Tham dự lễ khai giảng tại ĐH Quốc gia Hà Nội sáng 15/9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng khi thấy những năm qua trường đã chủ động quy hoạch các ngành, chuyên ngành đào tạo để phù hợp với nhu cầu xã hội và đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhiều chương trình đào tạo chất lượng cao đã được kiểm định đạt chuẩn chất lượng của mạng lưới các đại học ASEAN (AUN).
"ĐH Quốc gia Hà Nội đã tích cực đổi mới phương thức tuyển sinh đại học và sau đại học bằng cách chủ động xây dựng phương án tuyển sinh tiên tiến bằng một bài thi tổng hợp để đánh giá toàn diện năng lực người học. Tôi rất hoan nghênh và đề nghị nhà trường chủ động làm việc với Bộ GD&ĐT để xem xét, thí điểm thực hiện", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.
Thủ tướng đánh giá các sản phẩm khoa học công nghệ tiêu biểu của trường đã góp phần quan trọng vào việc bảo tồn, phát triển văn hóa và di sản văn hóa của dân tộc; cung cấp các luận cứ khoa học cho việc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia. Đó là công trình nghiên cứu cơ chế ô nhiễm asen được công bố trên tạp chí Nature hàng đầu thế giới; nghiên cứu hệ gien người Việt; thiết kế mạch tích hợp; nghiên cứu, xây dựng ngành biến đổi khí hậu; Bộ sách Lịch sử Việt Nam; nghiên cứu chủ quyền biển đảo Việt Nam…
"Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Đại hội XI của Đảng cũng đã xác định 3 khâu đột phá chiến lược để phát triển đất nước nhanh, bền vững, trong đó việc đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học và công nghệ là chìa khóa có ý nghĩa quyết định của sự thành công", Thủ tướng nhấn mạnh.
Để đưa đất nước phát triển nhanh, sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Thủ tướng nhắc nhở ĐH Quốc gia Hà Nội và các trường đại học, cao đẳng trong cả nước cần làm tốt năm nhiệm vụ. Đó là, đổi mới quản trị đại học, chủ động thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao; Tiếp tục đổi mới chương trình, giáo trình, phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá; Thực hiện phân tầng chất lượng các ngành, chuyên ngành để ưu tiên đầu tư có trọng tâm, thu học phí theo đặc thù và chất lượng ngành học.
"Cần tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, hợp tác triển khai các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh, thu hút người nước ngoài đến học tập và nghiên cứu tại Việt Nam. Trường cần tập trung triển khai thành công và hiệu quả đề án đổi mới tuyển sinh đại học và sau đại học theo phương thức đánh giá toàn diện năng lực người học", Thủ tướng nói.
Một nhiệm vụ quan trọng nữa là cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nhằm tạo ra những sản phẩm nghiên cứu khoa học có chất lượng, đủ khả năng ứng dụng, giải quyết các vấn đề quan trọng của các địa phương, các ngành, của quốc gia. Để làm được điều đó, ĐH Quốc gia Hà Nội và các trường đại học phải phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và trình độ cao.
"ĐH Quốc gia Hà Nội cần có các giải pháp hợp lý để cải tạo và phát triển cơ sở vật chất tại các quận nội thành Hà Nội, đồng thời chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng, Ban Quản lý dự án xây dựng ĐH Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, phấn đấu trong 5 năm tới có thể chuyển được 2-3 trường đại học thành viên lên địa điểm mới và sớm đưa trường ĐH Việt -Nhật vào hoạt động", Thủ tướng nhắc nhở.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội Phùng Xuân Nhạ cho biết, ĐH Quốc gia Hà Nội là đơn vị tiên phong xây dựng phương án tuyển sinh tiên tiến. Đề án thí điểm đổi mới tuyển sinh theo đánh giá năng lực bằng một bài thi tổng hợp đã chính thức được triển khai và được xã hội quan tâm, đánh giá cao.
"Chúng tôi đề xuất với Chính phủ cho phép thí điểm thực hiện các cơ chế chính sách phù hợp để thu hút các giảng viên, nhà khoa học, nhà quản lý trình độ cao trong, ngoài nước đến làm việc. Chế độ đãi ngộ sẽ được quan tâm để khuyến khích các giảng viên, nhà khoa học phát huy tài năng, cống hiến hết mình cho sự phát triển của ĐH Quốc gia và đất nước", Giám đốc ĐH Quốc gia cho hay.
ĐH Quốc gia Hà Nội có tỷ lệ cán bộ học vị tiến sĩ và tiến sĩ khoa học đạt 46,3%, tỷ lệ cán bộ có học hàm giáo sư, phó giáo sư, chiếm gần 20% tổng số cán bộ khoa học của trường. Năm 2014, ĐH Quốc gia Hà Nội được Tổ chức xếp hạng ĐH uy tín trên thế giới (QS) xếp vào nhóm 161 các đại học hàng đầu châu Á, trong đó ba lĩnh vực Khoa học tự nhiên; Khoa học xã hội và quản lý; Công nghệ và kỹ thuật được xếp vào nhóm 100 trường hàng đầu châu Á. Vừa qua, Chính phủ đã quyết định thành lập ĐH Việt-Nhật thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội. Đây là biểu tượng của mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản, tạo điều kiện cho việc giao lưu học thuật, tiếp thu công nghệ đào tạo tiên tiến, tạo thêm động lực cho quá trình hội nhập quốc tế của trường nói riêng và giáo dục ĐH Việt Nam nói chung. Tại lễ khai giảng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Thị Hà đã trao quyết định bổ nhiệm PGS Nguyễn Hoàng Hải, quyết định bổ nhiệm lại GS Nguyễn Hữu Đức giữ chức Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội. |
Hoàng Thùy