Sáng nay, khi nhận tiền dạy thêm, cô phụ huynh đã gửi thêm cho tôi 200.000 đồng, bảo là tiền thưởng Tết. Tôi ngượng quá! Nhưng thú thật là cũng vui, vậy là thêm được 200.000 đồng để bỏ lợn. Chỉ còn 1,5 triệu đồng nữa thôi là tôi đủ tiền mua máy giặt. Tôi đã thầm hứa, Tết này mẹ sẽ có máy giặt, để không còn phải lạnh cóng mỗi khi nhúng đôi bàn tay vào trong chậu giặt. Tôi thầm hứa và dặn lòng, cố lên, cố lên!
Quê tôi là một huyện miền núi nghèo ở Nghệ An, mùa đông ở Hà Nội lạnh một, thì ở quê tôi phải lạnh gấp đôi. Miền núi thường hay có sương mù nên hơi lạnh còn kèm theo cái tê buốt, nhiều lúc muốn rụng cả khớp tay. Tôi còn nhớ có những năm hồi tôi còn nhỏ, sáng mùa đông dậy rửa mặt đi học, chậu nước để từ đêm, sáng ra màng 1 lớp băng mỏng trên mặt chậu. Ấy thế nhưng cái việc giặt giũ, phơi phóng quần áo và lau chùi nhà cửa trước Tết thì chưa năm nào mẹ quên.
Những năm khi chị em tôi còn ở nhà, cứ tầm từ sau rằm tháng chạp, mẹ lại để ý thời tiết, canh những ngày nắng đẹp để lột hết chăn màn, gối nệm ra giặt, cả những bộ quần áo dính đầy mủ cây của mấy đứa con nghịch ngộ nữa. Mùa đông giếng nhà cạn nước, mẹ và các o phải mang đồ ra cái đập trước nhà để giặt. Con đập rộng, tích nước từ trên khe núi về để tưới đồng nên nước khá trong. Sáng sáng, khi sương còn là là mặt đập, mẹ và chị em tôi đã ra để xí chỗ trước, tầm 6h, các o các bác bắt đầu kéo ra, râm ran cả một con đê. Bàn tay, đôi chân mẹ ngâm trong làn nước lạnh buốt, tay hòa xà phòng, chân dẫm chăn, tay lại nhồi, chân lại dẫm. Mẹ còn bảo chị em tôi mang cả cái chày gỗ, dài tầm 1m, để đập, giũ chăn màn cho thật sạch.
Mẹ bảo với 2 chị em, giặt quần áo không phải cứ nhiều xà phòng là sạch, cốt là ở sự chịu khó của mình, nhồi vò thật kỹ, tìm từng vết bẩn. Đó cũng là cách tiết kiệm xà phòng của con nhà nghèo nữa. Chị em tôi còn nhỏ nên vô tâm, câu được câu mất, nhưng cái dáng mẹ hì hục bên chậu chăn màn khổng lồ bên bờ đập năm nào thì tôi vẫn nhớ, nhớ rất rõ.
Tầm gần trưa, mẹ con tôi lại gồng gánh mấy chậu chăn màn về nhà, những chiếc sào tre cha tôi chặt hôm qua được lấy ra, bắc ngang cành cây hồng, cây ổi, buộc vào thân cau dọc vườn. Những tấm chăn hoa rực rỡ, chiếc màn trắng, màn xanh, chiếc đệm chần bông nặng trịch, bung ra, dăng ra khắp vườn, bay trong nắng mùa đông nhìn mới vui mắt làm sao. Mẹ tôi làm gì trong nhà thì làm, cứ chốc chốc lại chạy ra vườn, dùng cái chày gỗ đập. Mẹ bảo, thế cho mau khô, chăn màn được nắng thế này thì thơm tho lắm.
Những cái Tết sụt sùi mưa, làm mẹ tôi không giặt được chăn màn, mẹ cứ day dứt, đi ra đi vô không yên, rồi nghĩ ra cái sáng kiến giặt khô. Chăn màn đem xuống bếp những khi trông nồi cám hay nồi rượu, trong cái hơi nóng bừng bừng của căn bếp nhỏ, mẹ dăng chăn ra và dùng chày gỗ đập nhẹ, hơi nóng làm chăn thơm hơn, giũ được bụi bên ngoài. Cha tôi cười ha hả bảo, “ông trời cùng chào thua mẹ mày luôn đấy nhỉ”.
Mà chỉ đâu có chăn màn, bàn ghế, cốc chén, bát đũa, gần Tết là mẹ tôi cũng lôi ra bằng hết để tổng vệ sinh. Nhờ có mẹ, tôi biết cách lấy tro bếp đánh những vết trà, thuốc bám cặn trong cốc, lấy nước chanh rửa bát cho thơm, lấy nùi lá chuối khô đánh bàn ghế, lấy cơm mẻ đánh cái mâm đồng để làm cỗ cúng… Cứ thế, càng gần đến ngày Tết, cả nhà tôi như sáng dần lên, khắp nhà tỏa một mùi hương thơm, man mát, quyện với mùi nhang trầm, cỗ cúng, cái mùi Tết. Hương Tết ấy khiến chị em tôi dù đi đâu xa cũng chỉ muốn trở về nhà.
Tôi đi học đại học, rồi được mẹ động viên, lại học lên cao học. Dù làm thêm nhiều nhưng cũng chỉ đủ chi phí học hành ăn ở. Năm nay, quyết tâm mua cho mẹ cái máy giặt, nên tôi cố làm nhiều hơn. Giờ ngập đầy trong tâm trí tôi là hình dáng mẹ lấp ló khuất sau tấm chăn hoa, tiếng mẹ cười, mẹ nói, rồi cả bàn tay mẹ lạnh cóng từ sáng đến tối chẳng ngơi việc, những đầu ngón tay, ngón chân phỏng lạnh, phát ngứa, hơ trên bếp than hồng, vừa hơ vừa gãi vừa rên rỉ, nhói thắt trong lồng ngực tôi. Tôi thầm nhủ, cố lên một chút nữa thôi, mẹ sẽ có máy giặt mới đỡ đần những lúc con xa nhà, mẹ sẽ không còn phải ra đập giặt chăn nữa mẹ nhé, không phải vất vả nữa, con không giúp gì được cho mẹ, mẹ ơi!
Cuộc thi "Mẹ mang xuân về" do Báo điện tử VnExpress phối hợp với Công ty Unilever Việt Nam tổ chức dành cho các công dân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Bạn có thể viết về tình yêu với mẹ, ý tưởng thiết thực để cảm ơn người sinh thành... Chương trình diễn ra trong 3 tuần từ ngày 27/12/2013 đến 16/1/2014. Độc giả gửi bài tham gia tại đây. |
Thái Thị Cẩm Thi