Ba tháng trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, Vũ Ngọc Sơn, lớp 12A1, trường THPT Bắc Duyên Hà, Thái Bình, tham dự kỳ thi đánh giá năng lực đợt 2 của Đại học Quốc gia Hà Nội. Sơn đạt 106/150 điểm. Trong đó, môn Toán 45 điểm, Văn học - Ngôn ngữ 30, Khoa học 31.
Trong phiếu báo điểm, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết 99,22% thí sinh của đợt thi này đạt điểm thấp hơn Sơn.
"Em có thể không trúng tuyển nguyện vọng 1, nhưng chắc chắn không trượt đại học với số điểm này", Sơn nói.
Chu Văn An, lớp 12 Hóa, trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An, cũng cởi bỏ được một phần áp lực xét tuyển đại học với điểm 120 đánh giá năng lực. Trong đợt thi cuối tháng 3, An là thí sinh cao điểm nhất. Năm ngoái, chỉ khoảng 20 thí sinh đạt điểm số này trở lên.
"Điểm số này giúp em có cơ sở để tập trung cho các mục tiêu khác", An nói.
Khoảng 70 trường đại học phía Bắc công nhận kết quả đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, trong đó hầu hết lấy điểm chuẩn năm ngoái thấp hơn mức mà Sơn và An đạt được. Vì thế, nhờ điểm kỳ thi này, hai nam sinh gần như chắc suất vào đại học, sớm khoảng 5 tháng so với các thí sinh chỉ xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Điểm chuẩn của phương thức này dự kiến được công bố vào cuối tháng 8.
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết sau ba đợt thi, kết quả cho thấy sự ổn định, điểm của thí sinh không biến động nhiều với các năm trước.
Theo phổ điểm đánh giá năng lực 2022, điểm trung bình của hơn 60.550 thí sinh là 79,3, trong đó 8% đạt từ 100 điểm trở lên. Ông Thảo dự đoán kết quả này được duy trì trong năm nay, có thể tăng lên 10%, bởi lượng thí sinh dự thi năm nay cũng tăng khoảng 20.000.
"Trên 100 điểm là khá cao. Các em có thể dùng kết quả này để xét tuyển vào nhiều trường đại học top đầu", ông Thảo nói.
Cuối tháng 3, Đại học Quốc gia TP HCM cũng tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực với hơn 88.000 thí sinh tham dự.
Phấn khích là cảm giác của Nguyễn Trà My, học sinh lớp 12 Sinh, trường Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia TP HCM, sau khi biết mình giành được 1.087/1.200 điểm. Đây là điểm số cao thứ hai của đợt thi này.
Quy đổi theo công thức của trường Đại học Ngoại thương cơ sở TP HCM, My đạt 29 điểm, thừa hơn 1 điểm để vào ngành Tài chính quốc tế, theo điểm chuẩn năm ngoái. Trong khi đó, ngành Tài chính - Ngân hàng, trường Đại học Kinh tế TP HCM lấy điểm chuẩn 2022 là 845, thấp hơn 240 điểm so với kết quả của My. Nữ sinh tự tin có thể trúng tuyển ngành học yêu thích.
Hoàng Duy Dũng, lớp 12 trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An cũng hài lòng vì đạt 960 điểm. Dũng dự kiến đăng ký xét tuyển vào ngành Khoa học máy tính, trường Đại học Bách khoa TP HCM, và ngành Kinh tế quốc tế, trường Đại học Kinh tế quốc dân. Cả hai trường này đều dùng công thức riêng để tính điểm xét tuyển.
"Đây là hai ngành học hot, tỷ lệ chọi cao. Nhờ điểm thi cao nên em tự tin hơn khi nộp hồ sơ xét tuyển", Dũng nói.
Đầu tháng 4, TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, Đại học Quốc gia TP HCM, cho biết trong hơn 88.000 thí sinh thi đợt một, 152 em đạt điểm trên 1.000, còn từ 951 điểm trở lên là 618.
Thí sinh có thể dùng điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM đăng ký xét tuyển vào 91 trường đại học, cao đẳng trong cả nước. Riêng các trường thành viên của đại học này dành tới 45% chỉ tiêu từ điểm của kỳ thi.
Ông Phùng Quán, chuyên gia tư vấn tuyển sinh, trường Đại học Khoa học tự nhiên TP HCM, nhận định số thí sinh đạt điểm 801-1.200 tương đương năm 2022. Từ đó, ông dự đoán điểm chuẩn của phương thức này cũng ổn định, nếu số thí sinh thi đợt hai không tăng đột biến.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2022, các trường dành hơn 30.000 chỉ tiêu xét tuyển từ điểm của các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Tỷ lệ nhập học theo phương thức này chiếm khoảng 2% tổng số thí sinh nhập học của tất cả phương thức.
Dù đạt kết quả tốt từ sớm, các học sinh nói không chủ quan.
Theo quy định, để xét tuyển đại học, thí sinh phải vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT. Dù mục tiêu này không quá khó khăn với các học sinh khá, giỏi, theo Duy Dũng, em vẫn cần làm hết sức có thể, tránh sai sót đáng tiếc, đồng thời củng cố lợi thế đã có trong việc chọn trường.
Ngọc Sơn và Văn An đều muốn đăng ký xét tuyển vào trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Theo cách tính điểm xét tuyển năm ngoái, điểm thi đánh giá năng lực được đổi về thang 30 theo công thức: (Toán x 2 + Văn học, Ngôn ngữ + Khoa học) x 30/200 + Điểm ưu tiên.
Theo cách tính này, Sơn đạt 22,65, còn An 24,6 điểm. Cả hai đều chấp chới so với điểm chuẩn ngành Trí tuệ nhân tạo, Công nghệ thông tin.
Sơn đã đăng ký thi lại vào đợt 6, diễn ra vào cuối tháng 5. Trải qua một đợt thi, kinh nghiệm của Sơn là luyện đề thi thử tốt nghiệp THPT để rèn môn Toán; chịu khó đọc trong sách giáo khoa và cập nhật kiến thức xã hội cho bài thi Văn học - Ngôn ngữ, Khoa học.
Còn Văn An tiếp tục nghe ngóng kết quả các đợt thi tới. Nếu thấy điểm của mình không còn ở mức an toàn và đợt thi còn chỗ trống, nam sinh có thể thi lại.
"Khả năng này khó xảy ra, nhưng em vẫn phải chuẩn bị các phương án", An nói, cho biết cân nhắc đăng ký thêm kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội để mở rộng cơ hội xét tuyển.
Với Trà My, nữ sinh đánh giá mình gần như chắc suất nhờ điểm thi đánh giá năng lực, nên sẽ ôn thi tốt nghiệp THPT với mức độ nhẹ nhàng hơn.
"Kết quả thi sớm tốt hơn mong đợi, cảm giác như mình đã bước một chân vào cánh cổng đại học", My nói.
Thanh Hằng - Lệ Nguyễn