Tài liệu hướng dẫn của IAF (Tổ chức diễn đàn công nhận quốc tế, cơ quan trọng tài cho các hoạt động tư vấn và chứng nhận ISO) thì xác định, hoạt động tư vấn và các hoạt động hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý chất lượng chỉ bao gồm: chuẩn bị các sổ tay, các quy trình ra quyết định liên quan tới các vấn đề của hệ thống quản lý; đưa ra những lời khuyên (tư vấn) cho việc xây dựng và triển khai hệ thống chất lượng.
Các quy định của cả hai tổ chức đều nêu rõ, hoạt động tư vấn và chứng nhận (cấp chứng chỉ) phải hoàn toàn độc lập với nhau. Giám đốc, nhân sự, tài chính, hạch toán kinh doanh phải độc lập và sự độc lập đó phải được ISO công nhận.
Ở Việt Nam hiện có 15 tổ chức hoạt động chứng nhận và khoảng gần 40 tổ chức hoạt động tư vấn (hoặc có công bố hoạt động tư vấn) về hệ thống quản lý chất lượng. Phần lớn các đơn vị đó là của tư nhân nước ngoài và đa số chưa có đăng ký chính thức hoạt động tư vấn. Không ít đơn vị thuộc lĩnh vực khác như kiểm định, đăng kiểm vẫn nhảy sang hoạt động tư vấn về hệ thống chất lượng. Vì nhiều lý do, hoạt động của tất cả các tổ chức này cho đến nay vẫn chưa được quản lý, kiểm soát chặt chẽ.
Trường hợp Công ty TNHH Bureau Veritas S.A (giấy phép đầu tư số 2042/GP, cấp ngày 6/3/1998) là một ví dụ. Theo giấy phép, công ty này chỉ được hoạt động trong các lĩnh vực: giám định, đánh giá, giám sát, thẩm tra, phân tích và các dịch vụ khác có liên quan đến nguyên vật liệu, sản phẩm, hàng hóa và cấp giấy chứng nhận về hệ thống quản lý đạt các tiêu chuẩn quốc tế; thực hiện giám sát tại hiện trường và xác định trị giá các dự án xây dựng. Nhưng trong thực tế, Bureau Veritas đã làm dịch vụ trọn gói gồm cả đào tạo, tư vấn và cấp chứng chỉ cho 46 doanh nghiệp.
Ở các nước, bên cạnh tổ chức tư vấn, phải có tổ chức chứng nhận. Ví dụ BV có BVQI; SGS có SGS-ICS, APAVE có AFAQ… (BV, SGS, APAVE là các tổ chức tư vấn). Tuy cùng một ông chủ, nhưng tư vấn và chứng nhận phải là hai tổ chức độc lập với nhau. Nhưng khi vào đến Việt Nam, hầu hết hai tổ chức đó đều có cùng một ông chủ, cùng văn phòng, chung tài chính. Không ít doanh nghiệp đã được họ quảng cáo, thậm chí ký hợp đồng trọn gói cả tư vấn và chứng nhận. Sự thiếu độc lập này gây nghi ngờ về chất lượng đánh giá của các tổ chức chứng nhận.
Vấn đề chấn chỉnh hoạt động này đang được đặt ra tại nhiều nước trong khu vực, không riêng gì ở Việt Nam. Tồn tại nổi lên từ những hoạt động này được bàn bạc nhiều trong hội thảo ASEAN mới đây như: các tổ chức không có tư cách pháp nhân, vừa tư vấn vừa chứng nhận; lập hồ sơ chứng từ giả, đánh giá đại khái, không đủ số lượng ngày công theo yêu cầu; cử chuyên gia đánh giá không đủ chuyên môn kỹ thuật, thiếu kỹ năng; cấp chứng chỉ giả; tuyên truyền sai sự thật hoặc không chính xác những thông tin về cấp chứng chỉ, về các tổ chức chứng nhận và tư vấn.
(Theo Thời Báo Kinh Tế Việt Nam)