Ông Tào Hữu Phùng: "Có thể áp dụng các biện pháp hành chính, kỹ thuật khác, không nhất thiết phải đánh thuế". |
Ông Nguyễn Thành Lập, Phó đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu TP HCM cho biết, cử tri có 2 ý kiến khác nhau. Một nhóm cho rằng, xe máy là phương tiện đi lại phổ biến, không thể coi là hàng xa xỉ để đánh thuế. Còn ùn tắc giao thông là lỗi của cả xe máy lẫn ôtô và cơ sở hạ tầng yếu kém. Nhóm còn lại cho rằng cần đánh thuế để hạn chế xe máy lưu thông, đồng thời giúp tăng thu ngân sách. “Tôi ủng hộ đánh thuế, nhưng chỉ với loại cao cấp 25 triệu đồng như tờ trình của Chính phủ” - ông Lập nói.
Một số đại biểu Quốc hội lại có ý kiến, đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đồng hạng 30% với xe 25 triệu đồng trở lên là quá nặng. Như lời bà Nguyễn Thị Hằng Nga, người dân ai cũng muốn mua xe bền, tốt, sử dụng an toàn. Loại này nằm trong nhóm mà Chính phủ dự kiến đánh thuế. Vì vậy để đảm bảo quyền lợi cho số đông dân cư, bà đề nghị chỉ áp dụng mức thuế 25%.
Ngược lại những ý kiến trên, nhiều đại biểu Hà Nội cho rằng, không nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xe máy. Bởi để hạn chế ùn tắc, tai nạn giao thông ở các thành phố lớn thì còn có những biện pháp khác hiệu quả hơn. Như quy định phải có hộ khẩu và chưa đứng tên sở hữu xe thì mới cho đăng ký, áp dụng mức lệ phí đăng ký xe ở Hà Nội và TP HCM cao hơn nhiều lần so với địa phương khác. “Đánh thuế với xe 25 triệu đồng trở lên sẽ không hiệu quả. Bởi xe lưu hành phổ biến dưới mức giá này”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hoàng Văn Nghiên nói.
Về vấn đề này, ông Tào Hữu Phùng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế ngân sách của Quốc hội, cho biết nhìn chung Ủy ban không ủng hộ việc đưa xe máy vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Bởi lý do mà Chính phủ đưa ra là tăng thuế, hạn chế xe lưu hành để chống ùn tắc thiếu thuyết phục. Cũng vì vậy, khi thẩm tra tờ trình trước đây của Chính phủ là đánh thuế ngay với xe giá hơn 15 triệu đồng, Ủy ban Kinh tế ngân sách đã yêu cầu sửa lại theo hướng thu hẹp đối tượng chịu thuế, chỉ với xe giá 25 triệu đồng trở lên.
Đề xuất của Chính phủ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp với doanh nghiệp trong nước và áp dụng mức chung với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhận được sự ủng hộ của hầu hết đại biểu. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng mức 28% vẫn còn cao, và nên hạ xuống 25% (mức hiện hành với doanh nghiệp nước ngoài). Bà Nguyễn Kim Thoa cho biết, Hiệp hội Công thương TP HCM đã nhiều lần lấy ý kiến doanh nghiệp về vấn đề này, và đề nghị giảm hơn nữa để khuyến khích đầu tư, phát triển sản xuất. “Thu nhập của doanh nghiệp hầu hết được sử dụng để tái đầu tư. Vì vậy, giảm thuế đồng nghĩa với nuôi dưỡng nguồn thu, và như vậy có thể tăng thu. Thu ngân sách những năm qua tăng rất tốt dù Nhà nước liên tục giảm thuế” - bà Thoa nói. Đại biểu Đặng Ngọc Tùng cũng chung ý kiến này, vì giảm thuế cho doanh nghiệp đồng nghĩa thu nhập của người dân được cải thiện.
Một số đại biểu nêu ý kiến của các công ty sản xuất ôtô rằng mức thuế tiêu thụ đặc biệt dự kiến 80% với xe 5 chỗ ngồi trở xuống là quá nặng và doanh nghiệp có thể “sập tiệm”. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng, không thể tiếp tục chạy theo những lời kêu ca này. “Chính phủ đã có nhiều ưu đãi về thuế nhưng đã 10 năm rồi mà tỷ lệ nội địa hóa mới đạt 8%, có nơi còn thấp hơn. Doanh nghiệp lắp ráp ôtô lãi rất nhiều bởi xe sản xuất trong nước nhưng bán như xe nhập khẩu” - ông Hùng nói.
Nghĩa Nhân