Số công nhân trên được UBND huyện Vĩnh Cửu lên danh sách ba ngày qua. Trước khi về quê, tất cả được xét nghiệm âm tính Covid-19.
Mọi người đi về bằng xe máy với đoàn dài gần hai km, xuất phát trước UBND xã Thạnh Phú, sau đó đi qua các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đăk Nông và đến Đăk Lăk. CSGT dùng ôtô dẫn đoàn nhằm kiểm soát không để người dân ghé dọc đường, tránh lây lan mầm bệnh, cũng như đảm bảo an toàn giao thông.
Xếp hàng đứng chờ trên tỉnh lộ 768, anh Hùng, công nhân Khu công nghiệp Thạnh Phú, vui mừng vì được chính quyền tạo điều kiện về quê. "Tôi ở trong khu phong tỏa gần 2 tuần, cũng không có việc làm nên khi nghe được về quê tôi liền đăng ký. Về cũng phải cách ly nhưng đỡ lo hơn là ở trong khu vực dịch phức tạp", anh nói.
Trước đó, từ ngày 16/7, toàn bộ xã Thạnh Phú với 41.000 dân bị phong tỏa 28 ngày, do liên quan đến ổ dịch Công ty Changshin Việt Nam (300 ca).
Ông Nguyễn Quang Phương, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu cho biết, kế hoạch đưa công nhân Đăk Lăk về được hai địa phương thống nhất bằng xe khách và ôtô tải chở xe máy. "Tuy nhiên sáng nay các công nhân yêu cầu được về quê bằng xe máy nên chúng tôi hỏi ý kiến lãnh đạo tỉnh rồi lên phương án dẫn đoàn, đi kèm còn có lực lượng y tế để xử lý các tình huống khi cần", ông Phương nói.
Trước khi đoàn lên đường, chính quyền Đồng Nai đã liên hệ với UBND Đăk Lăk để chuẩn bị sẵn sàng đón, cách ly y tế.
Chủ trương đưa công nhân về quê được UBND Đồng Nai triển khai với mục đích "giãn cách các khu trọ" ở những địa phương có nguy cơ lây lan cao như TP Biên Hòa, huyện Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu, Trảng Bom... Đến nay tỉnh này ghi nhận 3.586 ca Covid-19, trong đó huyện Vĩnh Cửu 493 ca.
Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội Đồng Nai, UBND các huyện, thành phố sẽ tiếp nhận danh sách đăng ký những người có nguyện vọng về quê. "Tuy nhiên, số lượng lao động được về còn phụ thuộc vào khả năng tiếp nhận của các địa phương nơi họ thường trú", đại diện Sở cho biết.
Phước Tuấn