Thứ bảy, 14/9/2024
Chủ nhật, 11/4/2021, 11:09 (GMT+7)

Nhịp sống ở xã đảo duy nhất của TP HCM

Xã đảo Thạnh An (Cần Giờ) cách trung tâm TP HCM hơn 70 km về phía đông, vừa được Chính phủ công nhận là xã đảo.

Đảo Thạnh An nhìn từ phía bắc, là một trong 6 xã thuộc huyện Cần Giờ, nằm cách trung tâm huyện khoảng 8 km, và cách TP HCM khoảng 46 km về phía đông nam theo đường chim bay.

Đảo được bao bọc bởi rừng phòng hộ, với diện tích rộng hơn 13.000 ha (18% diện tích Cần Giờ), có hơn 1.130 hộ với khoảng 4.500 người.

Theo UBND TP HCM, từ đặc điểm vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và hiện trạng về kinh tế - xã hội, xã đảo Thạnh An có thể xem là vùng đặc biệt khó khăn của thành phố. Xã có địa bàn trũng thấp, thường xuyên bị ngập do triều, mật độ dân cư cao với trên 5% dân cư thuộc diện hộ nghèo. Đây là nơi thường xuyên chịu nhiều thiệt hại do mưa bão, áp thấp nhiệt đới và triều cường, khó có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

Bình minh lên cũng là lúc các tàu đánh bắt thủy hải sản của người dân xã đảo ra khơi. Xã có 3 ấp: Thạnh Hòa, Thạnh Bình và Thiềng Liềng. Trong đó, ấp Thạnh Hòa và Thạnh Bình cùng nằm trên đảo Thạnh An, còn ấp Thiềng Liềng nằm trên đảo riêng biệt.

Từ bến tàu Cần Giờ sang xã đảo Thanh An chưa có tàu cao tốc, hiện tại người dân muốn ra đảo phải dùng tàu đánh cá.

Vào dịp cuối tuần rất nhiều du khách từ trung tâm Sài Gòn và Cần Giờ ra đảo tham quan. Một ngày có 5 - 7 chuyến tàu chở người qua lại giữa thị trấn Cần Thạnh (Cần Giờ) và xã đảo Thạnh An, mỗi chuyến mất khoảng 30 phút, giá vé 15.000 đồng một người.

Do ảnh hưởng của Covid-19, người dân từ đất liền ra đảo làm việc, thăm người thân hoặc vui chơi, đều phải khai báo y tế và đo thân nhiệt sau khi tàu cập bến ở xã đảo.

Gần trung tâm xã đảo, người dân thường bắt đầu họp chợ hàng ngày từ 5h đến 9h, để phục vụ nhu cầu mua sắm, ăn uống của cộng đồng địa phương.

"Xã đảo ngày càng phát triển, nhiều công trình mới được xây dựng như: trường học, trạm y tế, đường sá, các thiết bị tập thể dục được lắp đặt góp phần nâng cao sức khỏe của người dân", bà Lê Thị Hoàng Loan (58 tuổi, ấp Thạnh Bình, áo bông trắng) nói.

Từ năm học 2018-2019, học sinh THPT tại xã đảo Thạnh An không phải đi đò sang huyện Cần Giờ để học vì địa phương đã nâng cấp trường Thạnh An thành 2 cấp THCS - THPT.

"Lúc trước em phải dậy từ 5h, đi đò vào Cần Thạnh (Cần Giờ). Giờ có trường mới em chỉ mất 5 phút đi xe đạp từ nhà đến trường", Vy (phải), học sinh lớp 12 cho biết.

Người dân trên đảo chủ yếu sinh sống bằng nghề đánh bắt hải sản, nuôi tôm cá và làm muối.

Hơn 30 năm gắn bó với nghề đánh cá, bà Bạch Thị Tèo (ấp Thạnh Hòa, xã đảo Thạnh An) cho biết: "Mấy năm gần đây nguồn hải sản ít, lúc trước nhà tôi đánh bắt ngày kiếm cả triệu đồng, giờ còn vài trăm, có khi đi cả ngày không có cá lỗ tiền xăng dầu".

Ngoài việc đánh bắt thủy hải sản, người dân xã đảo còn nuôi hàu. Nghề này bắt đầu trên đảo trong 6 năm gần đây, là trong những mô hình kinh tế giúp bà con giảm nghèo.

Từ năm 2015, khi lưới điện quốc gia được kéo đến, xã đảo Thạnh An đã có hệ thống chiếu sáng công cộng, giúp người dân đi lại trong đêm dễ dàng. Phương tiện dùng trên đảo chủ yếu là xe đạp.

Xã đảo về khuya yên tĩnh, một số người dân vẫn thức, bán thức ăn đêm cho các ngư dân để kiếm thêm thu nhập.

Hữu Khoa