"Tôi sẽ là thành viên Cộng hòa đồng bảo trợ điều khoản sửa đổi Dự thảo Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) do nghị sĩ Dân chủ Sara Jacobs đề xuất, nhằm ngăn chặn hoạt động chuyển giao đạn chùm. Loại vũ khí này sẽ không chấm dứt chiến sự Ukraine và sẽ không xây dựng được đất nước ổn định", nghị sĩ Cộng hòa Matt Gaetz cho biết hôm 10/7.
Ông Gaetz nói rằng bom, đạn chùm luôn xuất hiện trong những cuộc chiến tranh đẫm máu, kéo dài và tàn nhẫn nhất trong lịch sử loài người. "Nhiều đứa trẻ sẽ mồ côi và tàn phế vì quyết định chuyển giao đạn chùm, trừ khi lưỡng đảng hợp tác để ngăn điều đó. Loại vũ khí này không phải nền tảng của hòa bình", nghị sĩ Mỹ nói thêm.
Lầu Năm Góc hôm 7/7 công bố gói viện trợ quân sự thứ 42 cho Ukraine, trong đó có đạn chùm DPICM được đánh giá là "hiệu quả cao và đáng tin cậy". Tổng thống Mỹ Joe Biden thừa nhận viện trợ đạn chùm cho Kiev là quyết định rất khó khăn, song nhấn mạnh Ukraine rất cần vũ khí để ngăn lực lượng Nga.
Quyết định vấp phải phản ứng quyết liệt từ dư luận Mỹ cũng như một số nước châu Âu, do nguy cơ gây sát thương quá lớn trong và sau chiến sự của đạn chùm.
Các nghị sĩ đảng Dân chủ cũng chia rẽ về động thái viện trợ đạn chùm cho Ukraine, trong đó đề xuất sửa đổi NDAA của bà Jacobs là một trong những nỗ lực nhằm ngăn cản quá trình này. Thông báo của nghị sĩ Gaetz có thể tăng sức nặng cho đề xuất, nhưng khó lòng thay đổi chính sách của Mỹ hiện nay.
Nghị sĩ Mike McCaul, thành viên hàng đầu của đảng Cộng hòa tại Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, bày tỏ ủng hộ quyết định của ông Biden và cho rằng đạn chùm có thể là "vũ khí thay đổi cuộc chơi" tại Ukraine. "Cuộc phản công đã bị đình trệ nghiêm trọng vì chính quyền Mỹ chậm chuyển giao vũ khí", ông nói.
Quá trình thảo luận sửa đổi NDAA sẽ diễn ra tại Hạ viện Mỹ trong tháng 7.
Đạn chùm không sát thương bằng thuốc nổ hoặc đầu đạn xuyên phá thông thường, mà chứa lượng lớn đạn con được phát tán khi đến gần mục tiêu. Cơ chế này cho phép một quả đạn mẹ rải hàng trăm đến hàng nghìn đạn con trên diện tích tương đương vài sân bóng đá, đạt hiệu quả sát thương cao hơn nhiều so với đạn pháo hoặc rocket nổ mảnh thông thường.
Tuy nhiên, đạn con có thể không phát nổ và nằm rải rác trên khu vực rộng lớn mà không có bất cứ bản đồ đánh dấu nào. Chúng vẫn giữ nguyên cơ chế kích hoạt và đủ sức phát nổ khi ai đó chạm vào, ngay cả khi chiến sự đã kết thúc nhiều năm. Điều này gây ra nguy cơ đặc biệt lớn với trẻ em, vốn không có kiến thức về các loại vũ khí quân sự.
Báo cáo của Reuters ước tính 60% thương vong do đạn chùm xảy ra khi người dân sinh hoạt thường ngày. Một phần ba tổng số nạn nhân của bom, đạn chùm là trẻ em do chúng thường nhầm đạn con với đồ chơi.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hôm 7/7 bày tỏ phản đối động thái viện trợ đạn chùm cho Ukraine của Mỹ. Một số đồng minh của Mỹ, trong đó có Tây Ban Nha và Anh, cũng phản đối Ukraine sử dụng đạn chùm trong giao tranh.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov nhận định đạn chùm mà Mỹ viện trợ có thể giúp đẩy nhanh quá trình giành lại khu vực Nga đang kiểm soát. Ông cũng cam kết Ukraine sẽ thường xuyên trao đổi thông tin sử dụng đạn chùm với đồng minh.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói rằng quyết định viện trợ đạn chùm là "hành động tuyệt vọng và thể hiện sự yếu đuối của Mỹ", trong bối cảnh "cuộc phản công của Ukraine trên thực tế đang thất bại dù được quảng bá rầm rộ".
Vũ Anh (Theo Hill)