"Những bài diễn tập của nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh đã được nâng cao, bao gồm cả nội dung tác chiến ngoài khơi. Nó đã đạt khả năng sẵn sàng chiến đấu sơ bộ", Reuters dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhiệm Quốc Cường hôm qua tuyên bố.
Đây được coi là bước tiến đáng kể trong chương trình hiện đại hóa quân đội đầy tham vọng của Trung Quốc, cũng như dự án phát triển hạm đội tàu sân bay của hải quân nước này. Nó nằm trong kế hoạch đổi mới toàn diện lực lượng vũ trang của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, bên cạnh các chương trình chế tạo tiêm kích tàng hình và tên lửa diệt vệ tinh.
Trung Quốc mua lại tàu sân bay Varyag từ Ukraine vào năm 1998, sau đó đại tu và đặt tên cho tàu là Liêu Ninh. Nó chủ yếu phục vụ huấn luyện, giúp hải quân Trung Quốc làm quen với việc vận hành tàu sân bay, cũng như xây dựng học thuyết sử dụng hàng không mẫu hạm cùng các tàu mặt nước khác.
Liêu Ninh cũng từng thực hiện nhiều nhiệm vụ tuần tra gây chú ý, như đi qua eo biển Đài Loan và xuất hiện ở Biển Đông.
Các chuyên gia Trung Quốc nhận định chiếc Type-001A, tàu sân bay nội địa đầu tiên của nước này, sẽ được biên chế vào năm 2020 sau khi hoàn tất việc lắp đặt vũ khí trang bị và thử nghiệm trên biển. Trong vòng 10 năm tới, Trung Quốc có thể sở hữu ít nhất ba hàng không mẫu hạm, giúp tối ưu hóa hoạt động trên biển. Trong đó, một tàu sẽ làm nhiệm vụ trực chiến và tuần tra, một chiếc dùng cho huấn luyện và chiếc còn lại sẽ nằm trong ụ bảo dưỡng.