Thứ tư, 25/12/2024
Thứ bảy, 17/12/2016, 09:43 (GMT+7)

Nhịp đập thời trang 1960 đầy cảm xúc trong 'La La Land'

Váy ngắn trên gối và sắc màu sinh động tái hiện khát vọng tự do ăn vận của tuổi trẻ.

La La Land đang là bộ phim tình cảm chiếm được cảm tình của khán giả lẫn giới phê bình quốc tế. Sức hút ở đứa con tinh thần của đạo diễn Damien Chazelle không chỉ đến từ cốt truyện, diễn xuất mà còn từ dấu ấn thời trang những năm 1960. Phụ trách trang phục cho tác phẩm điện ảnh là nhà thiết kế Mary Zophres -  người từng đảm nhận công việc này trong No Country for Old Men, Interstellar... 

Để tái hiện phong cách thập niên 1960, Zophres cho biết bà đã phải xem lại hàng loạt bộ phim nổi tiếng gồm The Bandwagon (1953), Singin 'in the Rain (1952), Romeo and Juliet của Baz Luhrmann (1996), Strictly Ballroom (1993), Boogie Nights (1997) và Catch Me If You Can (2002) để lấy cảm hứng. Ngay đoạn mở đầu, La La Land gây choáng ngợp với hình ảnh những thanh niên trong thành phố Los Angeles tranh thủ nhảy múa trên nóc ô tô lúc tắc đường. Êkíp sản xuất chia sẻ có 40 vũ công tham gia phân cảnh này. Tất cả đều mặc trang phục màu sắc sinh động như cam, xanh dương, đỏ, xanh lá... thể hiện hoài bão, ước mơ, khát vọng sống tự do, thoát khỏi mọi ràng buộc của tuổi trẻ. Đây cũng là tinh thần chủ đạo của thời trang thập niên 1960. 

Hai nhân vật chính là Sebastian (Ryan Gosling) và Mia (Emma Stone). Mia là diễn viên trên đường tìm kiếm vai diễn đầu đời, làm thêm tại quán cafe. Phong cách thời trang của cô được lấy cảm hứng từ những huyền thoại như Julie Christie, Ingrid Bergman, Grace Kelly, Katharine Hepburn. Trong một cảnh phim, Mia sau khi từ bỏ công việc pha chế cafe lang thang trên phố với chiếc quần kaki đen ống côn cùng sơ mi trắng. Mary Zophres cho biết chiếc quần của Mia được tạo nên từ kiểu quần của Audrey Hepburn trong Funny Face

Câu chuyện sắc màu trong phim không đơn giản là thời trang mà còn thể hiện chuỗi cảm xúc của nhân vật. Trong suốt bộ phim, Mia hầu hết mặc đầm mini thắt eo dáng chữ A cổ điển và kín đáo. Đây là một trong những kiểu váy nổi bật nhất thập niên 1960. Những chiếc đầm mini đã tạo ra cuộc cách mạng, phản ánh quan niệm về một cuộc sống khoáng đạt hơn, khẳng định nữ quyền bằng cách giải phóng đôi chân phái đẹp. Ở hầu hết cảnh mô tả tâm trạng tươi vui của nhân vật, nhà thiết kế cho họ ăn vận những bộ váy màu sặc sỡ.

Ấn tượng nhất trong phim là bộ váy vàng in hoa khi Mia khiêu vũ với Sebastian.

Bộ váy này được Mary Zophres lấy cảm hứng từ chính thiết kế của Versace mà Emma Stone mặc trên thảm đỏ ra mắt The Amazing Spider-Man 2 năm 2014. Trong La La Land, ở phân cảnh Mia khiêu vũ với váy vàng, lúc đầu, cô mang đôi sandals xanh dương. Sau đó, Mia thay giày brogue đen trắng giống Sebastian rồi họ cùng nhảy múa. Điều này mang ý nghĩa: dù chưa chính thức nói lời yêu nhưng trong thâm tâm, hai kẻ khờ mộng mơ đã là một cặp, đã thuộc về nhau.

Brogue bắt nguồn từ ngôn ngữ Bắc Đức (Old Norse), có nghĩa là bao phủ chân. Ban đầu, chúng là những đôi giày dành cho đàn ông lao động tại Scotland và Ireland ở thế kỷ 19. Chất liệu da đen, được đục lỗ ở một số chi tiết nhằm giúp cho nước thoát ra ngoài khi làm việc tại những khu vực lầy lội. Đến đầu thế kỷ 20, các thiết kế đục lỗ trên brogue đã truyền cảm hứng cho thời trang, đặc biệt được ứng dụng vào phong cách menswear của phụ nữ hiện đại thập niên 1960. Giờ đây, giày brogue được coi là tuyên ngôn thời trang của hình mẫu sang trọng, thanh lịch và tinh tế.

Sebastian đi kiểu giày này ở nhiều phân cảnh trong La La Land. Là một nghệ sĩ piano đam mê nhạc Jazz, Sebastian gắn chặt với áo sơ mi, quần âu cùng đôi giày brogue cổ điển. Mary Zophres nói: "Một người nghệ sĩ mê Jazz thì không đời nào lại mặc áo phông với quần jeans được".

Chiếc váy xanh ngọc lục bảo kèm dây chuyền mặt đá cùng tông Mia mặc trong lần đầu hẹn hò với người yêu cho thấy vẻ kiêu sa, quyến rũ và coi trọng mối quan hệ này.

Trong những ngày tháng hò hẹn, Sebastian đôi khi còn diện những bộ suit may đo thanh lịch, kiểu dáng truyền thống, cà vạt màu vàng nhạt đặc trưng của những năm 1960. Còn Mia tiếp tục trung thành với váy thắt eo chữ A trẻ trung đầy chất thị thành.

Mia còn diện váy mini dáng suông (shift dress) cũng được coi là biểu tượng kinh điển của giai đoạn này. Kiểu váy này gắn liền với hình ảnh những cô búp bê mặc váy suông ngắn, tóc vàng và đi bốt cao cổ hay giày Mary Jane. Được đánh giá là trang phục vượt lên rào cản của những khuôn khổ cũ kỹ, váy suông hội tụ nét thanh lịch kiểu cách của những cô nàng quý tộc, vừa hiện đại trẻ trung mà không hề phô trương. 

Khi những mộng mơ đã đi qua, những ngày tháng sôi động của tuổi trẻ đã khép lại, sắc màu trên trang phục cũng bắt đầu chuyển từ những gam màu nóng bỏng sang trầm và tối. Trong bộ váy đen ôm dáng đơn giản, Mia đã trở thành một phụ nữ trưởng thành, thay vì một cô gái hoạt bát ngày nào. Dẫu cái nắm tay với Sebastian đi trên phố chỉ là mơ, đạo diễn và nhà thiết kế vẫn chọn cho Mia một chiếc váy đen nhuốm một nỗi buồn tiếc nuối như chính hiện thực.

Ngoài những trang phục của hai nhân vật chính, ban nhạc của Sebastian trong phim diện cũng những bộ cánh đặc trưng của thời kỳ đó với suit, motor jacket (trái) hay mũ nồi.

Bữa tiệc thập niên 1960 được tái hiện rõ nét trong một cảnh quay ở bể bơi.

Sao Mai