Nằm giữa hạ lưu ba con sông Gò Gia, Cái Mép và Thị Vải, cù lao Gò Gia có diện tích 3.398 ha. Mảnh đất như hình "cái chân bò" là nơi chồng lấn trên bản đồ hành chính của TP HCM và Đồng Nai từ những năm 1980, dẫn đến "tranh chấp" dai dẳng.
Hơn 30 năm sống ở cù lao, ông Nguyễn Văn Hoàng, 55 tuổi, tường tận từng ngóc ngách của vùng đất này. Ông kể, hàng chục năm trước nơi đây chỉ là một gò đất nổi giữa sông trước khi chính quyền triển khai trồng rừng. Khi đó, bố mẹ, anh, chị của ông là những người cắm những mầm cây đước đầu tiên xuống đất ngập mặn như cấy lúa và được trả công bằng gạo, mì khô.
Sau hàng chục năm, những mầm đước vươn mình, bao phủ từng mét đất cù lao. Giữa những bộ rể cây um tùm, cao qua đầu người là căn nhà lợp bằng lá dừa, nơi vợ chồng ông Hoàng tá túc. Người đàn ông với mái tóc lấm tấm sợi bạc cho biết, năm 2012, sau nhiều năm sống lênh đênh trên các con sông quanh cù lao, vợ chồng ông đã lên mỏm đất của cù lao để cất nhà. Hàng ngày, ông lái vỏ lãi rong ruổi nhiều nơi để đóng đáy bắt tôm, cá kiếm sống, có hôm kiếm được vài trăm nghìn đồng.
Điều kiện trên cù lao thiếu thốn, không điện, không nước ngọt nên hai người con trai và con gái của ông phải chuyển lên bờ sống, còn vợ chồng ông vẫn bám trụ vì "ở riết quen". Nước ngọt ông phải mua, có khi 200.000 đồng một khối. Điện từ tấm pin mặt trời tích trữ nhưng ông chỉ đủ xem tivi hai tiếng vào buổi tối và chạy máy quạt nhỏ để đuổi muỗi. "Sống ở đây không làm giàu được, chỉ đủ ăn qua ngày, nhưng chúng tôi cảm thấy thoải mái", ông Hoàng nói.
Cách nhà ông Hoàng một quãng sông gần 2 km, anh Đỗ Tuấn Thành, 41 tuổi, cùng vợ sống trên bè gỗ rộng chừng 20 m2. Là người coi sóc rừng, 5h mỗi ngày, anh chạy ghe hơn chục hải lý quanh cù lao để ngăn những trường hợp phá rừng. Anh kể, nhiều năm trước nhiều người thường xuôi theo các dòng sông chặt cây đước về làm than, nhà cửa nhưng đến nay đã giảm bớt rất nhiều.
Xong việc giữ rừng, người đàn ông với nước da rám nắng rắn rỏi men theo vùng nước nông đặt lú bắt tôm, cá cho bữa ăn, phần dư thì bán cho những người đi ghe vãng lai. Trong căn nhà, đồ dùng quan trọng nhất với anh là chiếc loa chạy bằng điện ắc quy để nghe nhạc cho khuây khỏa vào mỗi tối. Những món đồ dùng thiết yếu còn lại, anh phải lái ghe vào đất liền hơn 30 phút mới có thể mua được.
Những lúc bị bệnh vặt, vợ chồng anh thường tự chữa trị bằng những bài thuốc có sẵn từ khu rừng. "Khi bị đau bụng, nhức người, tôi chỉ cần bẻ một vài đọt cây bần, cây mắm giã nát hòa với nước muối uống là hết", anh Thành nói.
Để hai con gái 9 tuổi và 4 tuổi không phải chịu cảnh sống lênh đênh như mình, vợ chồng anh phải gửi ở nhà chị ruột ở xã Phước An, huyện Nhơn Trạch cho đi học. "Cuối tuần, gia đình tôi lại đoàn tụ. Nhà tôi đúng nghĩa nửa Sài Gòn, nửa Đồng Nai như cù lao này vậy", anh ví von.
Theo ông Nguyễn Giang Nam, Trưởng trạm kiểm lâm Gò Gia, ông Hoàng và anh Thành là hai người giữ rừng nằm trong Tiểu khu 23, thuộc Khu dự trữ sinh quyền Cần Giờ, mỗi tháng hơn 4 triệu đồng. Ngoài cây đước, vùng đất này còn có hệ sinh thái khá phong phú với hàng chục loại cây khác nhau có tác dụng các bệnh như lở loét, đau xương khớp, dạ dày.
"Tại vùng đầm lầy còn có con vật quý hiếm như rái cá, kỳ đà. Do đó, chúng tôi phải giữ rừng để chúng sinh sống, cũng là lá phổi xanh của thành phố", ông Nam nói.
Gần nửa thế kỷ, tỉnh Đồng Nai cho rằng cù lao này thuộc ấp Bà Trường, xã Phước An, huyện Nhơn Trạch do thuộc huyện Duyên Hải. Nhưng từ 12/1978, huyện Duyên Hải (nay là huyện Cần Giờ) của Đồng Nai sát nhập vào TP HCM. Vì vậy, chính quyền TP HCM khẳng định vùng đất này nằm trong xã Thạnh An.
Đến ngày 5/12/2019, Chính phủ quyết định cù lao Gò Gia thuộc xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP HCM. Từ đó, UBND thành phố gửi hồ sơ đề nghị Trung ương công nhận Thạnh An là xã đảo. Mới đây, ngày 1/4, Thủ tướng đã ký quyết định công nhận Thạnh An là xã đảo, có hiệu lực từ đầu tháng 7 năm nay.
Chủ tịch xã Thạnh An Nguyễn Văn Hiếu cho biết, cù lao Gò Gia có 107 hộ dân với hơn 200 người sinh sống, chiếm khoảng 5% dân số của toàn xã. Trong đó dân TP HCM có 10 hộ, dân Đồng Nai có 38 hộ (sinh sống từ 1982) và 59 hộ từ nơi khác đến. Ngoài một số hộ giữ rừng, các gia đình hầu hết sống trên các nhà bè lênh đênh theo dòng nước để mưu sinh bằng nghề nuôi hàu, cá hoặc kéo lưới đánh bắt tôm, cua, ghẹ. Do có địa hình trũng thấp, hơn 4.500 người ở xã thường xuyên chịu nhiều thiệt hại do triều cường, mưa bão, áp thấp nhiệt đới.
"Điều kiện sống của họ thiếu thốn, toàn xã có đến 30% hộ dân nghèo và cận nghèo. Hy vọng sau khi được Chính phủ công nhận xã đảo, cùng với những cơ chế hỗ trợ, cuộc sống của người dân sẽ ổn định hơn", ông Hiếu nói.
Đình Văn - Phước Tuấn