Bộ Công Thương vừa công bố kết luận thanh tra về tại 33 doanh nghiệp đầu mối, do Thanh tra Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường đảm trách. Quyết định thanh tra kinh doanh xăng dầu được Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đưa ra đầu năm nay, sau tình trạng thị trường thiếu nguồn cung cục bộ, cửa hàng bán lẻ tạm đóng cửa do thua lỗ kéo dài mà nguyên nhân từ việc họ bị đầu mối cắt, giảm chi phí xuống 0 đồng...
Theo kết luận thanh tra này, hầu hết doanh nghiệp đầu mối đã đáp ứng điều kiện về cầu cảng, kho và hệ thống phân phối. Các doanh nghiệp cũng đáp ứng quy định về tổng nguồn xăng dầu tối thiểu phân giao, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường, điều chỉnh giá...
Tuy nhiên, nhiều tồn tại, vi phạm trong kinh doanh xăng dầu được các đơn vị thanh tra của Bộ Công Thương chỉ ra. Chẳng hạn, doanh nghiệp đầu mối thuê kho chứa chưa đáp ứng quy định, như chưa được cơ quan quản lý địa phương thẩm định, phê duyệt kế hoạch ứng phó tràn dầu với kho nhiên liệu.
Một số thương nhân đầu mối không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối, như không đủ tối thiểu 40 tổng đại lý kinh doanh hoặc đại lý bán lẻ, thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu. Khi số lượng đại lý, thương nhân nhận quyền tăng, giảm, các đầu mối xăng dầu cũng không báo cáo tới cơ quan quản lý về sự thay đổi này.
Báo cáo chỉ ra, năm 2021, khi chưa có thay đổi quy định về hệ thống phân phối xăng dầu, một số thương nhân đầu mối chỉ đảm bảo số lượng về thương nhân nhận quyền, mà không ký kết hợp đồng đại lý bán lẻ, tức là không đáp ứng quy định. Việc đảm bảo hàng hoá tồn kho chưa được các doanh nghiệp đầu mối thực hiện nghiêm.
Thậm chí, có hiện tượng doanh nghiệp đầu mối mua ngược lại hàng của thương nhân phân phối. Theo cơ quan thanh tra Bộ, việc này là doanh nghiệp đầu mối chưa thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ của mình, nhưng quy định hiện tại chưa có chế tài xử lý.
Ngoài các tồn tại, hạn chế và vi phạm kể trên, cơ quan thanh tra còn cho biết nhiều doanh nghiệp đầu mối lớn có số liệu báo cáo xuất, nhập, tồn kho chênh lệch thực tế và hoá đơn đầu vào...
Các doanh nghiệp đầu mối ký hợp đồng với thương nhân kinh doanh xăng dầu khi thương nhân đó đang nhận quyền bán lẻ, chưa đảm bảo tổng nguồn... là chưa đúng quy định.
Hoặc có tình trạng doanh nghiệp không cung cấp mà giao khoán cho hệ thống đại lý bán lẻ chủ động mua xăng dầu của thương nhân khác. Việc hạch toán lượng hàng mua của các doanh nghiệp đầu mối chưa chuẩn xác, có trường hợp hạch toán phần vay mượn từ đại lý, thương nhân phân phối vào hàng mua từ đầu mối, thậm chí còn hạch toán nhầm hàng mua từ nhà máy lọc dầu trong nước sang phần nhập khẩu từ nước ngoài...
Về nhập khẩu xăng dầu, kết luận thanh tra cho thấy có thương nhân đầu mối không nhập khẩu xăng dầu trong hai quý đầu năm ngoái. Nhưng xét cả năm thì doanh nghiệp vẫn nhập đủ sản lượng tối thiểu được Bộ Công Thương phân giao. Cũng có trường hợp thương nhân đầu mối không nhập khẩu xăng, hoặc nhập ít hơn số lượng được Bộ Công Thương phân giao.
Chưa có quy định xử phạt hành chính với trường hợp doanh nghiệp không nhập khẩu xăng dầu một quý trở lên, nhưng theo cơ quan thanh tra, khoản 6, điều 8 Nghị định 83 quy định Bộ Công Thương có quyền thu hồi Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu trong trường hợp này.
Theo quy định, doanh nghiệp đầu mối phải đảm bảo dự trữ lưu thông tối thiểu 15 ngày, nhưng thực tế đã không tuân thủ đầy đủ. Tuy nhiên, kết luận thanh tra cho thấy, tháng 1 năm nay nhiều doanh nghiệp đầu mối ghi nhận mức dự trữ lưu thông thấp. Việc này diễn ra trong thời gian ngắn và do một số nguyên nhân khách quan, ảnh hưởng từ việc Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (đơn vị cung ứng gần 40% sản lượng xăng dầu) giảm công suất, dẫn tới thiếu nguồn cung trong nước.
Dẫn quy định tại Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, cơ quan thanh tra cho rằng, trường hợp doanh nghiệp đầu mối không tuân thủ dự trữ lưu thông tối thiểu 15 ngày thì Bộ Công Thương có quyền thu hồi giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu.
Quá trình thanh tra tại các doanh nghiệp cũng cho thấy, một số Vụ, Cục trực thuộc Bộ đã chưa kịp thời kiểm tra, đối chiếu, rà soát và chậm trễ phát hiện hành vi vi phạm hành chính, cũng như chưa kịp thời tham mưu, kiến nghị để xử phạt theo thẩm quyền.