Dẫu biết sinh, lão, bệnh, tử là quy luật của đất trời nhưng sao tôi vẫn sợ, sợ cái ngày nội sẽ xa tôi mãi và tôi không còn được nhìn thấy nội bằng xương bằng thịt nữa. Nhiều đêm tôi hoảng hốt tỉnh dậy vì mơ thấy cảnh nội qua đời. Tôi kể ngay với nội, nhưng nội cười bảo “Mơ như thế là điềm lành con ạ. Đừng có mà nghĩ ngợi nhiều, nội còn sống đến chín mươi cơ”. Tôi lại sà vào lòng nội như một đứa cháu trai chưa bao giờ chịu lớn.
Tôi lớn lên đã thấy nội già. Tôi càng trưởng thành bao nhiêu thì nội lại càng già yếu bấy nhiêu. Tôi cầm tay nội khi nội còn phải cúi người, mà giờ đây tôi đã cao hơn nội nhiều lắm rồi. Nội không đẹp, cũng chẳng giàu, nhưng ai cũng yêu quý vì nội không bao giờ ghét ai. Một người nông dân nghèo, cả đời cơ cực, từng phải đi vay thóc với lãi “cắt cổ” từ chính những người trong làng để nuôi con. Thế nhưng bây giờ nội vẫn cảm ơn và tôn trọng những người “thừa nước đục thả câu” đó. Nội bảo “Chuyện xưa là của ngày xưa, người ta sống với hiện tại chứ ai hơi đâu mà sống với quá khứ. Mình đi vay thóc, vay gạo thì con mình cũng ăn hết rồi, người ta lấy lãi gấp đôi, gấp ba để mình tiếp tục phải đi vay người ta thì bao nhiêu năm qua người ta cũng ăn hết rồi”.
Tôi học được từ nội biết bao bài học đạo đức. Ngày tôi còn nhỏ lắm, nội đã hướng dẫn tôi cách xúc gạo cho người ăn xin. Nội lại còn nói kèm “Ăn mày là ai, ăn mày là ta, đói cơm rách áo hóa ra ăn mày”. Thấy cảnh đánh cãi chửi nhau, nội ra hòa giải. Thấy người ta ngồi khóc, nội ra hỏi han an ủi. Nội đã nuôi dưỡng trong tôi tình đồng loại bằng chính những hành động của mình. Từ bé đến lớn tôi không bao giờ bắt nạt những người yếu đuối hơn mình, vì tôi là cháu của nội, mà cháu của nội sẽ không bao giờ đi đánh người khác.
Tôi không biết mình đã viết bao nhiêu bài văn về nội trong môn tập làm văn, chỉ biết rằng lần nào tôi cũng đọc cho nội và lần nào nội cũng cười. Tôi lớn lên trong những nụ cười của nội và tất nhiên cũng có cả những giọt nước mắt. Nội không bao giờ đánh đòn tôi vì nội bảo, đó không phải là cách dạy cháu của nội. Nhiều lần tôi cãi lời nội, nội chỉ khóc chứ không mắng. Sau đó tôi nhận ra những giọt nước mắt ấy rơi vì tình yêu thương nội dành cho tôi không gì có thể cân đong đo đếm được.
Nội lại còn giúp tôi học dẫu nội chẳng phải là người hay chữ. Chính nội là người đã nuôi dưỡng tình yêu văn chương và lịch sử trong tôi. Thú thực, tôi chưa bao giờ yêu lịch sử qua những trang sách giáo khoa. Tôi yêu lịch sử vì những câu chuyện của nội. Nội chẳng nói cho tôi ngày, cũng không kể cho tôi tháng, nhưng với tôi, nội là một cuốn sách về lịch sử. Nội kể về Thánh Gióng, Lý Công Uẩn, Nguyễn Trãi đến Võ Nguyên Giáp, Hồ Chí Minh gần gũi như thể kể về một người thân của gia đình. Nội kể về những năm chiến tranh, tháng ngày bao cấp đến nỗi tôi phải rơm rớm nước mắt mà tự hỏi sao thời đấy khó khăn, khổ cực như thế mà những người nông dân vẫn có thể vượt qua được.
Đến đây, con không thể viết được nữa vì ký ức tuổi thơ trong con ùa về cùng hình ảnh của nội. Tuổi thơ của con không thể thiếu nội và nếu có chiếc vé để quay về những năm tháng ấy, nhất định con sẽ mua hai vé để đi cùng với nội. Con nhớ lắm những lần nội thơm vào má con để thưởng cho chiếc phiếu bé ngoan hình con gà, con vịt hay những điểm 10 đầu tiên. Những nụ hôn thơm mùi trầu của nội là món quà tinh thần để con không ngừng cố gắng.
Con còn nhớ những lần vết mổ của nội đau như thắt lại vì trái gió trở trời. Tay của nội cứng lại vì đau, con cầm tay nội và nguyện cầu sự đau đớn mà nội phải chịu đựng sẽ nhanh chóng qua đi. Hồi đó, con chỉ có thể cầm tay nội mà chẳng thể làm gì. Nội thì khác, những lần con ốm, nội đứng ngồi không yên, chốc chốc lại vào sờ chán con, mà lúc đó con cũng không biết nội sờ để làm gì.
Nội vẫn hay bảo con rằng “Thằng này chỉ được cái hay nhắc về tuổi thơ”. Nội ơi, tuổi thơ sẽ là hành trang vững chắc nhất, bền bỉ nhất để con bước vào đời. Tuổi thơ cũng sẽ là chỗ dựa, là điểm đến cho những phút yếu mềm của con. Trong cuộc sống xô bồ ngoài kia, những ký ức tuổi thơ với biết bao câu chuyện của nội còn giúp tấm lòng con thêm cởi mở và nhân ái. Tuổi thơ của con, con tự hào vì có nội.
Lê Quang Đức