Quyết định giãn cách xã hội thêm 15 ngày, đến ngày 16/8 được Đồng Nai đưa ra trong bối cảnh ca nhiễm tỉnh này đã tăng lên hơn 4.000 ca.
Đây là lần thứ 2 Đồng Nai kéo dài giãn cách xã hội trong vòng gần một tháng qua, sau đợt tăng thêm 9 ngày hôm 21/7. Chính quyền tỉnh này yêu cầu người dân hạn chế ra khỏi nhà, đặc biệt từ 18h đến 6h hôm sau. Tất cả quán đồ ăn thức uống buộc phải đóng cửa, kể cả bán mang đi. Người dân sẽ được phát phiếu đi chợ trong tuần.
Các doanh nghiệp đang thực hiện phương án "3 tại chỗ" ăn, ở và sản xuất tại nhà máy cần kiểm tra, rà soát phương án phòng chống Covid-19. Nếu xuất hiện các ca nhiễm, doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, phối hợp chính quyền địa phương có phương án cách ly, đảm bảo an toàn, tránh lây lan diện rộng.
Sáng 31/7, Đồng Nai ghi nhận thêm 515 ca Covid-19, cao nhất từ trước đến nay, nâng tổng số ca nhiễm lên 4.478 (18 ca tử vong). Trong đó, TP Biên Hòa 2.090 ca, huyện Nhơn Trạch 788, Vĩnh Cửu 622, Trảng Bom 254, Thống Nhất 193 ca...
Theo đánh gia của ngành y tế, hiện nguy cơ bùng dịch lớn ở các doanh nghiệp "3 tại chỗ" khi xuất hiện nhiều nhà máy xuất hiện ca nhiễm. Việc điều tra truy vết các ổ dịch mới và lấy mẫu diện rộng tại các ổ dịch cũ ở TP Biên Hòa khá chậm, trong đó có nguyên nhân là không còn nhân lực để huy động. Tại một số địa phương có số ca bệnh tăng cao, đã có biểu hiện mất sự bình tĩnh nên việc tổ chức các hoạt động chống dịch có khi thiếu hợp lý, không đi vào hoạt động trọng tâm.
Đồng Nai đang thực hiện hàng loạt các biện pháp như tăng cường xét nghiệm sàng lọc, giãn cách các khu trọ, đưa công nhân về quê, kiểm soát chặt người dân ra đường... Ngoài ra, để phục vụ công tác điều trị, tỉnh đang xây dựng tiếp các bệnh viện dã chiến để nâng tổng công suất 10.000 giường.
Bình Phước giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 7 ngày, kể từ 0h ngày 2/8. "Việc kéo dài thời gian giãn cách này nhằm nhanh chóng chặn đứng các nguồn lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng, sớm đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường", bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND Bình Phước nói.
Tỉnh này đã thực hiện giãn cách xã hội trong 14 ngày, từ 0h ngày 19/7. Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Bình Phước, tính đến chiều 31/7, tỉnh đã ghi nhận 220 ca dương tính nCoV.
UBND Đồng Tháp thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên toàn tỉnh thêm 14 ngày, kéo dài đến 15/8.
Động thái này được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 tại tỉnh chưa giảm, nguy cơ tiềm ẩn mầm bệnh trong cộng đồng vẫn còn cao. Dự báo chợ dân sinh, doanh nghiệp có nhiều lao động là các nơi có nguy cơ mắc cao.
Tổng số ca của tỉnh trong đợt dịch thứ 4 tính đến ngày 31/7 là 2.984 ca. Riêng trong 17 ngày giãn cách xã hội vừa qua tỉnh ghi nhận 2.306 ca, có 333 trường hợp xuất viện, 24 trường hợp tử vong. Các ca nhiễm tập trung tại các thành phố Sa Đéc 894 ca, huyện Cao Lãnh 479 ca, Châu Thành 213, huyện Lai Vung 284 ca.
Toàn tỉnh đã có 110.174 người đã tiêm vaccine Covid-19, chiếm 6,8% dân số, trong đó tiêm chưa đủ liều 97.237 người, tiêm đủ liều 12.937 người.
Ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp yêu cầu các địa phương tiếp tục kiểm soát, giám sát thật chặt hơn nữa, tuyệt đối không chủ quan, không tự ý điều chỉnh nới lỏng các quy định giãn cách thấp hơn Chỉ thị 16.
Ngoài ra, kiểm soát, giám sát các doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ", tuyệt đối không để công nhân ra vào doanh nghiệp, không đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch. Hiện, toàn tỉnh có 104 doanh nghiệp, hơn 15.000 lao động hoạt động "3 tại chỗ" và 323 doanh nghiệp, hơn 23.000 lao động ngưng hoạt động.
Trung bình mỗi ngày Đồng Tháp tầm soát hơn 10.000 trường hợp bằng phương pháp test nhanh và PCR mẫu gộp. Tổng số máy RT-PCR của tỉnh hiện tại là 5, chuẩn bị trang bị thêm một máy từ nguồn xã hội hóa. Ngoài ra, Trung tâm hồi sức tích cực (ICU) với 75 giường tại Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc đã đi vào hoạt động.
Đồng Tháp phát hiện ca đầu tiên trong làn sóng thứ 4 hôm 31/5, do tiếp xúc với người mắc bệnh ở Long An. Toàn tỉnh đã thực hiện theo Chỉ thị 16 bắt đầu từ 14/7.
Bạc Liêu kéo dài thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm một tuần, đến hết ngày 8/8. Trước đó, ngày 26/7, tỉnh là nơi đầu tiên ở miền Tây yêu cầu người dân không ra đường từ 18h đến 5h sáng mỗi ngày, để hạn chế tình trạng dịch lây lan.
Từ cuối tháng 5 đến nay, Bạc Liêu ghi nhận 28 ca Covid-19 trong cộng đồng, trong đó, 7 trường hợp điều trị khỏi. 1.475 người đang cách ly tập trung, 2.643 trường hợp cách ly tại nhà. Địa phương đã tiêm vaccine cho 26.052 người, trong đó 6.047 trường hợp tiêm đủ 2 mũi.
Phước Tuấn - Ngọc Tài - Cửu Long - Văn Trăm