Có người bạn hỏi tôi, biết làm sao để vượt qua những đau thương, biến cố trong cuộc đời này. Tôi nói chỉ cần có một nơi để thực sự quay về và yên ổn, một nơi để chữa lành vết thương, xoa dịu trái tim bằng những kỷ niệm, nơi chốn, con người thật đẹp, để rồi khi rời đi, sẽ lại thấy bình yên như chưa từng đau, tâm hồn an nhiên, tĩnh lặng.
Với tôi, những ngày quay trở lại căn nhà phố núi có ông bà ngoại ở đó, luôn khiến lòng tôi lắng lại, bình yên tạm quên đi mình, an ổn dưỡng thương, yên vui như đứa trẻ...
Tôi nhớ những buổi sáng, ông vẫn hay có thói quen dậy sớm từ 5h, cho lũ chim bồ câu, chim sẻ, cho lũ sóc, lũ gà, lũ thỏ ăn no nê, rồi vào bếp nấu bún thịt bằm cho tôi ăn. Nấu xong, giọng ông từ dưới bếp vọng lên: “Gái ơi dậy ăn sáng đi con” lần nào cũng khiến tôi xúc động, lần nào cũng khiến tôi ân hận tại sao không ráng dậy sớm nấu cho ông. Bởi cứ mỗi lần về lại căn nhà này, nằm trên chiếc giường quen thuộc vương mùi dầu gió của bà, giữa không gian yên bình tĩnh lặng ấy, tôi lúc nào cũng ngủ say như em bé ngoan, êm đềm dịu dàng, không mộng mị, chỉ được đánh thức bởi tiếng gọi trầm ấm quen thuộc vọng lên từ dưới bếp của ông.
Tôi nhớ mỗi sáng ông hay pha một ấm chè tươi, lá chè được ông dậy sớm hái từ phía sau vườn, rửa sạch rồi pha. Bà biết tôi thích uống trà cho thêm đá và một chút đường nên lúc nào cũng pha sẵn, rồi kêu tôi “rửa bát nhanh rồi vào uống nghe con”.
Tôi nhớ cả khoảng sân rộng tinh khôi đầy hoa và tiếng chim hót ấy, cứ mỗi chiều ông lại tưới hoa và cho chim ăn, tôi cứ líu ríu chạy theo chân ông, hỏi ông hoa này là hoa gì, con chim này tên là gì mà nghe nó hót rộn ràng quá ông ơi...
Tôi nhớ cả những đêm trăng sáng, bầu trời đầy sao, tôi trải chiếu ra giữa sân, ngồi nghe bà kể chuyện, đọc thơ, kể cho bà nghe cuộc sống mệt mỏi ngoài kia từng làm tôi nghẹt thở thế nào. Lần nào bà cũng xoa đầu tôi: “Con là đứa kiên cường lắm”... Tôi còn biết làm gì ngoài rơm rớm nước mắt đâu...
Tôi nhớ ông hay hái mấy quả bưởi đào sau nhà, mang về bổ cho tôi ăn. Hồi bà còn khỏe, bà cũng hay tự tay róc mía, chẻ ra từng khúc nhỏ, bỏ vào bát để tôi ăn cho dễ. Tôi nói ông bà cứ để đó cho con, mấy việc bổ hoa quả đó với con dễ ẹc mà. Ông bà chỉ cười cười, rồi lần sau đâu lại vào đó, cứ săn sóc tôi như đứa trẻ lên ba. Thật, cứ thế này thì làm sao tôi dám lớn...
Tôi cứ thế mà nằm bệt xuống cái nền hè sạch bong mát rượi mà ngày nào bà cũng lau rửa đàng hoàng ấy, rồi nhấm nháp từng thức quà, từng món hoa quả trong đĩa mà ông bà đã chuẩn bị sẵn, vừa ăn vừa nghe bà kể chuyện. Gió ngoài hiên thì cứ mơn man. Vài cành lựu đỏ trong vườn gật gù giữa bầy chim sẻ nhỏ. Mấy con mèo lười nhác lim dim vặn vẹo hứng nắng ngoài sân. Giọng bà kể chuyện thì cứ miên man, thầm thì, êm dịu. Thế rồi cứ thế, cứ thế, tôi nhẹ nhàng chìm vào giấc ngủ bình yên. Thi thoảng tỉnh giấc hé mắt, lại thấy bà đang cầm chiếc quạt giấy nhẹ tay đưa. Hèn chi tôi cứ thấy mát dịu cả người... Bình yên ở đây chứ còn đâu nữa...
Những ngày trở về nơi chốn thân quen ấy, tôi cứ làm đứa trẻ biếng lười của ông bà, ăn, ngủ, nô đùa và trò chuyện. Ngày lại ngày êm đềm trôi qua, mọi xô bồ như được thanh lọc, tôi không còn day dứt về những được - mất của cuộc đời, không còn trăn trở về thành công hay thất bại.
Trên đời thì ra cũng có những nơi chốn và con người như vậy, chỉ cần quay về sẽ thấy lòng tĩnh lặng vẹn nguyên; chỉ cần quay về sẽ thấy hóa ra mình vẫn ở đây, kiên cường, hồn nhiên như chưa từng ngã gục...
Nguyễn Thu Thương