Các công ty nước ngoài hoạt động ở Nga và Ukraine bắt đầu đưa ra các phương án dự phòng trước một loạt thách thức và việc giá cổ phiếu lao dốc sau cuộc tấn công của Moskva vào Ukraine.
Từ thứ Năm, nhiều văn phòng, nhà máy đã được đóng cửa nhằm đảm bảo an toàn cho nhân viên. Các giám đốc điều hành cũng cân nhắc các yếu tố có thể ảnh hưởng đến doanh nghiệp bao gồm giá hàng hoá tăng vọt và các tác động đến từ các lệnh trừng phạt với Nga. Ngoài ra, một số công ty cũng gặp khó khăn khi mạng lưới đường sắt, cảng biển bị gián đoạn, nguồn cung khí đốt gặp vấn đề.
Nội dung về cuộc tấn công của Nga vào Ukraine ngập tràn trong các phòng họp trên khắp thế giới. "Hôm nay là một ngày đen tối với tất cả chúng ta. Cuộc tấn công vào Ukraine có thể là bước ngoặt ở châu Âu. Điều này là không tưởng với nhiều người, đặc biệt là thế hệ trẻ", Christian Bruch, CEO Siemens Energy AG, nói với các cổ đông tại cuộc họp thường niên.
Carlsberg, nhà sản xuất bia Đan Mạch, cho biết đã dừng sản xuất 3 nhà máy bia tại Ukraine, đồng thời yêu cầu nhân viên ở nhà và chờ hướng dẫn từ chính quyền địa phương. Một trong những nhà máy bia của Carlsberg tại thành phố Lviv đóng cửa vì nguồn cung khí đốt tự nhiên bị gián đoạn.
Công ty này có 1.300 nhân viên tại Ukraine và có nhiều hoạt động kinh doanh tại Nga nói rằng đang theo dõi tình hình đầy quan ngại. "Tính đến sáng nay, chúng tôi đã thực hiện một số biện pháp để đảm bảo an toàn cho các nhân viên tại Ukraine", người phát ngôn doanh nghiệp cho biết.
Tương tự, Nestlé đã tạm thời đóng cửa các nhà máy, kho hàng, chuỗi cung ứng ở Ukraine và khuyến nghị nhân viên ở nhà. Công ty nói rằng họ đã thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho người lao động cũng như điều chỉnh các kế hoạch để phù hợp với sự thay đổi của bối cảnh. Tuy nhiên, doanh nghiệp nói thêm là họ có sẵn các phương án dự phòng đảm bảo tái khởi động khi tình hình an toàn hơn. Nestlé hiện có 3 nhà máy và khoảng 5.000 nhân viên tại Ukraine.
Nhà sản xuất thép lớn thứ hai thế giới ArcelorMittal SA đang cho các nhà máy lớn tại Ukraine sản xuất chậm lại, song song với việc dừng khai thác các mỏ. Công ty có một loạt kế hoạch dự phòng nếu tình hình leo thang.
![Một góc nhà máy tại Ukraine của doanh nghiệp sản xuất thép lớn thứ hai thế giới ArcelorMittal hồi năm 2019. Ảnh: Bloomberg](https://vcdn1-kinhdoanh.vnecdn.net/2022/02/25/arcelorMittal-steel-plant-in-U-5591-3794-1645776650.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=CRdK9D3iADn2P2ylLbmTuA)
Một góc nhà máy tại Ukraine của doanh nghiệp sản xuất thép lớn thứ hai thế giới ArcelorMittal hồi năm 2019. Ảnh: Bloomberg
Hamburger Hafen und Logistik AG - công ty hậu cần và vận tải Đức điều hành một bến container lớn tại cảng Odessa (Ukraine) cho biết, các nhà chức trách đã đóng cửa cảng sáng thứ năm. 480 nhân viên của công ty đã rời khỏi cảng.
Nhà sản xuất thuốc lá Davidoff Imperial Brands PLC cũng dừng hoạt động tại Ukraine. Tại đây, doanh nghiệp này có 600 nhân viên thuộc một nhà máy ở Kyiv và đội ngũ bán hàng, tiếp thị. Doanh nghiệp cung cấp phần mềm của Đức SAP SE thông báo đóng cửa văn phòng tại Kyic và thực hiện các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ nhân viên. Nhà sản xuất thực phẩm Danone SA của Pháp có hai nhà máy sản xuất ở nước này cũng đang có hành động để bảo vệ nhân viên và giữ cho kinh doanh không gián đoạn.
Khi quân đội của Nga tấn công, Global Guardian, một công ty Mỹ chuyên tư vấn cho các doanh nghiệp về rủi ro an ninh, đã sử dụng xe buýt để đưa 200 nhân viên tại Ukraine đến Ba Lan.
Dale Buckner, CEO công ty cho biết, doanh nghiệp đã sơ tán khoảng 1.500 người, chủ yếu là công dân nước ngoài trước cuộc tấn công hôm thứ Năm.
Cổ phiếu của các công ty có hoạt động tại Ukraine và Nga đã giảm hôm thứ Năm. Theo đó, cổ phiếu của ArcelorMittal giảm hơn 6%, Danone giảm hơn 4% và Carlsberg giảm gần 2%. Các nhà đầu tư cũng bán tháo cổ phiếu của tập đoàn dầu khí BP PLC, bất chấp giá dầu tăng. Tập đoàn BP PLC của Anh hiện nắm 19,75% cổ phần của Tập đoàn dầu khí Rosneft của Nga.
Một phát ngôn viên của BP PLC nói rằng công ty đang theo dõi tình hình. Các CEO của tập đoàn này hồi đầu tháng đã giảm dự báo rủi ro tiềm ẩn của các lệnh trừng phạt khi căng thẳng leo thang.
Các công ty dầu khí lớn khác như Shell PLC và Exxon Mobil Corp cũng có các khoản đầu tư lớn vào Nga. "Ưu tiên hàng đầu của Shell là sự an toàn của tất cả nhân viên. Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ tình hình", phát ngôn viên công ty cho biết.
Nhiều doanh nghiệp cũng tỏ ra cảnh giác về những gián đoạn sản xuất có thể xảy ra tại Nga. Mercedes-Benz Group AG cho biết họ thường xuyên liên lạc với ban lãnh đạo của nhà máy sản xuất gần Moscow.
Các doanh nghiệp nhìn nhận có nhiều sự bất định, bao gồm mức độ tấn công của Nga và phạm vi các lệnh trừng phạt có thể được áp dụng. Các lệnh trừng phạt nhắm vào cắt giảm xuất khẩu công nghệ cao sang Nga, trừng phạt các ngân hàng, doanh nghiệp lớn và các cá nhân giàu có... cũng có thể gây tổn hại đến các doanh nghiệp phương Tây có liên doanh hoặc đầu tư vào các công ty Nga.
Henkel AG & Co. KGaA, công ty sản xuất hàng tiêu dùng Đức cho biết họ đang cảm thấy đầy lo ngại. Đại diện doanh nghiệp cho biết rất khó để ước tính được mức độ tác động chính xác của các biện pháp trừng phạt. Công ty này có 2.500 nhân viên ở Nga, 600 nhân viên Ukraine tại 4 nhà máy.
Đức Minh (Theo WSJ)