Sau 13 vòng bỏ phiếu trong tuần này, nghị sĩ Kevin McCarthy vẫn không đạt tối thiểu 218 phiếu thuận trên tổng số 435 phiếu để trở thành tân chủ tịch Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1859, Hạ viện Mỹ khóa mới trải qua ba ngày làm việc mà không xác định được ai sẽ là chủ nhân chiếc búa chủ tọa trong hai năm tiếp theo.
Đảng Cộng hòa đang nắm 222 ghế hạ nghị sĩ trong quốc hội khóa 118, trong khi đảng Dân chủ có 212 ghế. Hạ viện Mỹ vẫn trống một ghế, thuộc về cố nghị sĩ Dân chủ Donald McEachin, người qua đời vào tháng 11/2022 sau khi đắc cử.
Với thế đa số của đảng Cộng hòa, lẽ ra McCarthy sẽ dễ dàng được bầu làm chủ tịch Hạ viện thay thế bà Nancy Pelosi, nhưng những hỗn loạn nội bộ đã khiến tham vọng của ông chưa thể trở thành hiện thực.
Trong 13 vòng bỏ phiếu liên tiếp, lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện Hakeem Jeffries luôn nhận đủ 212 phiếu thuận, mức ủng hộ tuyệt đối từ đảng của mình. Trong khi đó, số phiếu dành cho McCarthy lại vơi dần, từ 203 phiếu trong vòng biểu quyết đầu tiên còn 200 phiếu vào vòng biểu quyết thứ 11.
Đến ngày làm việc thứ tư, sau những nỗ lực vận động hậu trường không biết mệt mỏi, ông McCarthy mới cải thiện được tình hình với số phiếu ủng hộ tăng lên 214 ở vòng bỏ phiếu thứ 13, nhưng vẫn thiếu 4 phiếu để giành chiến thắng.
Những rối ren trong nội bộ đảng Cộng hòa tại Hạ viện xuất phát từ nhóm nghị sĩ "nổi loạn", những người liên tục áp dụng chiến thuật đề cử và bầu cho bất cứ ứng viên nào, miễn là họ không thuộc đảng Dân chủ và không phải ông McCarthy, khiến nỗ lực bầu chủ tịch Hạ viện lâm vào bế tắc.

Kevin McCarthy quan sát khi Hạ viện bỏ phiếu bầu chủ tịch tại tòa nhà quốc hội ở thủ đô Washington ngày 5/1. Ảnh: AFP.
Theo giới quan sát, nhóm chống đối ông McCarthy chỉ chiếm thiểu số trong đảng Cộng hòa, chưa đến 10% số ghế mà đảng này kiểm soát tại Hạ viện. Tuy nhiên, lá phiếu của họ lại có thể tác động lớn đến kết quả bầu tân chủ tịch Hạ viện một phần vì đảng Cộng hòa không tạo được thế áp đảo so với đảng Dân chủ sau cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 11/2022.
Nhóm "nổi loạn" này ban đầu có 19 thành viên, sau đó có thêm ba người tham gia gồm Byron Donalds của bang Florida, Victoria Spartz của bang Indiana và Ken Buck, nghị sĩ bang Colorado. Trong số này, Byron là người được nhóm tập trung phần lớn phiếu trong 8 vòng bầu cử liên tiếp.
Phần lớn nghị sĩ chống McCarthy thuộc "Phái Tự do" trong đảng Cộng hòa tại Hạ viện, tập hợp những chính trị gia cánh hữu cứng rắn nhất của đảng. Lãnh đạo phái chính trị này là Scott Perry, nghị sĩ đến từ bang Pennsylvania và là đồng minh thân thiết của cựu tổng thống Donald Trump trong nỗ lực "lật kèo" bầu cử năm 2020.
Nghị sĩ các bang miền nam nước Mỹ cũng chiếm đa số trong nhóm chống đối McCarthy, trong đó nhiều nhất là ba bang Texas, Florida và Arizona. Họ đại diện cho những khu vực bầu cử từng ủng hộ mạnh mẽ ông Trump năm 2020. Nhiều nghị sĩ trong số này cũng được ông Trump ủng hộ khi tranh cử vào năm ngoái.

Nghị sĩ Byron Donalds của bang Florida đến họp tại Hạ viện vào ngày 3/1. Ảnh: Reuters.
Dù vậy, các nghị sĩ chống ông McCarthy lại theo đuổi các mục tiêu khác nhau trong cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.
Nghị sĩ Chip Roy của bang Texas, người thường xuyên đại diện nhóm để đàm phán với ông McCarthy, chủ trương lắng nghe và thỏa hiệp để đôi bên cùng có lợi. Ông cùng một số đồng nghiệp trong nhóm muốn đảng Cộng hòa tại Hạ viện trong hai năm tới theo đuổi định hướng ngân sách ít bị can thiệp hơn so với thời của đảng Dân chủ.
Raplh Norman, nghị sĩ bang Nam Carolina, nói ông muốn chủ tịch Hạ viện phải là người sẵn sàng "đóng cửa chính phủ thay vì nâng mức trần nợ công" để giữ cho chính phủ Mỹ tiếp tục hoạt động.
Norman cùng các đồng nghiệp trong phe bảo thủ ủng hộ Hạ viện cắt giảm mạnh mẽ chi tiêu công để chấm dứt tình trạng thâm hụt ngân sách. Họ lo ngại viễn cảnh Mỹ vỡ nợ công và đẩy nền kinh tế vào khủng hoảng, đồng thời tin rằng đóng phương án đóng cửa chính phủ trong một thời gian sẽ gây ra ít hậu quả hơn.
Theo nghị sĩ Ken Buck của bang Colorado, một số chính trị gia chống ông McCarthy có mục tiêu cuối cùng là thỏa hiệp thay đổi chính sách. Tuy nhiên, một số thành viên chỉ đơn giản là không chấp nhận ông McCarthy làm chủ tịch Hạ viện vì bất đồng cá nhân.
Nhóm này gồm một số nghị sĩ cánh hữu cứng rắn nhất tại Hạ viện như Matt Gaetz của bang Florida, Andy Biggs của bang Arizona và Lauren Boebert của bang Colorado.
"Kevin McCarthy sẽ không nhận đủ số phiếu để trở thành chủ tịch Hạ viện trong hôm nay, tuần tới hay thậm chí là năm sau", Matt Gaetz tuyên bố vào ngày 6/1 khi bỏ phiếu cho nghị sĩ Jim Jordan thuộc bang Ohio.

Matt Gaetz phát biểu tại Hạ viện Mỹ ngày 6/1. Ảnh: AFP.
Dù vòng biểu quyết thứ 13 cho thấy ông McCarthy đang cải thiện được tình hình và một bộ phận nhóm chống đối ông đã chấp nhận thỏa hiệp, các vòng bỏ phiếu tiếp theo vẫn tiềm ẩn nguy cơ họ đổi ý.
Cựu chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich cảnh báo nhóm "nổi loạn" trong đảng Cộng hòa tại Hạ viện đang "đùa với lửa". Ông nhấn mạnh tình trạng hỗn loạn mà nhóm này gây ra trên nghị trường là "mối nguy hại nghiêm trọng nhất đối với đảng kể từ năm 1964".
Theo Gingrich, cuộc đấu đá nội bộ hiện nay còn báo hiệu tương lai sóng gió cho đảng Cộng hòa trong những năm tới, với hay xu hướng chống đối và ủng hộ cựu tổng thống Donald Trump đối đầu quyết liệt, làm chia rẽ cử tri đảng.
"Đây là thảm họa đối với đảng Cộng hòa. Các hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa sẽ trở thành những gã hề nếu như họ tiếp tục hành xử như vậy", Steve Doocy, bình luận viên của kênh truyền hình cánh hữu Fox News, cảnh báo.
Thanh Danh (Theo AP, CNN, Guardian, Washington Post)