Theo Sở Y tế TP HCM, điều này đã làm ảnh hưởng đến công tác khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại các trạm y tế. Một số trung tâm y tế đã phải tự cân đối trong nguồn kinh phí đơn vị để hợp đồng với các bác sĩ đã nghỉ hưu tiếp tục tham gia công tác tại trạm.
Ngoài một số trạm y tế thu hút được người bệnh đến khám và điều trị (chủ yếu lĩnh vực y học cổ truyền), nhiều trạm y tế chưa thu hút được bệnh nhân. Nguyên nhân là thiếu bác sĩ đa khoa; bác sĩ chưa có chứng chỉ hành nghề; bác sĩ tại trạm chủ yếu tham gia các chương trình sức khỏe và công tác phòng chống dịch tại cộng đồng; danh mục thuốc tại trạm rất hạn chế, thiếu thuốc bảo hiểm y tế...
Sở Y tế không công bố cụ thể số nhân viên y tế tại các trạm y tế đã nghỉ việc, nghỉ hưu, chuyển công tác.
Bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó chánh văn phòng Sở Y tế, tại cuộc họp báo về công tác phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP HCM chiều 26/5, cho rằng "hiện tượng nhân viên y tế nghỉ việc không phải vấn đề mới, mà đã xảy ra nhiều năm nay". Vì vậy, Sở Y tế đã trình và được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua Nghị quyết về các chính sách đặc thù củng cố nâng cao năng lực của trạm y tế đến năm 2025.
Bà Như cho hay, để đảm bảo hoạt động của trạm y tế trước tình hình thiếu nhân sự, Sở đã bắt đầu triển khai các giải pháp. Về tăng cường lực lượng khám chữa bệnh ban đầu, hiện Sở Y tế đã hướng dẫn, cấp kinh phí cho các trạm y tế ký hợp đồng với các bác sĩ nghỉ hưu, nhằm phụ trách chuyên môn tại trạm.
Với những trạm chưa ký được hợp đồng với bác sĩ nghỉ hưu, Sở tiếp tục luân phiên bác sĩ từ các bệnh viện quận, huyện và TP Thủ Đức đến công tác tại trạm. Cách này đã áp dụng từ trước tới nay. TP HCM hiện có 38 trạm y tế chuyển đổi hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, tức là bác sĩ có đầy đủ chứng chỉ hành nghề, sẽ khám chữa bệnh tại trạm. Thêm nữa, các trạm này có lực lượng bác sĩ, chuyên gia của các bệnh viện đa khoa tuyến cuối của thành phố hỗ trợ hội chẩn, khám chữa bệnh từ xa.
Bên cạnh đó, các bác sĩ mới tốt nghiệp ngoài thực hành tại bệnh viện sẽ được tăng cường về trạm y tế để thực hiện một số hoạt động không cần đến chứng chỉ hành nghề, như hỗ trợ quản lý F0 tại nhà, quản lý các chương trình sức khỏe, chương trình phòng chống dịch.
"Cơ chế chính sách mới sẽ giải quyết được tình trạng thiếu bác sĩ có chứng chỉ hành nghề và thu hút giữ chân nhân viên y tế", bà Như nói.
Một bài toán khó về nhân sự của TP HCM cũng được đại diện Sở Y tế thông tin, đó là thiếu bác sĩ đa khoa. Hiện thành phố có 4.779 bác sĩ chuyên khoa (chiếm hơn 54%) trên tổng số 8.830 bác sĩ đang công tác tại các bệnh viện công lập. Trong khi đó, thành phố đang cần rất nhiều bác sĩ đa khoa tổng quát để khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế.
Hai năm Covid-19 bùng phát, nhiều nhân viên y tế tại TP HCM nghỉ việc. Năm 2020, Sở Y tế ghi nhận 597 người nghỉ; năm 2021 có hơn 1.100 người; 4 tháng đầu năm 2022 con số này là 400. Số nghỉ việc tăng nhẹ ở nhóm bác sĩ, điều dưỡng tại các trạm y tế.
Thư Anh