Ở trong phòng trọ lắng nghe những giọt mưa đêm tí tách rơi, tôi cảm nhận cái lạnh ở ngoài trời đang lan khắp trên phố len lỏi vào trong phòng, tôi cảm thấy nhớ nhà và nhớ quê…
Tôi nhớ những kỷ niệm một thời xách dép lê đi chân đất bấm từng mũi chân xuống mặt đường mòn đi dưới mưa run cầm cập để trèo đèo lội suối đến trường, chẳng may trượt ngã làm hỏng cả chiếc ô che mưa. Kể cả những hôm không mưa, buổi sáng sớm đi qua những đoạn đường rậm cỏ cây hai bên đang dính bùn do trâu đi lại cọ dính vào, khi nước sương đọng trên đó làm bùn ướt trở lại. Khi người đi qua dính vào quần áo, khi xuống đến khe suối hất nước lên rửa quần áo bị ướt sũng. Đến lớp ngồi học khi ấm và khô dần làm cho quần áo bốc lên khói nghi ngút cộng với mùi ẩm tỏa ra xung quanh như đang mốc dần từng sợi chỉ.
Có lần trên đường đi học chẳng may tôi dẫm phải gai bồ quân chọc sâu vào dưới bàn chân, cành gai đã được nhổ vứt đi nhưng chẳng hiểu sao chân tôi cứ sưng vù và đau đớn mãi ảnh hưởng rất nhiều đến việc đi học hành. Những buổi trời mưa đất mềm bùn nhão khi dẫm chân xuống mặt đường đất dễ dồn ép lên chỗ vết thương cũ của chiếc gai bồ quân.
Cứ sau mỗi buổi phải đi học đường trơn như thế là coi chừng tối hôm đó tôi phải nghiến răng chịu đựng cái đau của bàn chân sưng vù nóng hừng hực như lửa. Mãi đến năm gần cuối cấp hai tôi phát hiện ở gần mắt cá chân có chỗ da lồi nhọn dần lên, mọi người đều suy đoán chẳng có nhẽ có gai chọc ra chăng. Quả thật tôi dùng kim khều thử thì đoạn ngọn gai bồ quân dài gần một cm chọc thủng ra đó. Thì ra lúc bị gai chọc do đường trơn tôi vội vàng nhổ vứt đi chứ không ngắm kỹ là nó bị gãy đoạn nào trong chân hay không nữa. Từ khi lấy được đoạn ngọn gai ra khỏi đó chân tôi mới dần dà hết đau.
Năm tháng cứ trôi đi, con đường xưa ấy vẫn thế và bây giờ hằng ngày bố mẹ tôi vẫn đi lại, từ những mớ rau rừng, gánh ngô xuống chợ rồi gói muối, cân mỡ cho đến bao đạm, bao lân vẫn cùng đôi vai gầy gò của bố mẹ đi qua con đường ấy về nhà.
Lắng nghe những giọt mưa đêm rơi tôi lại nhớ những cơn mưa ở quê, nhớ con đường quê ấy đầy ắp những kỷ niệm. Nghĩ chỉ thấy thương và thương bố mẹ nhiều lắm.
Bàn Hữu Tài