Sài Gòn ơi, ta nhớ lắm. Có lẽ trong chúng ta, không ai có thể nghĩ rằng biết đâu đó một mai mình sẽ đón một mùa xuân tha phương, không gia đình, không những người thương yêu bên cạnh và đặc biệt là không được nghe cái mùi "hương Tết". Bánh tét, bánh chưng, hột dưa, bánh mứt, kẹo thèo lèo, rượu trà, thịt kho dưa giá, bàn thờ gia tiên thì nghi ngút khói hương, ấm áp làm sao. Ai nấy chạy đôn chạy đáo, tất bật lo dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, sắm sửa vài chậu hoa cúc, hoa mai... Hàng xóm thì í ới gọi nhau, cười nói rôm rả, những buồn phiền, nhỏ nhen, đố kỵ, hơn thua đều được bỏ qua hết như một quy luật. Thật đúng với câu cửa miệng mà ai ai cũng biết đó là "vui như Tết".
Chỉ còn vài giờ nữa thôi là Sài Gòn sẽ trở lại là Sài Gòn của hơn hai mươi năm về trước. Không quá đông đúc, tấp nập, ồn ào. Những con đường ở Sài Thành bỗng chốc trở nên rộng thênh thang, vắng tanh lạ kỳ.
Thèm cái nắng Sài Gòn chói chang. Người miền nam Sài Gòn hiếu khách không ai bằng, mời anh, mời chị ghé nhà chơi, thiết đãi những gì ngon nhất được bày ra hết, vài câu chúc Xuân đầu năm, rồi những bao lì xì đo đỏ được trao từ lớn đến nhỏ, không thiếu một ai.
Giờ này chắc "bên đó" vui lắm rồi đây. Ngày 30 Tết, không khí mùa Xuân đã tràn về từng nhà, có ngoại ngồi canh nồi bánh tét. Ngoại nằm trong nhà đung đưa, lắc lư chiếc võng, đôi mắt nhìn xa xăm, cầu mong cho một năm mới sắp đến, con cháu, gia đình được bình an, hạnh phúc, các con thì làm ăn khấm khá. Mẹ thì sắp xếp đồ đạc chỗ này, dời qua chỗ kia, tánh mẹ là vậy, thích di chuyển đồ vật trong nhà cho nó mới mẻ. Còn "bên này", không khí Tết thì chẳng thấy đâu, nhiệt độ bên ngoài thì ôi thôi lạnh tê tái -15 độ C. Mặt đường thì trắng xóa do lạnh buốt tới xương. Freeway xa lộ thì xe cộ vẫn chạy bon bon, hối hả, cây cỏ thì tê cứng, chết khô, trơ cành. Cảnh vật thật là ảm đạm, em không thấy mùa Xuân hiện diện dù chỉ là trong khoảnh khắc. Cái lạnh vật lý và địa lý của không gian, thời gian thì sao đo được bằng cái lạnh trong tim của những con người xa xứ vì cuộc sống, vì lý tưởng, hay vì những mong ước khác nhau. Chung quy lại thì mỗi người một lý do riêng. Tuy nhiên dù khác nhau đến mấy, thì ai nấy cũng thầm mong rằng, ước gì giờ này đây ta được ngồi ở "bên đó", được "ăn Tết", được những cái bắt tay xiết chặt, được những cái ôm chầm nhung nhớ sau những tháng năm dài giờ đã được trở về.
Năm nay ngày mùng một Tết rơi vào ngày thứ 5, nên "bên này" chẳng có tổ chức lễ hội rình rang gì cả. Theo thông lệ hàng năm cứ tối giao thừa thì một số người sẽ đến nhà thờ tham dự thánh lễ giao thừa cùng cha xứ, hoặc một số khác thì đi lên chùa, cầu an cho năm mới được thuận lợi, sức khỏe, trao nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Và một số còn lại nếu không phải đi làm vào sáng sớm thứ 6 thì họ sẽ tập trung tại đại nhạc hội mùa Xuân cách trung tâm 55 phút lái xe. Xuân "bên này" đơn sơ, tẻ nhạt và lạnh lẽo. Và dù rằng những ai hiện giờ đang sống tại miền Nam California đi chăng nữa, một Sài Gòn thu nhỏ chính gốc trên nước Mỹ, thì cũng không thể có được những hương vị Tết chính thống như tại quê hương mình. Thèm làm sao những bàn tiệc với củ kiệu, dưa món, bánh tét, thèm được nghe tiếng cụng ly "dzô dzô trăm phần trăm nghen", chúc mừng năm mới. Ở đây, không có hoa mai, không có hoa đào, nên em không biết xuân về hay chưa.
Năm mới sắp đến, những lời chúc tốt đẹp nhất đều đã dành tặng cho nhau, sức khỏe, hạnh phúc, vạn sự như ý. Thôi đành chúc cho những ai xa xứ sẽ có một ngày về thật gần, rất gần cùng với gia đình, và những người ta yêu thương nhất.
Xin mượn tạm một bài hát của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng thay cho lời kết của những ai phải đón một mùa Xuân xa xứ.
Để đêm đêm nhớ về Sài Gòn
Thấy mình vừa trở lại quê hương
Những con đường thèm đôi chân vui, đã bao lâu đợi chờ
Ngoại ơi, mẹ ơi, giữ gìn sức khỏe, nhớ chờ con về nhé.
Ngày 30 Tết âm lịch năm Ất Mùi.
Một ngày mùa Đông trên xứ cờ hoa 2015.
Regina