Sáng 27/9, ĐH Quốc gia Hà Nội phối hợp với Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực tổ chức hội thảo tham vấn đổi mới tuyển sinh đại học và sau đại học theo hướng đánh giá năng lực.
Ông Nguyễn Kim Sơn, Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, trường đã trình phương án đổi mới tuyển sinh bằng bài thi đánh giá năng lực lên Bộ GD&ĐT từ tháng 2/2014, đồng thời công bố trên Internet lấy ý kiến đóng góp và trình bày phương án đổi mới trước Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực, Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo, báo cáo trực tiếp lãnh đạo Chính phủ.
Phương án được trường áp dụng thí điểm tại các chương trình đào tạo tiên tiến, tài năng, chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế (bậc đại học) và 18 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ (bậc sau đại học). Kết quả thăm dò gần 1.100 thí sinh dự thi bậc ĐH và 547 thí sinh thi bậc sau ĐH cho thấy, trên 2/3 đánh giá bài thi có độ khó trung bình, trên 60% cho rằng đề thi đánh giá đúng năng lực để học ngành đăng ký, trên 80% ý kiến cho rằng đề thi đánh giá đủ kiến thức cần thiết về mọi mặt của sinh viên và khoảng 2/3 đánh giá hình thức thi trên máy tính tiện lợi, đơn giản.
GS Phùng Xuân Nhạ, Giám đốc ĐHQG Hà Nội. Ảnh: Bùi Tuấn. |
Với ngân hàng câu hỏi được bổ sung thường xuyên (hiện có khoảng 4.000), ĐH Quốc gia Hà Nội dự kiến tuyển sinh bằng phương pháp đánh giá năng lực từ năm 2015. Thí sinh dự tuyển vào trường chỉ phải thực hiện bài thi đánh giá năng lực chung, có thể áp dụng trọng số điểm cho từng điểm hợp phần của bài thi tổng hợp để xét tuyển vào các ngành với đặc thù khác nhau, hệ tài năng, chất lượng cao. Kỳ thi được tổ chức hai lần trong năm, vào tháng 4 và tháng 8. Thí sinh có thể dự thi ở các địa điểm thi của tỉnh thành trong các phòng thi chuẩn hóa.
GS Bành Tiến Long, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, cha đẻ của phương án thi đại học 3 chung đã thực hiện 12 năm cho biết, việc tuyển sinh trên thế giới không giống nhau bởi phụ thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện từng nước. "Phương án của ĐH Quốc gia Hà Nội đã có sự chuẩn bị bài bản trong nhiều năm, đây chính là điều kiện để tổ chức thành công. Hơn nữa, việc chuẩn bị được hơn 4.000 câu hỏi cho ngân hàng đề thi là việc mà trước đây Cục khảo thí cũng chưa làm được. Trường còn lấy phản hồi của người học, từ đó điều chỉnh câu hỏi là rất tốt vì mục tiêu thi bên cạnh tuyển chọn được người tài cho các nhà trường còn phải đáp ứng được nhu cầu của học sinh", GS Bành Tiến Long nhận xét.
Tuy nhiên, nguyên Thứ trưởng GD&ĐT cũng góp ý, công tác tuyên truyền cho học sinh là rất quan trọng bởi các em là đối tượng thụ hưởng. Phải làm thế nào để từ lớp 10, 11 học sinh biết được phương án này. Hướng ra đề thi cũng cần phổ biến cho giáo viên phổ thông để họ làm quen và giảng dạy cho học sinh. "Nếu sử dụng phương án công nhận tốt nghiệp và tuyển sinh đại học như của ĐH Quốc gia thì độ chính xác sẽ rất cao", GS Long nhận định.
GS Bành Tiến Long và TS Mark (thứ nhất và thứ 2 từ phải sang) đánh giá cao phương án đổi mới thi bằng bài thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội. Ảnh: Bùi Tuấn. |
Lãnh đạo nhiều trường đại học top đầu cũng ủng hộ phương án của ĐH Quốc gia Hà Nội và bày tỏ mong muốn sử dụng kết quả đánh giá năng lực vào quá trình tuyển sinh. GS Nguyễn Trọng Giảng, Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội chia sẻ, từ năm 2008 ông đã nêu ý kiến với Bộ Giáo dục đề nghị có những thay đổi tuyển sinh để giảm áp lực cho thí sinh và tốn kém cho xã hội. Năm 2014, ĐH Bách khoa Hà Nội đã sơ tuyển thí sinh online theo học bạ 3 môn Toán, Lý, Hoá, sau đó thông báo cho học sinh có khả năng được vào học nếu đỗ kỳ thi 3 chung.
"Tuyển sinh của chúng tôi vì vậy rất nhàn với khoảng 7.000 em dự thi. Khi nghe ĐH Quốc gia công bố phương án đổi mới, tôi rất thích vì phương án này chúng tôi đã nghĩ đến nhưng chưa làm được. Tôi cho rằng trong năm đầu tiên, một nhóm trường đại học top trên nên thỏa thuận với nhau để thực hiện. Khi làm tốt thì có thể nhân rộng ra toàn quốc", GS Giảng nói.
Không chỉ ủng hộ phương án đổi mới thi của ĐH Quốc gia Hà Nội, Phó giám đốc ĐH Đà Nẵng Đoàn Quang Vinh cho biết, trường sẽ cùng tham gia tổ chức thi và sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực cho việc xét tuyển vào các trường thành viên của ĐH Đà Nẵng.
Theo PGS Vinh, phương án đổi mới tuyển sinh bằng cách sử dụng các bài thi đánh giá năng lực đang đi đúng hướng và kỳ thi quốc gia nên theo hướng này. "Hiện còn sớm để áp dụng đại trà nhưng trong những năm tới kỳ thi quốc gia cần đổi mới từ khâu ra đề đến tổ chức thi, cần phải đánh giá được năng lực của học sinh và tổ chức thi trên máy tính để đảm bảo công bằng, bảo mật", Phó giám đốc ĐH Đà Nẵng nêu ý kiến.
Ông Vinh cũng cho rằng, phương án đổi mới cần tuyên truyền sâu rộng hơn nữa để xã hội hiểu rõ và học sinh có thời gian chuẩn bị. Bên cạnh đó, ĐH Quốc gia Hà Nội cần có quy chế thi, và phương án đổi mới này cần được Bộ GD&ĐT cho phép để các trường có căn cứ thực hiện.
TS Nguyễn Ngọc Thanh, Hiệu trưởng ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội thì nhận định phương án tuyển sinh bằng bài thi đánh giá năng lực có nhiều ưu thế về tính chính xác, linh hoạt, tiếp thu được những điểm tích cực của quốc tế. Theo ông Thanh, kỳ thi muốn được xã hội chấp nhận phải có tính khả thi, dễ dàng thực hiện, được thí sinh chấp nhận. Kết quả thi phải có tính đại chúng, được nhiều trường chấp nhận, và cuối cùng là phải có tính pháp lý, nghĩa là phải được Bộ Giáo dục chấp nhận, khi đó các trường mới có thể thực hiện theo.
“Sớm muộn chúng ta cũng phải tuyển sinh bằng cách đánh giá năng lực - xu thế tất yếu trên thế giới. ĐH Quốc gia Hà Nội đã có bước tiên phong và chúng tôi hoàn toàn ủng hộ”, Hiệu trưởng ĐH Tài nguyên Môi trường khẳng định.
Đại diện cho Bộ GD&ĐT tham dự hội thảo, Cục trưởng Khảo thí và Kiểm định chất lượng Mai Văn Trinh đánh giá cao phương án tuyển sinh bằng bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia. Ông Trinh cho biết Bộ rất khuyến khích các trường đại học tự chủ, có giải pháp mới tiên tiến, phù hợp với đối tượng tuyển sinh và ngành nghề đào tạo, nhưng phải đảm bảo nhất quán toàn hệ thống. "Tôi mong rằng phương án này gắn với bảo đảm quyền lợi cho thí sinh, để không làm phức tạp thêm việc thi của học trò. Sắp tới, Bộ sẽ làm việc với ĐH Quốc gia Hà Nội để bàn bạc kỹ hơn", ông Trinh bày tỏ.
Còn theo Cục phó Khảo thí Trần Văn Nghĩa, việc đề xuất lấy kết quả thi năng lực để xét tốt nghiệp ĐH Quốc gia cứ làm đề án, lấy ý kiến xã hội, các Sở Giáo dục, bởi việc công nhận tốt nghiệp là của các Sở, Bộ không thể thay họ quyết định. "4.000 câu hỏi sẽ tổ hợp được rất nhiều đề, nhưng vì kỳ thi sẽ diễn ra nhiều lần trong năm nên các câu hỏi đã được dùng rồi sẽ không dùng lại mà phải sửa đổi, bổ sung. Trường nên cân nhắc vấn đề này, đồng thời phải tuyên truyền để học sinh hiểu rõ phương án thi. Nếu học sinh không quan tâm nghĩa là các em không chấp nhận cuộc chơi", ông Nghĩa góp ý.
Tiếp thu tất cả ý kiến của chuyên gia giáo dục, lãnh đạo các trường ĐH, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội Phùng Xuân Nhạ giải thích, phương án đổi mới tuyển sinh bằng bài thi đánh giá năng lực là tài sản chung mà các trường ĐH có thể thực hiện. ĐH Quốc gia Hà Nội chỉ là đơn vị được Bộ giao nhiệm vụ tiên phong, thí điểm. Cách thức tuyển sinh này cũng đồng nhất với đổi mới thi của Bộ GD&ĐT là nhằm tuyển chọn được những thí sinh có đầy đủ năng lực vào học đại học.
Việc tổ chức thi tuyển sinh vào tháng 4 và tháng 8 hàng năm nhằm tạo nhiều cơ hội thử sức cho thí sinh. Đợt thi đầu tiên trong năm được tổ chức trước kỳ thi quốc gia, và đợt thi thứ 2 sau kỳ thi quốc gia. Ngân hàng đề thi cũng sẽ liên tục được bổ sung với tỷ lệ 20% dễ, 20% khó và 60% trung bình.
"Thủ khoa của kỳ thi đánh giá năng lực vừa qua của trường chính là học sinh đạt 27,5 của ĐH Công nghệ, á khoa là học sinh được 26,5 điểm ĐH Khoa học tự nhiên. Như vậy, kết quả đánh giá năng lực đồng nhất với kết quả kỳ thi 3 chung. Điều này giúp chúng tôi càng yên tâm rằng đổi mới thi đã đi đúng hướng", GS Nhạ nói.
Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội khẳng định, trường sẽ chủ động lên kế hoạch làm việc với một số trường ĐH có điều kiện để cùng tổ chức tuyển sinh bằng đánh giá năng lực từ năm 2015. Về việc công nhận tốt nghiệp cho thí sinh tham dự kỳ thi, vì là thí điểm nên ĐH Quốc gia sẽ không làm đại trà mà chỉ phối hợp với một số Sở đồng tình. Việc thí điểm sẽ gọn nhẹ như một cụm thi, sau đó rút kinh nghiệm để có thể thực hiện mở rộng.
"Bộ GD&ĐT cần xem xét phương án của ĐH Quốc gia Hà Nội trên cơ sở hợp lý tính đến yếu tố thí điểm. Thận trọng là cần thiết, nhưng quá thận trọng lại không làm được", Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội đề xuất.
Hoàng Thuỳ