Nhìn bạn bè, anh chị đi ra nước ngoài du học, nó thầm ước ao cũng một lần được như thế, được đi, được trải nghiệm và được học hỏi. Nhưng nó là con nhỏ được sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo của miền sông nước. Tuổi thơ của nó là chuỗi ngày dài của sự lao động không mệt mỏi đề tìm cái ăn, cái mặc và phải quần quật từng ngày. Nó ước mơ được một ngày nào đó lên Sài Gòn học. Nhưng tất cả chỉ là sự xa vời và khó thực hiện với nó quá. Và với nó, chuyện được ra nước ngoài học lại càng quá xa vời.
Ngày trúng tuyển vào đại học, nó mỉm cười và xách ba lô lên đi, tạm biệt những gì thân quen. Ngày nó nhận giấy báo đỗ đại học, nhà nó không ai vui, không khen hay động viên nó như bao đứa khác, thay vào đó là những giọt nước mắt cố giấu của mẹ, những lời bàn bạc của ba “nghèo thế này tiền đâu mà cho con đi học”. Ngày nhập học, mẹ nó gom góp vay mượn cho nó chút ít tiền để đóng học phí. Khi quen với cuộc sống ở Sài Gòn, nó lao vào đi dạy thêm như một kẻ chăm chỉ để có tiền chi tiêu và đóng học phí.
Nó tất bật với cái nghề mà người ta gọi đó là gia sư. Xôi ngọt là món ăn qua ngày của nó. Ấy vậy mà nó vẫn khỏe, vẫn hết sức dẻo dai và không hề biết ngán. Có lần bạn hỏi nó sao ăn xôi hoài vậy? Nó ừ hử "thì là món khoái khẩu của tao". Và nó biết nếu học tốt, nó sẽ xin được học bổng và có cơ hội ra nước ngoài học mà không phải tốn tiền. Nghe như rất đơn giản, nhưng ai cũng phì cười khi nghe nó nói.
Ngày lại ngày trôi, nó vẫn nung nấu giấc mơ và từng ngày phấn đấu. Nó âm thầm làm hồ sơ xin học bổng, nó mày mò viết đi viết lại cái đơn, nó viết bằng cả sự chân tình và là những dòng rất thật. Nó nộp hồ sơ đi và không mong mỏi gì nhiều, bởi nó mơ nhưng chưa một lần dám nghĩ ước mơ ấy thành sự thật. Một ngày, nó đang hối hả đạp xe đi dạy dưới cái nắng như đỗ lửa của Sài Gòn thì chuông điện thoại reo, nó mở lên nghe, thấy một số lạ, bên kia đầu dây thông báo nó đủ điều kiện nhận học bổng. Nó nghe xong mà mừng rơi nước mắt. Nó muốn nhảy đẩy lên, muốn hét thật to để xé tan những âm ỉ trong lòng bấy lâu. Nó muốn gọi ngay cho mẹ, nhưng mà nó chợt nghĩ, mẹ cũng không ủng hộ nó đâu.
Nó cố đấu tranh tư tưởng và gọi cho mẹ. Nó nghe tiếng thở dài của ba, nghe tiếng rên rỉ của ông. Ông nó đang ốm nặng. Nó rất thương yêu ông. Khi nó còn nhỏ, ông từng ngày cõng nó đi học qua những chiếc cầu khỉ nhỏ bé để đến lớp. Ông hiền từ và luôn cưng chiều nó, dù cả đời ông cũng vất vả, nghèo khó, nhưng vẫn sống rất nhân từ. Ông chính là tấm gương để nó học hỏi và noi theo.
Nó được hẹn lịch phỏng vấn. Ngày nó đi gần kề, nhưng bệnh của ông không khỏi, càng nặng thêm. Nó về bên cạnh ông, ông nắm lấy tay nó, bảo “Con cứ đi học, ông tin con sẽ làm được, hãy cố gắng thực hiện ước mơ của mình, con nhé. Ông sẽ khỏe mau thôi”. Nó nhìn dáng ông gầy đi, giọng nói thều thào, nó khóc. Ông bảo thỏ thẻ bên tai nó “Sao lại khóc, con phải mạnh mẽ lên, cuộc sống một mình xứ lạ, không tiền, không người thân, con phải bản lĩnh mới được”. Nó càng khóc to hơn. Nhưng có lẽ nó phải đi, bao nhiêu là phấn đấu của nó. Ông mỉm cười yếu ớt và xoa đầu nó “chúc cháu của ông sẽ thành công”. Nó gượng cười bảo “ông phải chờ cháu, cháu sẽ mang thành tích về khoe với ông”.
Chào ông, nó đi trong một ngày mưa tầm tả, đường lầy lội. Ký ức về những ngày bé thơ cùng ông cứ hiện về trong nó. Nó thương ông, nhưng không thể ở bên cạnh ông lúc này. Nó tự hứa với lòng rằng một ngày nào đó sẽ mang về cho ông những niềm vui, lẫn tự hào về nó.
Chuyến bay cất cánh, sau hơn hai ngày, nó cũng đặt chân xuống đất Anh, một vùng đất hoàn toàn xa lạ với nó. Nó được bố trí ở trong ký túc xá của trường. Những ngày đầu xa xứ, nó không thể nào ngủ được. Nó luôn nghĩ về khoảng cách quá xa, về ông đang bệnh, về ba mẹ đang từng ngày dãi nắng dầm mưa với đám ruộng, đám mía sau nhà. Nó khóc như một đứa trẻ phải xa ba mẹ. Rồi nó lao đầu vào học như một đứa đói chữ, chỉ là để nén đi những tâm trạng dằn xé trong lòng nó.
Một ngày cuối tuần, trời đổ mưa, lòng nó buồn rười rượi. Nó nghe đâu đó giọng nói của ông “ông nhớ con lắm”. Nhìn những cơn mưa bay ngoài cửa sổ, khiến lòng nó thêm nhớ nhà, nhớ ông và nó cảm thấy cô lạnh, lọt thỏm dưới một không gian rộng lớn bao trùm.
Nó gọi về cho mẹ, mẹ mừng rỡ vì nói ông muốn gặp con. Mẹ đưa điện thoại, nó nghe giọng ông thoi thóp, dặn nó phải giữ sức khỏe, phải ăn uống đàng hoàng, phải cố gắng thật nhiều và ông luôn yêu thương nó. Rồi nó không nghe ông nói gì nữa, nó cố gắng alô thật to, nhưng vẫn không nghe thấy ông nói nữa.
Mẹ giật lấy điện thoại bảo ông mệt, mà nghe giọng có gì đó khàn khàn, như là đang khóc. Nó gặng hỏi, mẹ mới không cầm lòng được và khóc òa bảo "Ông đi rồi". Cõi lòng nó tan nát, làm sao có thể về bên ông lúc này. Nó không có tiền bạc nhiều, nhà cũng không có khá giả. Nó không được nhìn mặt ông lần cuối, không được kể cho ông nghe cuộc sống bên này như thế nào. Nó gào khóc như một đứa trẻ.
Và nó như con thuyền viễn xứ đang trôi lênh đênh giữa những bến bờ xa lạ. Giờ đây, nó mới hiểu cuộc sống tha phương luôn khiến con người ta hoài nhớ cố hương da diết và đau khổ nhất là khi muốn neo mà không thể cập bến cần dừng.
Lê Thị Kim Ngân
Cuộc thi "Tình người xa xứ" diễn ra từ ngày 11/5 đến 8/6/2015 với giải thưởng cao nhất trị giá 20 triệu đồng. Cuộc thi được tổ chức nhân dịp sắp ra mắt bộ phim "Quyên", dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ.
Bộ phim tái hiện những cuộc đời người Việt lang bạt nơi đất khách, với những cuộc tình giằng co giữa toan tính, thù hận, những trận thanh toán đẫm máu giữa các băng nhóm thấm đỏ tuyết trắng những ngày đông. Phim sẽ được phát hành tại các rạp trên toàn quốc vào ngày 19/6.
Xem thể lệ và giải thưởng cuộc thi. Gửi bài dự thi tại đây. Gửi ý kiến về cuộc thi: nguoivietvnexpress@gmail.com