Ai cũng có những lần phải sống xa nhà, xa quê. Những lúc đi xa ấy, điều khiến tôi thấy nhớ thật nhiều chính là những bữa cơm quê.
Bữa cơm quê tôi ngày ấy không có bóng dáng sơn hào hải vị, nhưng chẳng hiểu sao vẫn thơm ngon lạ lùng. Ừ thì cũng là thịt cá, tôm tép được bày bán ở các chợ quê, cũng là tô canh với mớ rau hái vội sau vườn, nhưng mọi thứ cứ in sâu trong ký ức tuổi thơ: “Anh đi anh nhớ quê nhà. Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương”.
Mỗi người mỗi công việc với giờ giấc khác nhau, vậy mà vẫn cố gắng có mặt trong buổi cơm chiều là điều rất đáng trân trọng. Người về trước, kẻ ở nhà dằn cơn đói, ráng đợi một chút để cả gia đình có thể cầm đũa dùng cơm cùng một lúc. Có thể nói, việc đợi chờ nhau trong bữa cơm không đơn giản là chuyện ăn uống mà còn là nế nếp của mỗi gia đình, là sẻ chia những giây phút sum họp sau một ngày lao động vất vả.
Tùy theo khả năng và sức lực của mỗi người mà ai cũng có thể góp sức cho bữa cơm gia đình thêm tươm tất, trọn vẹn. Nội tôi giúp nhặt rau mỗi khi sức khỏe cho phép, chị gái giúp dọn thức ăn, mấy đứa em trai phụ dọn mâm, xếp chén… để rồi ai cũng thấy ăn ngon miệng và vui hơn khi nhận ra trong bữa cơm cũng có phần góp sức của riêng mình.
Bữa cơm gia đình giúp mỗi người thỏa mãn nhu cầu vật chất là được ăn no, ăn ngon, tái tạo sức khỏe. Từ nhỏ đến lớn, trẻ đến già, ai cũng có thể lựa chọn món ăn mình thích, hợp khẩu vị. Cùng chung một mâm cơm nhưng từng sở thích, nhu cầu của mỗi người trong gia đình luôn được má tôi lưu tâm. Tụi nhỏ thích thức ăn giòn dai trong khi người già lại ưa thức ăn mềm, nấu kỹ…
Thực đơn mỗi ngày cũng được má thay đổi liên tục tùy theo thời tiết, lẫn sở thích của từng người, đủ mọi lứa tuổi lớn, bé trong nhà. Ngày nắng có tô canh rau giúp giải nhiệt hoặc nồi canh chua ngọt cho tụi nhỏ dễ nuốt. Trời mưa thì có nồi mắm kho hoặc món khô nướng, khô chiên bên cạnh nồi cơm nóng hổi. Những hôm trái gió, trở trời trên mâm cơm thường có thêm tô cháo bóc khói, thơm lừng dành riêng cho những ai đang sụt sùi ho cảm… Và trong những bữa cơm ấy còn thể hiện nhu cầu tinh thần của mỗi người là được đáp ứng, quan tâm từ những thành viên khác. Tía má bàn tính chuyện mùa màng, lúa thóc; mấy chị em tôi giành nhau khoe thành tích thi cử, học hành ở trường ở lớp; và có cả những chuyện thời sự từ đầu trên, xóm dưới mà ai đó vừa “tám” được lúc chiều…
Bữa cơm cũng là khoảng thời gian tía má chỉ dạy cho chúng tôi phải biết học ăn học nói, học gói học mở, nhường cơm xẻ áo, kính trên - nhường dưới, ăn coi nồi, ngồi coi hướng… Nghĩa là phải biết kính trên nhường dưới, có miếng gì ngon cần chú ý để phần cho người khác, không dành lấy ăn hết. Đó là cách giáo dục thiết thực về nhân cách, về lối sống tương thân tương ái từ gia đình cho đến cộng đồng, xã hội.
Giữa bao bộn bề của cuộc sống, cho dù là những bữa ăn vội vã nơi hàng quán hoặc những buổi tiệc sang trọng khắp nơi cũng chẳng thể làm phai mờ hình ảnh thân thương, yêu dấu của những bữa cơm quê nhà, cho dù ta có xuôi ngược nơi đâu: “Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt. Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà”.
Chung Thanh Huy