Giáo sư Garner thảo luận với David Nabarro, cố vấn đặc biệt của Anh về Covid-19, nhận được lời khuyên nên tự cách ly tại nhà.
Những ngày sau đó, các biểu hiện trở nên bất thường. Cơ thể Garner đau nhức như "bị tra tấn", cảm giác váng đầu thường trực. Ông bị mất khứu giác, vị giác, tức ngực và tim đập nhanh.
"Triệu chứng cực kỳ lạ lùng", giáo sư nhớ lại. Đã có lúc, ông tưởng mình sắp chết. Nghĩ bị viêm cơ tim, ông vào Internet tìm hiểu về căn bệnh, song không thể nhìn vào màn hình máy tính quá lâu bởi sức khỏe sa sút.
Giáo sư Garner thuộc nhóm ban đầu ủng hộ chiến lược "miễn dịch cộng đồng" với Covid-19 của chính phủ. Đây là chiến lược chính phủ Anh áp dụng, trước khi dịch lan rộng khiến nước này buộc phải áp dụng phong tỏa.
Ban đầu Garner cho rằng bệnh của mình sẽ sớm qua đi. Tuy nhiên, trái với mong đợi, các triệu chứng nghiêm trọng dần, đưa ông vào chuỗi ngày dài kiệt sức, mệt mỏi và rối loạn tinh thần. Những trải nghiệm diễn biến bệnh mới đây được Garner thuật lại trên Tạp chí Y tế Anh.
Kể từ khi đại dịch qua đỉnh, số lượng bệnh nhân đủ nhiều để thực hiện nghiên cứu chuyên sâu, các nhà khoa học có thêm cơ sở khẳng định triệu chứng của người nhiễm nCoV đôi khi kéo dài một cách bất thường. Trong trường hợp giáo sư Garner là 7 tuần. Mỗi ngày ông xuất hiện một triệu chứng mới, đáng lo ngại hơn trước đó.
Bên cạnh các biểu hiện thông thường, ông còn bị đau bụng, ù tai, tê buồn chân tay, chóng mặt và viêm khớp. Khi ông tưởng rằng sức khỏe đã khá hơn, căn bệnh đột ngột quay lại.
"Điều này cực kỳ khó chịu. Nhiều người bắt đầu nghi ngờ cảm giác của bản thân. Bạn đời nghĩ rằng họ có vấn đề tâm lý", ông viết trên Tạp chí Y tế Anh. Bài đăng đã nhận được sự ủng hộ của những người cùng cảnh ngộ, vật lộn với các triệu chứng "đến và đi" liên tục.
Theo nghiên cứu mới nhất, cứ 20 bệnh nhân Covid-19 thì một người gặp phải tình trạng trên. Hiện chưa rõ con số chính thức, nhưng biểu hiện có thể lên tới hai, ba tháng hoặc lâu hơn.
"Các bệnh nhân vẫn có thể trở lại làm việc, nhưng tình trạng sức khỏe khiến họ không hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Vấn đề này không được chú ý bởi nhiều người cho rằng ‘bạn không chết tức là bạn ổn rồi’", giáo sư Tim Spector, Đại học Cao đẳng Hoàng gia London, nói.
Khi số bệnh nhân gia tăng, mô hình dịch tễ của chính phủ dần lỗi thời. Nhiều người nhiễm nCoV không ho hay sốt. Thay vào đó, họ bị đau cơ, rát họng và nhức đầu. Các nghiên cứu khoa học hiện vẫn trong giai đoạn đầu.
Lynne Turner-Stokes, giáo sư phục hồi chức năng, Cao đẳng Hoàng gia Anh, cho biết Covid-19 là bệnh đa hệ, tấn công vào tất cả các cơ quan của con người. Nó có thể gây ra cả vấn đề động mạch hoặc làm đông máu. Phổi, não, da, thận và hệ thần kinh cũng bị ảnh hưởng. Các triệu chứng tiến triển từ nhẹ (như nhức đầu) tới nghiêm trọng (lú lẫn, mê sảng hoặc hôn mê).
Theo giáo sư Turner-Stokes, hiện chưa rõ vì sao trong một số trường hợp, căn bệnh kéo dài đến vậy. Lời giải thích hợp lý là hệ thống miễn dịch của cơ thể rơi vào tình trạng quá tải. Nhiều người khác cho rằng nguyên nhân trực tiếp là ở virus.
Các nhà nghiên cứu khắp thế giới đang cùng hợp tác, trao đổi thông tin, phân tích dữ liệu mới nhất từ Italy, Tây Ban Nha cũng như Trung Quốc để tìm ra câu trả lời chính xác. Họ cho rằng thách thức đặt ra từ Covid-19 tương đương với "căn bệnh thế kỷ" HIV/AIDS trước đây.
Thục Linh (Theo Guardian)