Andrew Lownie, người dành suốt 30 năm để nghiên cứu về nhóm điệp viên Cambridge (Cambridge Spy Ring) cuối tuần trước công bố thành viên thứ 6 của nhóm là nhà vật lý học từng làm việc cho cơ quan tình báo Anh MI6, Wilfrid Mann, thường được biết đến với biệt danh "người nguyên tử".
Trước đây, Lownie khẳng định Wilfrid Mann là điệp viên Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô (KGB) bị lật tẩy trong cuốn sách năm 1979 của Andrew Boyle. Mann sinh năm 1908 tại London và qua đời năm 2001 ở Mỹ. Năm 1982, trong cuốn tự truyện Was there a fifth man? (Liệu có người thứ 5 không), Mann phủ nhận cáo buộc nói trên của Lownie.
Thế nhưng, Lownie đã phát hiện những trang hồ sơ của Patrick Reilly, cựu chủ tịch Ủy ban Tình báo chung của Anh, khẳng định lại ý kiến Mann là thành viên của một trong những nhóm điệp viên nổi tiếng nhất thời Thế chiến II.
Nhóm điệp viên Cambridge gồm các thanh niên Anh được tình báo Liên Xô tuyển mộ bắt đầu từ những năm 1930. Với mục tiêu cài cắm người vào bộ máy cấp cao chính quyền Anh, kể cả các cơ quan phản gián như MI5 và MI6, Bộ Ngoại giao và Bộ Chiến tranh Anh, tình báo Liên Xô đã nhắm đến những đối tượng có thể leo cao, luồn sâu mà điển hình là các sinh viên đại học Cambridge và Oxford thuộc những gia đình dòng dõi.
Ở Đại học Cambridge, tình báo Liên Xô đã thuyết phục thành công nhóm Anthony Blunt, Kim Philby, Guy Burgess, Donald Maclean, và có thể cả John Cairncross trở thành điệp viên phục vụ cho Liên Xô. Theo Bảo tàng Điệp viên Quốc tế (ISM) có trụ sở tại Mỹ, tất cả những người này đều tình nguyện làm việc cho phía Liên Xô không vì mục đích tiền bạc.
Một trong hai thành viên đầu tiên của Cambridge Spy Ring là Donald Maclean, làm việc cho Bộ Ngoại giao Anh ngay sau khi tốt nghiệp Cambridge. Năm 1950, Maclean thậm chí đã lên đến chức Vụ trưởng châu Mỹ của Bộ Ngoại giao Anh.
Trong thời gian làm việc tại Đại sứ quán Anh ở Washington D.C.,Maclean là nguồn tin chính cung cấp cho Moscow về trao đổi thông tin giữa Anh và Mỹ. Đến năm 1951, Maclean được bổ nhiệm làm đại diện phía Anh trong Hội đồng Anh - Mỹ - Canada, chia sẻ các thông tin bí mật hạt nhân. Với sự hỗ trợ của thành viên thứ hai là Guy Burgess, Maclean chuyển cho Liên Xô nhiều thông tin tuyệt mật về vũ khí hạt nhân, nhất là về đánh giá kho vũ khí hạt nhân của Mỹ, năng lực sản xuất và nguồn cung cấp nguyên liệu hạt nhân.
Thành viên thứ hai, Guy Burgess từng làm việc cho BBC và cơ quan tình báo Anh MI5. Khi làm việc cho MI5, Burgess đã tuồn cho Liên Xô tài liệu quan trọng về việc phát triển vũ khí hạt nhân của phương Tây. Một tài liệu quan trọng khác mà Burgess đánh cắp và chuyển cho Liên Xô là các ý tưởng thành lập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại tây dương (NATO).
Năm 1950, Burgess làm việc tại Đại sứ quán Anh ở Washington D.C., Mỹ. Năm 1951, khi Mỹ phát hiện dấu vết tình báo Liên Xô tại cơ quan này, thành viên thứ ba Kim Philby đã cảnh báo Burgess và Maclean. Hai người này sau đó biến mất. Năm 1956, hai người được công khai là đã trốn sang Moscow.
Burgess là một người đồng tính, nổi tiếng bảnh bao, quyến rũ, đồng thời cũng khó đoán và nghiện rượu nặng. Có nguồn tin cho rằng Burgess thậm chí còn từng làm đuối lòng Maclean.
Kim Philby được coi là người chuyển nhiều thông tin mật cho Liên Xô nhất trong nhóm này. Sau khi tốt nghiệp đại học, Philby có thời gian làm cho báo London Times và từng là phóng viên chiến trường. Khi Thế chiến II nổ ra, Philby trở về Anh, gia nhập cơ quan tình báo Anh và nhanh chóng thăng chức. Năm 1944 - 1946, Philby giữ cương vị trưởng phòng phụ trách phản gián chống Liên Xô trong cơ quan tình báo Anh. Philby tiếp cận với nhiều tài liệu tối mật như kế hoạch quân sự trong Thế chiến II.
Năm 1949, Philby được bổ nhiệm làm đại diện đối tác Anh tại Washington D.C, trong hợp tác tình báo Anh - Mỹ. Trong ba năm ở vị trí này, Philby được tiếp cận vô số tài liệu của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và Cục Điều tra Liên bang (FBI). Philby cũng trực tiếp tham gia kế hoạch Verona Project của Mỹ nhằm phá mật mã liên lạc của Liên Xô. Philby đã báo cho Moscow những gì Mỹ nắm được về mạng lưới tình báo Liên Xô.
Năm 1962, vỏ bọc của Philby bắt đầu bị lộ. Năm 1963, ông chạy trốn sang Liên Xô.
Theo ISM, Philby là một người hào hoa, hòa nhã, dễ thích nghi với hoàn cảnh, không cầu kỳ, luôn là ẩn số mà phái nữ muốn khám phá. Ông này trải qua 4 lần kết hôn và có nhiều người tình. Philby thậm chí còn ngoại tình với vợ của Maclean là Melinda. Hai người này sống cùng nhau ba năm trước khi Melinda quay lại với chồng cũ.
Anthony Blunt tuy không phải là điệp viên tích cực nhất trong nhóm về mặt tuồn bí mật nhưng lại là người nỗ lực giúp tình báo Liên Xô tiếp cận và tuyển mộ điệp viên ở Cambridge. Blunt cung cấp cho Liên Xô tên của các đối tượng tiềm năng nhất..
Blunt có bằng cấp cao về lịch sử và lịch sử mỹ thuật. Trong Thế chiến II, Blunt cũng làm việc cho tình báo Anh và chuyển cho Liên Xô thông tin về vị trí của quân Anh cũng như báo cáo phản gián của MI5. Blunt còn cung cấp cho Moscow thông tin liên quan đến việc Anh cố gắng giải mã thông tin tình báo Đức.
Sau Thế chiến II, Blunt cố xây dựng uy tín học thuật và thậm chí còn được phong tước Hiệp sĩ. Blunt bị tố cáo là điệp viên năm 1964. Năm 1979, dưới thời thủ tướng Margaret Thatcher, thông tin Blunt là điệp viên cho Liên Xô được công khai, Blunt bị tước danh hiệu hiệp sĩ cùng các danh hiệu học thuật khác. Ông này là thành viên duy nhất vẫn ở lại Anh sau khi bị lộ thân phận. Blunt sống thu mình cho đến khi qua đời vì đau tim.
Blunt được mô tả là cao, duyên dáng, kiêu ngạo và cũng là người đồng tính. Có nguồn tin cho rằng Burgess và Blunt từng là cặp đồng tính luyến ái say đắm, tuy nhiên Blunt phủ nhận điều này. Ông nói rằng tuy cả hai đều là người đồng tính và từng sống chung nhà nhưng họ chỉ là bạn.
John Cairncross năm 1951 thừa nhận là điệp viên và vào năm 1990, ông được tin là thành viên thứ 5 của nhóm Cambridge. Cairncross từng làm việc tại Bletchley Park, trung tâm giải mật mã của Anh, và MI6. Trong thời gian ở Bletchley Park, Cairncross được cho là đã chuyển tài liệu bí mật sang cho Liên Xô qua các kênh bí mật. Với cảnh báo của Cairncross, Liên Xô đã thay đổi tất cả mật mã dùng trong ngoại giao, quân sự và tình báo trước khi Thế chiến II kết thúc.
Cairncross cũng được cho là người tiết lộ thông tin về các chương trình vũ khí hạt nhân của Anh và Mỹ. Các nhà phân tích đánh giá Liên Xô đã tiết kiệm được ít nhất ba năm và nhiều triệu USD cho chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của mình nhờ thông tin mà nhóm Cambridge chuyển cho.
Sau khi thông tin cho rằng ông là thành viên thứ 5 được nhiều người khẳng định, trong đó có cả cựu điệp viên KGB, Cairncross thu mình về miền Nam nước Pháp và sống ở đây cho đến năm 1995, khi ông về Anh kết hôn. Cuối năm đó, ông qua đời vì đột quỵ.
Với bê bối do nhóm Cambridge tạo ra, cơ quan tình báo và phản gián hai nước Anh và Mỹ đã đổ lỗi cho nhau về việc thẩm tra và bổ nhiệm đối tác phối hợp chiến dịch tình báo. Cả hai nước cùng tiến hành các đợt rà soát quan chức chính phủ để tránh những điệp viên tương tự. Tình báo Anh - Mỹ gần một thập kỷ sau đó rất hạn chế trao đổi thông tin.
Minh Châu