![]() |
Chợ Tết. Ảnh: Nguyễn Gia Lợi. |
Vậy là lại sắp đến Tết rồi, cái Tết thứ tư con xa nhà. Chắc ở nhà đang nhộn nhịp sắm sửa cho Tết lắm rồi mẹ nhỉ? Con nhớ lắm cái không khí Tết ở nhà.
Con nhớ, ngày 23 tháng Chạp, bố mẹ thường mua về những chú cá chép nhỏ xinh, thả vào trong chậu đầy nước, và được đặt trang trọng trên ban thờ. Rồi cả những áo, những quần, tiền, vàng,… đều làm bằng giấy đủ màu sắc, cũng được sắm sửa nhiều hơn. Rồi sau bữa cúng tiễn đưa ông Công ông Táo, mẹ lại đốt hết những đồ vàng mã kia, chính thức tiễn đưa các ông về chầu trời. Một năm cũ đã qua đi, các ông Táo chắc có nhiều chuyện để báo cáo lắm mẹ nhỉ? Vì năm nào với nhà mình cũng nhiều ý nghĩa, và nhiều điều đáng nhớ mà.
Con nhớ những buổi cùng mẹ đi sắm Tết. Ôi, chợ Tết, con nhớ cái cảnh người người chen nhau vào chợ, rồi cảnh mua sắm, cảnh những thứ đồ Tết xanh đỏ được bày bán rộn ràng… Và chợ cũng thật đông những đứa trẻ con như con. Cái hồi đó, cả năm chỉ mong đến Tết để được mẹ dẫn đi chợ Tết, để được mua quần áo mới, mua nhiều đồ ăn ngon…Đứa trẻ nào cũng háo hức, cũng thích thú mà mắt tròn mắt dẹt với những gian hàng Tết. Người ta bán bao nhiêu là đồ, bao nhiêu là thứ ngon. Bên kia là dãy hàng kẹo. Bên này là dãy hàng hoa. Góc kia là hàng mía tím, rồi cả những dãy đồ dành riêng cho Tết…Cả buổi cứ chỉ chỏ đòi mẹ mua hết cái này đến cái kia. Có được rồi thì cười hoan hỉ. Con nhớ quá đi. Con thèm lại được mẹ dắt tay đi chợ Tết. Mà không, để con dắt tay mẹ, mẹ nhé!
Con nhớ cái buổi cả nhà quây quần ở nhà ông ngoại để gói bánh chưng. Lạt tre đã được ông chuẩn bị từ hôm trước. Cả lá dong cũng đã được ông chuẩn bị sẵn sàng. Con thường được giao nhiệm vụ rửa lá bánh. Ngồi trau truốt từng chiếc lá một, gột đi từng lớp bụi một, nhưng con chẳng mệt đâu, mà còn thích thú ấy chứ. Chẳng biết chính xác là thích vì cái gì. Nhưng có lẽ, là do Tết sắp về chăng? Rồi lúc bà với mẹ gói bánh, con lăn lê bên cạnh, để được ngắm đôi bàn tay khéo léo của bà, của mẹ đang đong từng bát gạo, từng thìa đỗ, và từng thớ thịt dài. Cả nhà râm ran đủ thứ chuyện, những câu chuyện của ngày cuối năm. Con sẽ hét lên sung sướng khi mẹ gói cho ba chị em con những chiếc bánh chưng dài và nhỏ xíu. Niềm vui đúng là của trẻ con mà. Chả thế mà khi bánh đã chín, mấy chị em lại được mẹ làm thêm cái quai đeo trước ngực, cứ thế mà chạy chơi khắp xóm. Lúc đó, mẹ vẫn thường phải gọi với lại, “khéo kẻo ngã đấy”. Giờ thì con vẫn ngã vì đường trơn, vì tuyết, mà chẳng được nghe câu nhắc của mẹ. Nhưng mẹ yên tâm, con sẽ không khóc lên như hồi bé nữa đâu, mà con sẽ đứng dậy và đi tiếp. Vì con đã lớn rồi mà.
Con nhớ những buổi dọn dẹp nhà cửa cuối năm. Năm cũ qua đi, năm mới đang về, ai cũng muốn cho nhà mình thật tươm tất để đón cái Tết đang đến. Con thường giành lau hết mấy cái lan can cầu thang từ tầng thượng cho đến tầng trệt, rồi lau bàn, lau tủ. Còn mẹ và các chị thì lau cầu thang, lau sàn nhà, sắp xếp, trang trí nhà cửa…Mỗi người một việc nên chẳng mấy mà nhà ta đã sạch sẽ tinh tươm. Nhà đã được dọn sạch sẽ, tức là nhà mình đã chuẩn bị đón Tết rồi. Buổi chiều, bố sẽ đi chọn những cây đào, cây quất thật đẹp, đem về nhà, đặt nơi góc bàn. Và con lại cùng các chị trang trí cho chúng những bóng bay, những bao lì xì đỏ thắm.
Đào và quất là hai thứ cây luôn có trong nhà mình mỗi ngày Tết đến. Năm nay lạnh thế, không biết nhà mình có sắm được một cành đào không hả mẹ? Chắc là hiếm lắm nhỉ? Bên này bọn con cũng sẽ có cành đào mẹ à. Nhưng…là cành đào giả. Bọn con thường ra dọc bờ sông Volga, tìm cho mình một cành mơ đẹp, rồi đem về mà gắn hoa đào giả. Tuy là giả, nhưng bọn con cũng háo hức lắm, cũng cảm thấy bớt nhớ cái Tết ở Việt Nam phần nào. Nhưng giả sẽ mãi là giả, chẳng thể thay thế được hoa đào thật ở nhà. Con thèm được ngắm cành đào Tết quá mẹ à!
Con nhớ mỗi đêm giao thừa, bố lại là người xông đất cho cả nhà mình. Bố thường đi trực đêm 30 Tết, rồi đúng 12h đêm, bố lại trở về nhà và nhấc mâm cơm tất niên, cúng gia tiên, rồi cả nhà ngồi ăn uống. Thật ấm cúng làm sao! Cả nhà vừa ăn, vừa xem cầu truyền hình từ khắp mọi miền trên đất nước, và cả từ nước ngoài nữa. Mà không khéo, mấy năm sau, bố mẹ xem cầu truyền hình lại thấy con đang đón Tết ở bên này nhỉ? Không biết lúc ấy cảm xúc của bố mẹ, của con sẽ thế nào nhỉ? Chắc mẹ sẽ lại khóc vì nhớ con. Còn bố thì lại trầm ngâm nhìn con đã trưởng thành như thế nào. Và con cũng sẽ cười thật tươi, để bố mẹ biết rằng, ở bên này, con vẫn ổn lắm, bố mẹ yên tâm nhé!
Sau bữa tất niên, bố sẽ mừng tuổi cho ba chị em con. Tiền mừng tuổi càng ngày càng nhiều theo mỗi năm chúng con lớn lên. Dù lớn rồi, nhưng mỗi năm đều mong được bố mừng tuổi. Vẫn cái cảm giác háo hức như hồi còn bé xíu. Bây giờ, ở nhà chỉ còn có bố mẹ, các chị đều có gia đình riêng cả rồi, chắc giao thừa bố mẹ buồn lắm nhỉ? Chắc cũng thèm cái cảm giác cả nhà ấm cúng ăn mâm cơm tất nhiên như con. Bao giờ cả nhà mình mới lại được cùng nhau ăn bữa cơm ấy bố mẹ nhỉ?
Con nhớ những ngày Tết: mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy. Mồng một, khi còn bé bé con con, khi mà nhà mình còn ở quê, con thường mặc quần áo thật đẹp, rồi một mình chạy sang nhà ông ngoại, mà xông đất, mà khoanh tay chúc tất cả mọi người, từ ông bà, cậu mợ, đến các em. Ngộ nghĩnh lắm ấy. Rồi lại thích thú nhận tiền mừng tuổi của ông bà, cậu mợ. Những lúc ấy thì cười híp mắt vào thôi. Rồi đi chúc Tết các cô, các chú, các dì họ hàng nữa. Đến đâu là cũng được ăn bao nhiêu là đồ ngon. Mà cứ đến nhà ai, mọi người đều nhấc mâm cơm, và nồng nhiệt mời khách ở lại ăn bữa cơm đầu năm mới cùng gia chủ. Có lẽ đấy đã thành một tập tục quen thuộc của mỗi gia đình khi khách đến nhà ngày đầu năm.
Rồi những ngày tiếp theo, con cùng đám bạn đi chơi thầy cô, đến thăm nhà bạn bè chúc tết. Và mỗi lần như thế, mẹ lại nhắc đi nhắc lại phải cẩn thận, và phải về sớm. Và con cũng chưa lần nào làm bố mẹ phải lo lắng, phải buồn phiền những ngày đầu năm. Vì con biết, bố mẹ luôn lo lắng cho con, cho các chị, và con biết, bố mẹ yêu chúng con nhiều như thế nào. Nên sẽ chẳng bao giờ con để cho bố mẹ buồn đâu, con hứa đấy.
Ở bên này, ngày Tết của mình thường rơi đúng những ngày nghỉ đông nên bọn con cũng có thời gian để chuẩn bị một cái Tết thật tươm tất. Cũng sẽ có cành đào, sẽ có bánh chưng, sẽ có cả giò chả…Nhưng nỗi niềm thương nhớ về một cái Tết ngày xưa ấy sẽ luôn ở trong tim bọn con. Bọn con sẽ luôn ngóng chờ, luôn háo hức được đón cái Tết ấy cùng bố mẹ và các anh chị. Mọi người ở nhà cũng yên tâm nhé, bọn con sẽ hoàn thành tốt việc học tập, và sẽ trở về sớm thôi.
Con yêu bố mẹ nhiều!
Nguyễn Hiền
Mời độc giả gửi bài dự thi viết về cảm xúc Tết ở đây.
Vietnam Airlines hân hạnh tài trợ cuộc thi 'Xuân Quê hương'. Xem thể lệ cuộc thi 'Xuân quê hương' tại đây.