Naples, thành phố lớn thứ tư Italy ở vùng Campania, từng được xem là "vùng đất hạnh phúc" trong mắt những người La Mã. Nhưng giờ nơi đây nổi tiếng là "mảnh đất lửa" do các vụ đốt, chôn rác và hóa chất độc hại trái phép. Môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng đã khiến không ít người, bao gồm cả trẻ em, ở Naples chết vì ung thư hoặc gặp nhiều vấn đề về sức khỏe, đồng thời gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với sản xuất nông nghiệp của vùng.
Nhóm đứng sau các vụ chôn, đốt rác thải trái phép này là Camorra, băng đảng tội phạm có tổ chức khét tiếng ở Naples. Từ giữa những năm 1980, sau trận động đất ở Naples hồi tháng 11/1980, băng đảng Camorra đã chuyển sang vận chuyển rác thải, chủ yếu đổ các loại rác và vật liệu độc hại trực tiếp xuống các mỏ đá và nhiều khu vực khác.
Theo Slate, các tổ chức tội phạm đã nhúng tay vào việc thu gom rác ở nhiều nơi trên thế giới vì là đây ngành dễ thâm nhập và kiểm soát. So với việc kiếm tiền từ buôn bán ma túy, buôn người hay hàng giả, việc tạo ra thế độc quyền về thu gom rác có sức hấp dẫn đặc biệt với họ vì đây là kinh doanh hợp pháp và các hợp đồng mang lại lợi nhuận lớn.
"Tôi không buôn ma túy nữa. Giờ tôi đã có ngành kinh doanh khác. Nó có thể kiếm nhiều tiền hơn và ít rủi ro hơn. Đó chính là rác thải. Với chúng tôi, rác là vàng", một cựu lãnh đạo của băng đảng Camorra từng trả lời các nhà điều tra.
Ước tính chỉ riêng năm 2013, việc xử lý rác thải trái phép đã mang về khoảng 16,3 tỷ euro (tức khoảng 20 tỷ USD) cho các tổ chức tội phạm ở Italy, bao gồm cả Camorra.
Thành công của hoạt động thu gom rác thải này được cho là nhờ nguồn khách hàng ổn định mà Camorra hợp tác. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, Camorra không phải chủ động tìm kiếm đối tác hay các công ty lớn để sử dụng dịch vụ của họ. Bằng cách bỏ qua các quy định về môi trường, thuế và các phương pháp xử lý rác thải hợp pháp có thể rất tốn kém với chất thải độc hại, các công ty do Camorra điều hành có thể cung cấp dịch vụ cho khách hàng với giá thành rẻ hơn nhiều.
Chi phí trung bình để xử lý các vật liệu độc hại theo đúng quy trình ở Italy dao động từ 21-62 cent/kg. Nhưng mạng lưới của Camorra có thể cung cấp dịch vụ đó với giá khoảng 9-10 cent/kg, giúp các công ty tiết kiệm một khoản đáng kể.
Không chỉ ấn định giá thấp, các nhóm mafia như Camorra còn phân bổ địa bàn hoạt động, quấy nhiễu hoặc tống tiền các đối thủ kinh doanh khác, khiến các khách hàng trong khu vực không còn lựa chọn nào khác ngoài họ. Ngoài ra, họ cũng thông đồng với cảnh sát, doanh nhân và chính trị gia, buộc đóng cửa các lò đốt, khiến lượng rác thải phải vận chuyển tăng lên. Bằng những cách như vậy. Camorra có thể kiểm soát toàn bộ việc xử lý rác thải tại khu vực này.
Vùng Campania là trung tâm của cuộc khủng hoảng rác thải. Được mệnh danh là "mảnh đất lửa" do các hoạt động đốt rác thường xuyên, Campania là một trong những vùng ô nhiễm nhất và nghèo nhất ở Italy. GDP năm 2016 của vùng vào khoảng 22.000 USD, tương đương 66% mức trung bình của Italy, theo thống kê của Ủy ban châu Âu năm 2017. Chính phủ Italy đã phát hiện hơn 5.000 bãi rác tập trung trong cùng một khu vực có 55 cộng đồng sinh sống ở Campania.
Chôn và đốt rác đã gây ra cuộc khủng hoảng sức khỏe nghiêm trọng cho người dân trong khu vực. Bắt đầu từ năm 2000, các bác sĩ ở thị trấn Maddaloni, cách Naples khoảng 25 km, chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng của bệnh nhân ung thư hiếm gặp, như ung thư xương, bệnh bạch cầu và ung thư vú. Tuổi thọ của bệnh nhân cũng giảm đáng kể so với trước đó.
Không chỉ sức khỏe, nền kinh tế của khu vực cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tình trạng ô nhiễm vì chôn, đốt rác thải gây ra. Năm 2014, chính phủ Italy đã cấm bán mozzarella, loại phô mai làm từ sữa trâu và là mặt hàng xuất khẩu chính của vùng, sau khi phát hiện sữa có chứa nồng độ lớn dioxin. Rượu vang và dầu olive cũng bị liệt vào danh mục cấm xuất khẩu trong năm 2014 vì lo ngại nhiễm các hóa chất độc hại.
"Mafia môi trường là loại virus đầu độc môi trường, gây ô nhiễm nền kinh tế và gây nguy hiểm cho sức khỏe của người dân", người phát ngôn của Legambiente, hiệp hội bảo vệ môi trường Italy, nói năm 2011.
Mafia thao túng các hoạt động liên quan đến môi trường đã trở thành vấn nạn ở Italy trong nhiều năm, đặc biệt là ở miền nam nước này, nơi tội phạm có tổ chức hoạt động mạnh. Năm 2008, Italy từng phải điều động quân đội để dọn dẹp đống rác chất cao như núi ở thành phố Naples. Người dân cho rằng giới chức phải chịu trách nhiệm vì đã không ngăn chặn các băng đảng như Camorra.
Năm 2015, Italy ra luật mới để kiềm chế mafia môi trường. Họ trao cho cảnh sát quyền lực mới để điều tra tội phạm môi trường và tăng hình phạt. Luật này đã khiến lượng tội phạm mafia môi trường giảm 7% trong giai đoạn 2015- 2016. Khi Thủ tướng Italy Giuseppe Conte nhậm chức vào tháng 6/2018, ông nhấn mạnh ưu tiên của chính phủ là xử lý "mafia môi trường".
Cho tới nay, các nỗ lực của chính phủ đã phần nào ngăn chặn được sự lộng hành của băng đảng Camorra, khi nhiều thành viên của nhóm đã bị bắt và phải đối mặt với án tù dài hại. Tháng 3/2019, Marco DiLauro, con trai của Paolo Di Lauro, người từng là ông trùm của Camorra, đã bị bắt sau 14 năm lẩn trốn.
Tuy nhiên, tình trạng chôn, đốt rác thải độc hại ở Italy vẫn chưa được giải quyết triệt để. Cho tới tháng 2 năm nay, nhiều vụ đốt rác thải trái phép vẫn xảy ra ở Italy.
Thanh Tâm (Theo The Mob Museum)