![]() |
Máy bay Mỹ dội bom Libya năm 1986. |
Khu nhà ở của nhà lãnh đạo Libya, đại tá Muamar Gaddafi, trở thành mục tiêu trực tiếp bị máy bay Mỹ tấn công trong vụ đột kích mang mật danh El Dorado Canyon. Cô con gái nuôi của ông còn rất nhỏ là Hanna Gaddafi bị thiệt mạng. Ngoài ra còn có hơn 100 dân thường Libya bị bom và tên lửa Mỹ giết chết.
Tổng thống Mỹ lúc đó là Ronald Reagan biện minh cho hành động tấn công bằng cách cáo buộc Libya chịu trách nhiệm trực tiếp vào các hành động khủng bố nhằm vào Mỹ, bao gồm vụ đánh bom sàn nhảy La Belle ở Tây Berlin 10 ngày trước đó làm hơn 200 người bị thương. Đây là nơi thường xuyên lui tới của binh sĩ Mỹ và có 63 quân nhân nước này là nạn nhân trong vụ đánh bom.
Trong bài phát biểu tại Nhà Trắng hai giờ sau vụ không kích, ông Reagan tuyên bố: "Khi công dân của chúng ta bị tấn công hoặc bị sỉ nhục ở bất cứ đâu trên thế giới theo những mệnh lệnh trực tiếp của các chế độ thù địch, chúng ta sẽ lập tức đáp trả chừng nào mà tôi còn ở trong văn phòng này".
![]() |
Tổng thống Reagan (trái) nghe thuyết trình về vụ đột kích Libya. |
Tổng thống Reagan cho rằng, Mỹ đang áp dụng quyền tự vệ đã được vạch rõ trong Điều 51 của Hiến chương Liên Hợp Quốc. Còn phát ngôn viên tổng thống Larry Speakes tuyên bố: "Quân đội Mỹ thực hiện các vụ không kích được lên kế hoạch tỉ mỉ nhằm vào những mục tiêu khủng bố tại Libya. Mọi nỗ lực đều được thi hành để tránh bắn vào mục tiêu dân sự".
Vụ không kích Libya diễn ra ngay sau khi lực lượng phòng không Libya phát hiện ra lưu lượng trao đổi bằng mật mã giữa các tàu chiến và máy bay Mỹ gia tăng ở ngoài khơi. Các chiến đấu cơ xuất kích từ hai tàu sân bay ở Địa Trung Hải The America và The Coral Sea cùng các căn cứ Lakenheath, Mildenhall và Fairford tại Anh. Hai loại máy bay có khả năng tấn công chính xác vào ban đêm được huy động là A-6 của hải quân và F-111 của không quân. Ngoài ra còn có gần 100 chiếc máy bay có nhiệm vụ hỗ trợ như máy bay tiếp dầu KC-10 và KC-135.
Mục tiêu của máy bay Mỹ gồm một học viện hải quân, sân bay quân sự Tripoli, các doanh trại quân đội ở Aziziyah, căn cứ quân sự Side Bilal và các cơ sở ở Benghazi. Nhưng khu vực tập trung sứ quán nước ngoài và vùng dân cư ở thành phố Tripoli cũng chịu thiệt hại nặng nề. Bệnh viện trung tâm Tripoli và hai trung tâm y tế địa phương cho biết, họ đã điều trị cho hàng trăm người bị thương vì bom, trong đó có một số nạn nhân quốc tịch Hy Lạp, Italy và Nam Tư.
![]() |
Khu vực dân sự ở Libya bị trúng bom Mỹ. |
Vụ đột kích ngày 15/4/1986 diễn ra chóng vánh chỉ trong chưa đầy 12 phút nhưng đã có khoảng 60 tấn bom đạn được thả xuống Libya. Lực lượng phòng không Libya bị bất ngờ và trong suốt thời gian bị Mỹ oanh tạc, không có máy bay chiến đấu nào của nước này xuất kích. Kết thúc chiến dịch Mỹ chỉ mất một chiếc F-111.
Ngay sau khi trận oanh tạc bất ngờ, hàng nghìn người Libya sống sót đã tức giận xuống đường hô vang khẩu hiệu: "Đả đảo Mỹ. Hãy giết chết tất cả bọn Mỹ đi". Cùng lúc đó, xứ sở sương mù cũng lo ngại có thể trở thành mục tiêu của các hành động tấn công trả đũa, vì Anh ít nhiều có liên quan đến vụ đột kích của Mỹ. Nhóm chiến binh có trụ sở tại Syria là Arab Revolutionary Cells sau đó công bố trên đài phát thanh Libăng rằng, họ sẽ tấn công các mục tiêu của cả Mỹ lẫn Anh.
Trận không kích do Mỹ tiến hành năm 1986 là đỉnh cao trong mối quan hệ đối đầu giữa Washington và Libya. Căng thẳng song phương dâng cao sau vụ một chiếc máy bay chở khách của hãng TWA bị cướp tại Beirut tháng 7/1985. Trước đó, Mỹ và Libya cũng từng đụng độ quân sự vào năm 1981, khi đại tá Gaddafi cho tấn công cuộc tập trận mang tính khiêu khích của hải quân Mỹ ở Vịnh Sidra.
Đình Chính (theo Global Security, BBC)