Kết thúc giãn cách xã hội chưa đầy một tháng, Uniqlo tất bật khai trương cửa hàng thứ ba ở Việt Nam hôm 15/5, trong bối cảnh nhiều người vẫn thận trọng đeo khẩu trang ra đường.
Cửa hàng mới rộng 2.000 m2, tọa lạc tại một trong những trung tâm thương mại sầm uất nhất quận 7, TP HCM. Dịp này, nhãn hàng còn tung ra một bộ sưu tập mới phục vụ nhu cầu hè của người tiêu dùng.
Nhưng sự tự tin của Uniqlo vào năng lực tiêu dùng của thị trường Việt Nam không dừng tại đó. Chỉ 3 hôm sau khi khai trương của hàng thứ ba, công ty tuyên bố sẽ mở tiếp cửa hàng thứ 4 cũng diện tích khoảng 2.000 m2 tại trung tâm thương mại bên trong tòa nhà cao nhất Việt Nam vào 5/6 tới.
"Háo hức" là từ mà ông Osamu Ikezoe, Tổng giám đốc Uniqlo Việt Nam dùng khi chào đón các khách hàng đến với cửa hàng mới tại quận 7 ngay sau dịch. Tháng 3 và 4, hàng may mặc, mũ nón và giày dép đều thuộc nhóm có chỉ số giá giảm trong rổ CPI của Tổng cục Thống kê. Tuy nhiên, siêu thị, trung tâm thương mại hoạt động lại sẽ mở ra cơ hội cho nhóm ngành hàng này thời gian tới.
Chuyển biến ngay trong dịch là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng nhóm này trong tháng 3/2020 giảm 0,43% nhưng đã tăng 0,66% vào tháng 4. Nhà hàng, quán ăn sôi động lại có thể tiếp tục giúp nhóm này duy trì đà tăng.
"Nhu cầu ăn uống là bức thiết với mọi người, đặc biệt tại các thành phố lớn. Có nhiều thứ tích hợp trong một buổi ăn như nhu cầu giao tiếp, gặp gỡ bạn bè, bàn công việc hay giải trí. Nó còn cấp thiết hơn sau khi mọi người xa cách nhau vì dịch", chị Trần Ngọc Hà, Đồng sáng lập Bam Bam - một nhà hàng Hàn Quốc tại quận 10, TP HCM, cho biết.
Xem thêm : Đại dịch thay đổi cách chi tiêu của người Việt
Bam Bam chỉ mới khai trương được nửa tháng. Thực ra, quán này có ý tưởng vào tháng 3 và định khai trương vào dịp 30/4-1/5 nhưng dịch bệnh khiến kế hoạch bị lùi lại. "Tâm lý mọi người đã bớt lo lắng hơn và họ bắt đầu ra đường", Hà nói. Đồng thời cô cho biết không thể chờ lâu vì còn phải có doanh thu để trả mặt bằng và quán này vốn "ăn theo" một bộ phim Hàn Quốc nổi tiếng gần đây nên không thể để qua xu hướng.
Với Hà, khai trương ngay sau dịch là mạo hiểm nhưng vì nhiều người đã rút khỏi thị trường nên cũng là cơ hội. "Dịch kéo lùi tất cả lại thì khoảng cách của mình với những người dẫn đầu cũng ngắn hơn", cô nói. Thực tế, Hà còn sở hữu một quán trà chanh có tiếng tại quận 3, TP HCM. Cô cho biết giai đoạn đầu sau giãn cách thì khách thưa hơn, nhưng giờ, mọi thứ đã vào quỹ đạo như trước.
Không phải tân binh trên thị trường, Morico - một chuỗi nhà hàng phong cách Nhật, cho hay doanh thu bán mang đi giảm 50% sau dịch do khách hàng đã đi làm trở lại, không ăn vặt ở nhà và đến trực tiếp nhà hàng.
Đại diện Morico cho biết, doanh thu các nhà hàng ở những khu dân cư so với thời điểm trước giãn cách có tăng. Dịch không ảnh hưởng lớn đến nhóm khách hàng của họ đang sống tại các chung cư cao cấp. Cùng với đó, khách hàng tại nhóm văn phòng hạng A không có thay đổi mức tiêu dùng so với trước dịch.
Một nhóm ngành khác cho nhiều cơ hội sớm sáng sủa là thiết bị, đồ dùng gia đình, đồ nội thất. Nhóm ngành này có bệ đỡ là cả hai phân khúc, nhà ở hiện hữu và nhà ở tương lai. Ở phân khúc mua sắm để cải tạo, tân trang nhà ở, nhu cầu vẫn tiếp tục duy trì. Trong rổ CPI, chỉ số giá của thiết bị và đồ dùng gia đình tháng 3 và 4 tăng lần lượt 0,09% và 0,06%.
"Khi chúng tôi tạm đóng cửa showroom vì cách ly xã hội, có những khách hàng gọi đến mua một số mẫu nội thất để dùng ngay trong mùa dịch", bà Mai Đỗ Thùy Dung, Giám đốc điều hành Aka Furniture Group, công ty sở hữu các chuỗi nội thất như Nhà Xinh, BoConcept, Caliigaris, Bellavita Luxury, cho biết.
Cùng ngày với Uniqlo khai trương cửa hàng thứ 3 ở quận 7, tức 15/5, Nhà Xinh cũng ra mắt một showroom mới tại quận 3. Chỉ một tuần sau đó, họ mở tiếp showroom khác tại Thảo Điền, quận 2.
Bà Dung nhận định, thời gian ở nhà nhiều vì dịch đã kích thích nhu cầu cải tạo nhà ở của khách hàng. Còn sau dịch, nhiều người cũng muốn đầu tư cho căn nhà của mình. Xu hướng này giúp ngành nội thất có được sự lạc quan.
Phân khúc sắm mới cho các căn nhà tương lai cũng rộng đường. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA), nói trong một hội thảo gần đây rằng, thị trường bất động sản như lò xo bị nén, chỉ chờ được tháo gỡ vướng mắc là bùng nổ mạnh mẽ. "Doanh nghiệp bất động sản không xin nhà nước hỗ trợ tiền, mà chỉ xin hỗ trợ về cơ chế chính sách", ông Châu tuyên bố.
Gắn liền với nhu cầu thiết yếu, nhóm ngành tiêu dùng liên quan đến ăn, mặc, ở và kéo theo là các ngành hàng khác có khả năng dần hồi phục nhờ tâm lý của người Việt khá tích cực.
Báo cáo "Covid-19 tác động đến tình cảm của người tiêu dùng và doanh nghiệp ở Việt Nam" do Hiệp hội Tiếp thị Di động (MMA) cùng các đối tác SurveySensum, Adtima và Kantar Vietnam công bố hôm 25/5 cho biết, người tiêu dùng tại Việt Nam ít lo lắng hơn về dịch bệnh so với phần còn lại của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Cụ thể, 3% số người được hỏi cho biết hoàn toàn không lo lắng gì. 36% không lo lắng nhưng có một chút dè dặt, cao hơn Ấn Độ và Indonesia với tỷ lệ lần lượt là 22% và 28%. Ngoài ra, 25% thừa nhận có một chút lo lắng, thấp hơn Indonesia (34%) và tương đương với Ấn Độ (24%).
Cùng với đó, người tiêu dùng Việt Nam cũng rất lạc quan về thời gian phục hồi lại bình thường sau dịch, với dự đoán trung bình là 2 tháng. Trong khi, người Ấn Độ cho rằng sẽ mất 3 tháng và Indonesia ước khoảng 3,2 tháng.
Tất nhiên, không khí vẫn còn rất thận trọng và dè dặt, nhất là phía doanh nghiệp. Báo cáo cho hay, hơn hai phần ba doanh nghiệp tại Việt Nam (69%) được hỏi nói rằng họ đã cảm thấy sự gián đoạn hoạt động do Covid-19. Các doanh nghiệp dự đoán sự gián đoạn kinh doanh sẽ tiếp tục trong một thời gian dài.
Dự báo trung bình của họ theo khảo sát của MMA là phải mất 6,2 tháng để trở lại bình thường, lạc quan hơn các doanh nghiệp Singapore với 6,9 tháng và Ấn Độ là 6,5 tháng nhưng kém lạc quan hơn doanh nghiệp Indonesia với 5,2 tháng.
Đại diện Morico cho rằng, có thể cuối năm 2020 mới có tín hiệu về sự phục hồi kinh tế rõ ràng. Trong giai đoạn tiền phục hồi, điều các doanh nghiệp cần làm, nhất trong ngành F&B là tối ưu chi phí đầu vào, nhân sự, vận hành... nhằm giữ được mức giá tốt nhất cùng các chương trình khuyến mãi phù hợp để kích cầu.
"Kỳ vọng lúc này của chúng tôi thực tế hơn. Trước đây, chúng tôi định mở hệ thống nhà hàng nhượng quyền, nhưng giờ tạm hoãn và tập trung cố gắng xây dựng nhà hàng đầu thật tốt", Trần Ngọc Hà nói.
Viễn Thông