Đoàn văn nghệ Lạc Việt của chúng tôi. Ảnh do tác giả cung cấp. |
Những người xa quê luôn bị day dứt nhớ nhung cái Tết quê hương, như ông bạn nhà thơ Đạt Nhân của tôi viết:
Ai về đất Việt cho ta hỏi
Có rượu nào khuây nỗi nhớ nhà?!
Thật là tội nghiệp cho chúng tôi vào những ngày Tết xa quê. Đâu được đi chợ hoa cuối năm như chợ hoa Nguyễn Huệ… Nhớ cái Tết ở Montreal, Canada, sau khi cúng Giao thừa xong, chúng tôi đi chùa Quan Âm để xin phép quý thầy thắp hương lạy Phật, thì thấy nhiều người xin hái lộc, nhưng trời lạnh đến âm -30 độ thì có cây nào còn lộc đâu mà hái! Đến nỗi các thầy phải "tạo lộc" cho cây bằng cách đi mua hoa, trái ny lông về cột vào các nhánh cây trước chùa cứ như là hoa thiệt.
Các thầy làm đẹp quá nên ai cũng muốn đến " ngắm lộc" mà chụp hình chứ hết dám đòi hái lộc. Mà cho dù có là hoa thật, tôi cũng chẳng bao giờ đành lòng ngắt hái… vì tôi nghĩ cây nó cũng như người, cũng muốn sống đầy đủ tay chân, chứ đâu muốn sống què quặt, đau đớn…Vậy mà con người ở những vùng không lạnh lắm, thì cứ đến Tết là ào vào chùa mà "hái lộc" để cầu may cho cả năm, thế là cứ tha hồ bẻ hoa, ngắt lá… cho đến khi mọi người hả hê ra về thì cây chỉ còn tiêu điều, xác xơ… thấy mà thương quá đi thôi! Cái tâm Phật ở đâu hỡi người?! Có lẽ tôi suy nghĩ hơi khác mọi người, đành vậy.
Gửi bài dự thi "Xuân Quê hương" của bạn |
Ngày Tết ở đâu, gia đình tôi cũng giữ đúng phong tục Việt Nam, ráng giữ kỹ cái "nếp nhà" cho con cháu khỏi bị lai căn, mất gốc. Trong tháng chạp là má con tôi, con trai Thái Hoà cùng tôi lo sửa soạn vẽ lại các bức tranh dân gian bằng thuỷ mặc để treo tường mừng Xuân, bàn thờ sạch sẽ và đầy đủ hoa quả và bánh mứt Huế, năm nào không lạnh lắm thì cũng có cành mai vàng hay trắng, đỏ hồng. Luôn có nồi bánh chưng, bánh tét tự nấu mà Thái Hoà luôn vừa canh nồi bánh, vừa hát Trịnh Công Sơn cho đỡ lạnh.
Những năm ở Pháp trong vùng Bourgone, gần chùa Ngàn Phật Tây Tạng (Temple de Mille Bouddhas), ngôi chùa lớn nhất nước Pháp. Ngày Lễ, Tết chúng tôi hay đến thắp hương, có hôm thấy các thầy Tây Tạng và Âu châu tập trung về làm lễ, múa hát rất đông vui, đã lôi cuốn được rất nhiều Phật tử thanh thiếu niên Âu, Á sinh viên, học sinh đến sinh hoạt rất đông. Họ có nhiều khu nhà quanh chùa làm phòng khách cho các em đến ở trọ mùa an cư và sinh hoạt. Cứ nhìn những cảnh sinh hoạt này thì rõ ràng là Phật giáo ở châu Âu, nhất là ở Pháp ngày càng phát triển vững mạnh và vui vẻ, hồn nhiên…
Biểu diễn văn nghệ Tết
Ở Canada thì Tết khá lạnh nên gia đình chúng tôi thường tổ chức Văn nghệ Tết niên cho các chùa do Đoàn Văn nghệ Lạc Việt của sinh viên học sinh Canada và Việt Nam do hai con tôi Thái Hoà và Thiên Nga tổ chức trình diễn văn nghệ dân tộc Việt Nam. Có năm các bà má Việt Nam đòi nghe Cải lương vì bao nhiêu năm xa nhà, nhớ quá. Thế là Thái Hoà phải chuyển sang vọng cổ với tiếng đàn bầu của Thiên Nga, bài "Xuân đất khách", khi đến những câu:
Đàn chim vỗ cánh bay mau
Trời ủ dột như nỗi sầu lữ thứ,
Tôi muốn mượn cánh chim gửi về đất mẹ
Những tâm sự buồn của một kẻ lìa quê…
Khán giả trẻ thì vỗ tay la lớn "Đã quá…", còn các bà Má thì lại sụt sùi, lau nước mắt mà cứ kêu là lâu quá mới được nghe 6 câu Vọng cổ…chịu hết nỗi vì nhớ nhà quá cỡ ! Khán giả Tây thì hơi ngạc nhiên sao các bà mẹ Việt Nam lại khóc rưng rức thế… Nên chương trình chúng tôi phải chuyển qua các tiết mục dân tộc vui hơn một chút do các em sinh viên học sinh diễn và Thái Hoà lại phải cùng cô bạn sinh viên Canada Maria ra sân khấu với các bài " Lý cây bông", "Lý ngựa ô", "Lý quạ kêu".
Dù tiếng Việt của Maria còn hơi Tây nhưng khi kêu lên các tiếng "Quạ, Quạ." Để đệm cho Thái Hoà thì khán giả vỗ tay cười vui và ủng hộ hết mình, nhất là khi bài Trống cơm kết thúc với các điệp khúc: "Ố, Ố, Ố mấy giăng tơ…Giăng tơ ố mấy đi tìm, em nhớ thương ai"… thì cái hơi "opéra" của Maria cứ cao vút lên làm khán giả quá sửng sốt, đã đứng bật lên mà vỗ tay hào hứng khen Maria trong chiếc áo tứ thân đã sống động thật sự với dân ca Việt Nam…
Và đúng là cả hội trường đã vui như ngày Tết Việt Nam trên xứ người. Khi ra về, mọi người cứ tóm lấy chúng tôi mà cám ơn rối rít làm mình cũng vui lây trong không khí văn nghệ dân tộc mà tạm quên nhớ nhung đôi chút một cái Tết xa nhà.
Trần Tuyết Hoa