Mặc dù chưa già, nhưng chẳng hiểu sao tôi lại rất hay tưởng tượng về những chuyện hồi bé xíu. Nhớ nhà, nhớ bố mẹ. Hồi mới đi học tôi cũng nhớ, nhưng dạo gần đây mới nhớ đến da diết như thế này. Tôi hay đọc lại những mẩu chuyện từ hồi còn học cấp một, nào "Dế mèn phiêu lưu ký", nào "Tôi đi học", "Truyện cổ tích". Một đứa con gái lớn đùng cả ngày chủ nhật nằm ở phòng đọc truyện trẻ con. Cũng thấy kỳ kỳ!
Ở cái tuổi ẩm ương, nửa trưởng thành, nửa vẫn còn vương vấn trẻ con này, nhiều khi tôi thấy mơ hồ đến kỳ lạ. Tôi nhớ tuổi thơ quay quắt. Nhớ nhà, nhớ bố mẹ, nhớ thung lũng nhỏ mà ở đó, có gia đình của tôi. Tôi nhớ những sáng tinh sương dậy đi học, sương mù còn trắng đường, đạp xe đến trường mà chỏm tóc ướt ướt sương... Tôi nhớ những chiều chờ bố đi làm về, chỉ cần nghe tiếng máy xe là hai chị em tôi có thể đoán được có phải xe bố hay không. Mùi mồ hôi trên vai áo bố hắc hắc mà thơm thơm.
Tôi nhớ nhà những ngày mùa vụ, cả xóm đổi công nhau thay phiên từng nhà một. Mặc dù lớn tướng rồi nhưng được bố mẹ chiều nên tôi chỉ phải ở nhà lo cơm nước thôi. Màu lúa mới gặt vàng ruộm, những gốc lúa cắt ngang thơm ngái ngái, rơm vừa tuốt xong thì thơm nồng. Mùa lúa chín trùng với mùa vải. Con bé sợ thợ gặt sẽ ăn hết cây vải nhà mình nên cả buổi chiều ra gốc trông cây vải. Ngộ nghĩnh đến buồn cười.
Hồi ở nhà, thứ 7 trăng sáng vằng vặc là trẻ con trong ngõ hò nhau tụ tập ra đường chơi. Còn bé chẳng sợ gì đâu nhé, cứ những cây nhãn cây vải là leo lên trốn tìm, có lần đốt lửa trại ngay dưới cột điện bị ông trưởng thôn đuổi, mấy anh em về nhà lo nơm nớp sẽ bị đánh đòn.
Tôi nhớ con mèo màu đen tuyền, ngày bé hai chị em vẫn ẵm bế, quấn vào chăn cho ngủ cùng rồi giả vờ làm em bé. Con mèo ở với nhà tôi được đúng 11 năm thì chết vì bệnh già. Ngày mẹ chôn nó ngoài gốc khế tôi không ở nhà, chỉ thấy mẹ miêu tả mắt nó thương lắm. Tôi òa khóc. Con mèo gắn liền với tuổi thơ của chị em tôi.
Hồi còn bé xíu, cứ buổi sáng là bố pha nước đường chanh rồi cho vào mấy chai nhựa, nắp kín lại dòng dây thả xuống giếng. Trưa hè đi làm về là cả nhà có ngay chai nước mát lạnh ngọt lịm. Lớn hơn một tý thì nhà có tủ lạnh, biết mấy anh em thích kem, mẹ hay pha sữa cho vào mấy túi nhỏ rồi để ngăn đá. Làm cho bọn tôi thế thôi, chứ mẹ không thích đồ lạnh. Ăn kem Tràng Tiền mà lại cho vào cốc chờ nguội rồi mới ăn. Bố với ba anh em cứ cười ngặt nghẽo mãi.
Nhà tôi có mấy mẫu ruộng, không nhiều nhưng cũng đủ ăn cho cả gia đình, không phải mua thêm thóc gạo ở ngoài. Tuy là thứ hai nhưng em gái tôi đi học nội trú từ khi lên cấp một. Vậy nên nghiễm nhiên ở nhà tôi thành nhỏ nhất. Tôi chưa phải ra ruộng đi cấy đi gặt hay chăn trâu cắt cỏ như mấy đứa bạn bằng tuổi. Bố chiều riết thành quen nên hồi đi học chuyên nghiệp lớn thế rồi, có khi về nhà tôi vẫn cứ nhõng nhẽo "Bố làm luôn hộ con đi". Tôi biết đâu bố đã vất vả vì chúng tôi nhiều lắm. Tôi biết đâu từ hồi tôi đi học, bố mẹ phải làm việc vất vả hơn để lo cho tôi bằng bạn bằng bè. Tôi cứ vô tư như thế suốt mấy năm học xa nhà...
Năm tôi tốt nghiệp cũng là lúc em gái út bắt đầu năm học đại học đầu tiên. Trong thời gian chờ xin việc gần nhà tôi xin vào làm cho một công ty dưới Hà Nội. Tôi hào hứng tuyên bố: "Con lớn rồi" và vênh vang từ chối khoản trợ cấp hàng tháng từ bố mẹ. Bố mẹ lo cho em, tôi tự lo được cho chính mình. Đi làm rồi tôi mới biết, hóa ra kiếm được đồng tiền khó như thế, hóa ra có quá nhiều thứ phải chi tiêu và tính toán với đồng lương hàng tháng của mình. Hóa ra tóc bố tôi bạc nhiều lắm rồi, và khóe mắt mẹ tôi đã hằn nhiều vết chân chim từ khi nào. Hóa ra, tôi vô tâm lâu đến thế...
Người ta bảo khi nhiều tuổi mới cảm thấy mông lung và mơ hồ nhớ về tuổi trẻ. Mà sao tôi mới ngoài 20 thôi mà cũng đã thấy mông lung thế. Chắc những người "già" nhớ về tuổi trẻ, còn tôi trẻ nên tôi nhớ về tuổi thơ. Tuổi thơ tôi may mắn có bố, có mẹ, có gia đình đầy ắp tiếng cười. Tạm xa một thời gian nữa thôi. Tôi sẽ trở về nơi ấy. Nhất định!
Trần Thị Thảo
Từ ngày 13/7 đến ngày 9/8, Báo điện tử VnExpress phối hợp cùng Công ty TNHH Đầu tư Phúc Khang Sen Việt L.A tổ chức cuộc thi "Trở về quê hương". Bài dự thi là những chia sẻ về cảm xúc, ký ức, kỷ niệm ngọt ngào về quê hương. Cuối chương trình, ban tổ chức sẽ chọn ra 4 giải thưởng chung cuộc: một giải nhất (20 triệu đồng), một giải nhì (10 triệu đồng), một giải ba (5 triệu đồng) và một giải trị giá 5 triệu đồng do chính độc giả bình chọn. Độc giả gửi bài dự thi tại đây.