Việc kiểm tra này được tiến hành tại các công ty điện lực phía Nam (Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Ninh Thuận, Bình Thuận) và khu vực Tây Nguyên (Gia Lai, Đăk Nông, Đăk Lăk) thuộc các tổng công ty điện lực.
Phần lớn các vi phạm là các công ty điện lực địa phương vẫn đấu nối cho khách hàng sau thời điểm 31/12/2020 - thời hạn chót để nhà đầu tư có thể hưởng giá FIT ưu đãi 8,38 cent (1.943 đồng) một kWh, trong 20 năm. Một số công ty điện lực còn ký hợp đồng mua bán điện vượt công suất trong thoả thuận đấu nối,...
Chẳng hạn, Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai đã ký hợp đồng mua bán điện vượt công suất trong thoả thuận đấu nối, trái quy định với hệ thống điện mặt trời mái nhà của 3 chủ đầu tư là Công ty TNHH Quang Trung, Xuân Phú Đông và Cao Capital.
Còn Công ty Điện lực Bình Dương sai phạm khi thỏa thuận đấu nối vượt quá công suất theo đề nghị của khách hàng, ký hợp đồng mua bán vượt công suất trong thỏa thuận đấu nối, không đúng với công suất trong đơn đề nghị bán điện và sai lệch với biên bản nghiệm thu.
Tại các công ty điện lực khác như Bình Phước, Ninh Thuận, Bình Thuận... cũng xảy ra các vi phạm tương tự.
Ngoài ra, tại các công ty điện lực thuộc Tổng công ty Điện lực miền Trung, đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương còn phát hiện vi phạm "chưa quá tải nhưng đã thông báo quá tải, hay chốt chỉ số công tơ, đưa vào vận hành nhưng không có sản lượng phát điện trong năm 2020 và hợp đồng mua bán điện được ký trái quy định.
Với Tổng công ty Điện lực TP HCM, đoàn kiểm tra đề nghị đơn vị này rà soát toàn bộ thỏa thuận đấu nối, ký hợp đồng, phụ lục hợp đồng, áp dụng giá mua/bán điện các hệ thống điện mặt trời mái nhà.
Nhiều hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp trên mái các trang trại nông nghiệp (chăn nuôi, trồng trọt...) đã vận hành thương mại trước 1/1/2021 nhưng hồ sơ, thủ tục liên quan đất đai của các trang trại này không đầy đủ...
Bộ Công Thương yêu cầu các công ty điện lực ngoài chịu trách nhiệm về các vi phạm trên, phải rà soát lại toàn bộ quá trình phát triển các dự án, hệ thống điện mặt trời mái nhà như chấp thuận, nghiệm thu, thoả thuận đấu nối, chốt chỉ số công tơ, ký hợp đồng mua bán điện...
Bộ đồng thời yêu cầu EVN chủ trì xử lý các hệ thống điện mặt trời mái nhà, các tổ chức và cá nhân có liên quan đã vi phạm các quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà vừa qua.
Điện mặt trời mái nhà là nguồn điện phân tán, quy mô nhỏ, được tiêu thụ tại chỗ và có thời gian phát chủ yếu vào ban ngày, trong giờ cao điểm của hệ thống điện. Phát triển các hệ thống điện mặt trời mái nhà ở các khu công nghiệp, dân cư... nơi đã có sẵn cơ sở hạ tầng điện sẽ thuận tiện trong đấu nối, giảm tổn thất truyền tải, phân phối.