năm 2022.
Tham gia tọa đàm có ông Nguyễn Huy Hoàng - Giám đốc Phát triển Đối tác Kinh doanh của Lazada Việt Nam. Ông Hoàng có 17 năm kinh nghiệm làm tại một trong những công ty hàng đầu thế giới về nghiên cứu thị trường dựa trên chương trình nghiên cứu hành vi người tiêu dùng. Tại sự kiện, đại diện Lazada Việt Nam sẽ chia sẻ về việc mua sản phẩm giải trí số trên Lazada trong năm 2021, xu hướng chuyển dịch giải trí tại nhà và vai trò đặc biệt của TV trong thời điểm hiện tại.
Diễn giả thứ hai là ông Lê Minh Trường, Giám đốc Kinh doanh coocaa Việt Nam. Năm 2021, coocaa là đối tác luôn nằm trong top các thương hiệu TV có doanh thu cao trên Lazada. Theo đó, ông Trường sẽ có nhận định về xu hướng chuyển dịch giải trí tại nhà và vai trò đặc biệt của TV trong thời gian qua. Bên cạnh đó là cách để doanh nghiệp tạo sự khác biệt và cạnh tranh trên thị trường này.
Cùng thảo luận về chủ đề lần này còn có ông Ngô Mạnh Cường - Giám đốc FPT Online, người được mệnh danh là "kiến trúc sư trưởng" trong mảng kinh doanh của FPT Online... Công ty này tập trung vào các mảng hoạt động sản xuất nội dung chất lượng cao, công nghệ xuất bản điện tử, cung cấp giải pháp quảng cáo trực tuyến, tổ chức sự kiện online - offline, sở hữu các sản phẩm, nền tảng trực tuyến với hàng triệu người dùng tại Việt Nam và toàn cầu. Tham gia tọa đàm, ông Ngô Mạnh Cường sẽ chia sẻ thói quen giải trí tại nhà của người dùng, lợi ích của thiết bị số như TV trong các lĩnh vực cũng như cách chọn lựa một chiếc TV đáp ứng các nhu cầu trong bối cảnh mới.
Dịch Covid-19 kéo dài, việc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội tại nhà trong năm 2021 khiến người tiêu dùng chuyển sang các nền tảng trực tuyến để vừa đáp ứng nhu cầu thiết yếu vừa phục vụ mục đích tương tác và giải trí. Theo thống kê của Google, trong năm 2021, người Việt đạt tỷ lệ xem Youtube trên TV nhiều nhất châu Á. Thời gian xem YouTube của người Việt trên TV cũng nhiều hơn 90% so với xem trên máy tính và thiết bị di động.
Cùng với nhu cầu giải trí trên nền tảng công nghệ, xu hướng mua sắm các sản phẩm đáp ứng giải trí trong nhà cũng gia tăng. Ông Lê Minh Trường, Giám đốc Kinh doanh coocaa Việt Nam, cho biết, TV không còn là công cụ giải trí đơn thuần, mà trở thành phương tiện để người dùng tương tác với cộng đồng trong bối cảnh giãn cách vừa qua. Theo đó, với một chiếc TV thông minh, người dùng có thể xem các kênh truyền hình từ quốc tế cho đến trong nước; xem lại các chương trình được phát lại trên website trực tuyến; nghe và xem ca nhạc trên Youtube; xem phim trên Netflix; học trực tuyến...
Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Phát triển đối tác kinh doanh Lazada Việt Nam, cho biết, năm 2021, ngành hàng điện tử, trong đó bao gồm các sản phẩm giải trí số như TV là một trong những ngành hàng dẫn đầu về doanh thu. Trong lễ hội mua sắm 12/12 vừa qua, ngành hàng điện tử ghi nhận doanh thu tăng gấp 5 lần so với ngày thường. Các sản phẩm như máy tính, TT, loa cũng được mua sắm mạnh, phục vụ nhu cầu học tập, làm việc và giải trí tại nhà.
"Nhu cầu mua sắm các mặt hàng điện tử, đặc biệt là các sản phẩm giải trí số như TV cũng tiếp tục gia tăng trong những tháng cuối năm khi người tiêu dùng có tâm lý mua sắm thoải mái hơn và giải trí tại nhà vẫn là hình thức được rất nhiều gia đình lựa chọn trong tình hình số ca nhiễm Covid-19 vẫn còn ở mức cao như hiện nay", ông Hoàng chia sẻ thêm.
Độc giả quan tâm tới chủ đề có thể đặt câu hỏi tại đây.
An Nhiên