Trước khi rời mái trường cấp hai, một nữ sinh 15 tuổi ở Tokyo đã thực hiện phẫu thuật nhấn mí để tự tin hơn trong mắt bạn bè. Em sở hữu đôi mắt không đều nhau, một bên hai mí, một bên mí lót và không hài lòng về đặc điểm này trên gương mặt. Mẹ thiếu niên cho rằng quyết định phẫu thuật là đúng đắn, sau khi nhìn thấy con gái "tận hưởng những ngày tháng học trung học vui vẻ". Tuy nhiên, bà vẫn lo sợ về một số hệ quả mà điều này để lại.
"Tôi sợ rằng con gái có thể nghĩ mọi người vô giá trị nếu họ không xinh đẹp. Tôi cũng lo lắng khi thấy con trả nhiều tiền để có được vẻ đẹp mong muốn một cách thiếu cân nhắc. Có lẽ chúng ta sẽ hạnh phúc hơn nếu sinh ra ở thời điểm công nghệ phẫu thuật thẩm mỹ chưa xuất hiện", bà nói.
Thời gian gần đây, số học sinh cấp hai, cấp ba phẫu thuật thẩm mỹ ngày càng nhiều. Thanh thiếu niên đều muốn sở hữu đôi mắt hai mí để rũ bỏ sự tự ti. Các chuyên gia đặt câu hỏi về vấn đề tồn tại đằng sau xu hướng này và cách cha mẹ phản ứng với nó.
Niềm vui của con cái, nỗi sợ của cha mẹ
Nữ sinh 15 tuổi ở Tokyo đã tìm hiểu về quy trình tiểu phẫu trên Instagram. Theo quảng cáo, đây là phương pháp nhấn mí bằng chỉ khâu, không cần can thiệp xâm lấn. Cô bé đã bày tỏ nguyện vọng này với cha mẹ từ khi còn học tiểu học. Cha của nữ sinh hứa sẽ đồng ý nếu em vượt qua kỳ thi tuyển sinh trung học. Với lời động viên này, cô bé chăm chỉ học hành và dỗ vào một ngôi trường cấp ba danh giá.
Sau đó, em tìm được tờ rơi quảng cáo của một bệnh viện, cho biết ca tiểu phẫu chỉ có giá vài chục nghìn yên. Tuy nhiên, khi đến phòng khám, em được thông báo tổng chi phí lên tới 200.000 yên (1.390 USD). Cha em tỏ ra đắn đo, song được phía thẩm mỹ viện đề xuất giảm giá xuống còn 50.000 yên - mức giá "dành riêng cho nhóm khách hàng mục tiêu", theo lời người quản lý.
Thẩm mỹ viện không đảm bảo thủ thuật nhấn mí an toàn 100%, do "những rủi ro y tế tương đương bất cứ ca phẫu thuật nào khác". Nữ sinh chọn phẫu thuật tối cuối tuần và đến trường vào sáng thứ Hai tuần sau trước con mắt ngưỡng mộ của bạn bè. Một người bạn thở dài và ghen tị, cho rằng em có "phụ huynh tâm lý".
Sau một tuần, vết sưng tiểu phẫu biến mất. Thiếu niên cho biết bản thân tự tin hơn bao giờ hết. "Trước đây, tôi luôn tránh giao tiếp bằng mắt với mọi người khi nói chuyện, giờ thì tôi không còn mặc cảm đó nữa", em nói.
Hệ lụy tiềm ẩn
Phòng khám Tokyo Isea, nơi cung cấp dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ, cho biết ngày càng nhiều thanh thiếu niên tìm đến những dịch vụ cải thiện gương mặt. Quy trình được săn lùng nhiều nhất là nhấn mí bằng chỉ khâu. Số khách hàng từ 10 đến 19 tuổi tăng mạnh kể từ năm 2015 đến năm 2021. Katsuyuki Yoshitane, giám đốc của Tokyo Isea Clinic, cho biết bệnh nhân đi đến quyết định này chủ yếu do ảnh hưởng của những hình mẫu hoàn hảo trên mạng xã hội.
"Thông qua các ứng dụng chỉnh sửa, mọi người thường xuyên chia sẻ những bức ảnh với vẻ ngoài gần như lý tưởng. Nhiều người mong muốn có ngoại hình gần nhất với những bức ảnh đã chỉnh sửa đó", ông Yoshitane giải thích.
Rintarou Asahi, giảng viên tại Trường Y khoa Nippon, chuyên gia nghiên cứu về hậu quả thẩm mỹ, kêu gọi mọi người thận trọng.
"Về y học, không phải ai cũng có nguy cơ biến chứng cao. Tuy nhiên, việc bắt những đứa trẻ cấp hai, cấp ba phải tự chịu trách nhiệm về rủi ro có thể phát sinh là quá tàn nhẫn", ông nói.
Asahi chỉ ra rằng một số bệnh nhân muốn phẫu thuật thẩm mỹ vì họ lầm tưởng bản thân xấu xí do chứng rối loạn dị dạng cơ thể. Đây là tình trạng sức khỏe tâm thần, người mắc thường có nỗi ám ảnh về khuyết điểm ngoại hình mà người khác không thể nhận ra. Trong mắt họ, vấn đề cơ thể dù nhỏ bé cũng có thể gây tự ti, buồn bã, căng thẳng. Vì thế, vai trò của bác sĩ đối với những ca thẩm mỹ ở người trẻ là rất lớn.
Nhiều thẩm mỹ viện thậm chí quảng cáo về dịch vụ một cách cực đoan, cổ xúy chủ nghĩa ngoại hình, định kiến hoặc phân biệt đối xử dựa trên vẻ ngoài của một cá nhân.
Một quảng cáo (TVC) của Viện thẩm mỹ Shonan phát hành tháng hai, quay cảnh ba nữ sinh trung học vừa chạy vừa nói: "Chúng tôi muốn giữ vẻ ngoài dễ thương này càng lâu càng tốt, trong suốt ba năm trung học thoáng qua". Sau đó, đoạn video hiển thị mức giá để nhấn mí cho thanh thiếu niên là 39.000 yên. Theo quản lý phòng khám, chương trình này đã được triển khai từ một năm trước.
Ngay sau khi lan truyền trên Twitter, TVC vấp phải sự chỉ trích của cộng đồng. Nhiều người cho rằng Viện thẩm mỹ Shonan đang "thúc đẩy chủ nghĩa ngoại hình", nội dung quảng cáo không phù hợp với học sinh trung học.
Yuji Katayose, chủ tịch của SBC Marketing Co., công ty chịu trách nhiệm lập kế hoạch kinh doanh và quảng bá cho Shonan, đã giải thích về TVC gây tranh cãi.
"Không phải tất cả trẻ em quan tâm đến thẩm mỹ đều có thể tâm sự điều này với bạn bè. Chúng tôi chỉ quảng cáo dịch vụ như một lựa chọn chăm sóc sắc đẹp bình thường. Chúng tôi không có ý cổ xúy về chủ nghĩa ngoại hình, nhưng không thể phủ nhận đoạn TVC đã làm trầm trọng hóa vấn đề. Chúng tôi sâu sắc tiếp nhận lời chỉ trích", ông nói.
Riêng năm 2022, Viện thẩm mỹ Shonan đã đón hơn 26.000 thanh thiếu niên từ 10 đến 19 tuổi đến tạo hình mắt hai mí, mức tăng đáng kể so với 16.000 người vào năm 2019. Trong số đó, bệnh nhân nhỏ nhất mới 11 tuổi.
Naho Tanimoto, giáo sư xã hội học văn hóa tại Đại học Kansai, lập luận không nên đổ lỗi cho trẻ em về lựa chọn này. Ngay trước độ tuổi trưởng thành, việc một bé gái lo lắng về ngoại hình là điều khá bình thường. Thay vào đó, ông cho rằng cha mẹ, người giám hộ và nhà trường nên kiên nhẫn giải thích về những tiêu chuẩn phong phú khác liên quan đến vẻ đẹp, bên cạnh "mắt hai mí, mũi cao hay môi trái tim".
Thục Linh (Theo Asahi)