Nhóm người này rời khỏi nhà máy gang thép Azovstal nhờ một lệnh ngừng bắn giữa lực lượng Nga và Ukraine tại thành phố cảng Mariupol. Theo đại úy Svyatoslav Palamar, tiểu đoàn phó Tiểu đoàn Azov của Ukraine, thời gian ngừng bắn được thống nhất vào lúc 6h ngày 30/4.
"Đây là sự thật. Cả hai bên đều tuân thủ lệnh ngừng bắn", ông cho biết. "Chúng tôi chờ đoàn xe sơ tán từ 6h, nhưng đến 18h25 đoàn xe mới đến nơi".
Đại úy Palamar cho hay 20 dân thường, trong đó có phụ nữ và trẻ em, đã được binh sĩ Tiểu đoàn Azov đưa từ dưới hầm ngầm đến điểm tập kết theo kế hoạch. "Chúng tôi hy vọng họ có thể đến được Zaporizhzhia, khu vực do lực lượng Ukraine kiểm soát", chỉ huy này nói.
Theo hãng thông tấn TASS của Nga, nhóm dân thường được đưa khỏi Azovstal có 25 người, trong đó có 6 trẻ em dưới 14 tuổi.
Chiến dịch sơ tán dân thường ở nhà máy Azovstal vẫn tiếp tục diễn ra. "Chúng tôi hy vọng quá trình này được kéo dài và có thể giải cứu toàn bộ dân thường", Palamar nói, đồng thời đề nghị phía Nga chấp nhận thảo luận thêm về khả năng sơ tán quân nhân Ukraine bị thương.
Sau gần hai tháng bao vây, lực lượng Nga đã kiểm soát hầu hết thành phố Mariupol, đông nam Ukraine, chỉ còn cứ điểm kháng cự cuối cùng của Tiểu đoàn Azov tại nhà máy. Giới chức Ukraine ước tính khoảng 1.000 dân thường kẹt lại trong nhà máy Azovstal.
Nhà máy Azovstal sở hữu hệ thống hầm ngầm kiên cố chằng chịt, khiến nó được ví như một "pháo đài ngầm" ở Mariupol. Lực lượng Nga đã liên tục oanh kích mục tiêu này nhưng không khuất phục được các tay súng Tiểu đoàn Azov cố thủ bên dưới.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuần trước yêu cầu quân đội Nga không tấn công vào nhà máy nhằm tránh hao phí lực lượng, chuyển sang chiến thuật bao vây để "một con ruồi cũng không thể chui lọt". Tuy nhiên, các lực lượng Nga tuần này đã nối lại không kích và tổ chức vài đợt tiến công vào bên trong nhà máy.
Lực lượng Ukraine cố thủ ở Azovstal hôm 27/4 cáo buộc Nga bắn trúng một bệnh viện dã chiến trong nhà máy, khiến số người bị thương tăng đến mức báo động. Dân thường trú ẩn trong hầm ngầm dưới nhà máy đối diện tình trạng thiếu nhu yếu phẩm, trang thiết bị y tế và lương thực nghiêm trọng.
Trong khi đó, Denis Pushilin, lãnh đạo chính quyền ly khai ở Donetsk, chỉ trích các lực lượng Ukraine cố thủ trong nhà máy "hành xử như khủng bố" và giữ dân thường làm con tin.
Thanh Danh (Theo CNN, AFP)